Nô lệ hay tự do – Thiên Phúc
(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)
Hôm ấy,
trời vừa rạng đông, ông hoàng nói với tên
đầy tớ: “Xem chừng anh mơ ước giàu có
lắm. Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt
trời lặn, anh có sức ngần nào thgi cứ chạy.
Tất cả những ruộng vườn,
ao cá anh chạy vòng quanh được, ta cho anh hết”.
Anh vui
sướng quá! Cha chết sống dậy
cũng không bằng. Anh liền cắm đầu
chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên con
ngựa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng hồ qua,
chàng làm chủ được mấy cánh đồng bao la
mù mịt. Chàng vừa dừng chân, thì một hồ cá mênh
mông với mặt nước trong ngần huyền ảo
phản chiếu ánh mặt trời đã xế chiều. Chàng lại chạy tiếp. Sau cùng, màn
đêm buông rơi. Chàng thở hổn hển quay
bước trở về, để làm bậc tỉ phú
với “Ruộng vườn cò bay thẳng cánh, ao hồ
mặc sức cá đua”.
Nhưng vừa
bước chân vào ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống bất tỉnh. Vợ con
vội vàng thuốc thang săn sóc… Nhưng vô
hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một
ngày dài lao lực quá mức. Người
ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng đất,
vừa dài, vừa rộng, nhưng không quá ba tấc
đất!
***
Đó là kết cục của một con
người ham mê tiền của, để nó sai khiến
như một tên nô lệ, phải vắt cạn kiệt
sức lực cho tới chết, mà không được
mảy may hưởng dùng!
Đức Giêsu đã cảnh báo cho những
con người tôn thờ tiền của ấy như sau:
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi
Tiền của được” (Mt 6, 24). Tiền
của ở đây được viết hoa, tiếng Aram là
Mammon, có nghĩa là Thần tiền. Nếu
tiền được thần hóa như thế, thì
sức mạnh thống trị của nó không thể coi
thường. Nếu tiền và Thiên Chúa đã
được Đức Giêsu đưa lên bàn cân
để người ta chọn lựa, thì quyền
lực của nó phải là vô song.
Sống là một chuỗi
những chọn lựa. Chính những chọn lựa
này sẽ làm cho người ta thành công hay thất bại,
trở nên người tốt hay hóa ra kẻ xấu,
được hạnh phúc hay phải khổ đau. Đã
chọn lựa điều này thì phải từ bỏ
điều kia. Từ bỏ bao giờ
cũng nuối tiếc dằng co. Đức Giêsu muốn
các môn đệ của Người phải chọn
lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng
hoặc bắt cá hai tay. Người
bắt cá hai tay bao giờ cũng là
kẻ thua thiệt nhất. Hoặc làm tôi
Thiên Chúa hoặc làm tôi tiền của.
Tiền của có một
sức mạnh vạn năng, nó giải quyết phần
lớn các nhu cầu của con người, nên tiền
của hấp dẫn lạ thường. Việt nam
ta có câu: “Có tiền mua tiên cũng được”. Ngay
cả việc đạo cũng phải có tiền mới
xong: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại gay
gắt với tiền của như thế? Thật
ra, Người không lên án tiền
của, Người chỉ cảnh báo những ai ham mê
của cải mà thôi.
Tiền của là phương tiện
hữu hiệu Chúa ban, để bảo tồn sự
sống đời này, và để mua nước Thiên
Đàng đời sau. Tự bản chất tiền
của là tốt, nó là hồng ân của
Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Tiền của chỉ trở
nên xấu khi ta quá tôn thờ nó, như một ông chủ sai
khiến hành hạ đời ta, thậm chí lấy luôn
mạng sống ta như anh đầy tớ trong câu
chuyện trên đây.
Tiền của chỉ trở nên đáng ghét
khi ta qúa tham lam thu tích nó mà quên đi
bổn phận chia sẻ với anh em, như người
giàu có xử tệ với Ladarô nghèo khó.
Tiền của chỉ trở nên án phạt khi ta quá ham mê nó mà từ bỏ
Thiên Chúa, như Giuđa bán Thầy vì mê 30 đồng
bạc.
Tiền của chỉ trở nên cạm
bẫy khi ta quá bám víu vào nó mà không còn tin cậy nơi Thiên
Chúa quan phòng, như người phú hộ ham hưởng
khoái lạc không kịp ăn năn.
Vì thế Đức Giêsu
thật có lý khi cấm chúng ta không được làm tôi
tiền của. Người còn khuyên
chúng ta đừng lo lắng về “của ăn, áo
mặc”. Động từ “lo lắng”
được lập đi lập lại 6 lần,
chứng tỏ tính cấp bách phải từ bỏ mọi
lo âu thái quá, vì cả cuộc sống chúng ta đều
ở trước mặt Chúa Cha, Đấng biết rõ
mọi thứ chúng ta cần.
Nói như thế, không phải là Người
cổ vũ cho sự lười biếng ỷ lại,
hay sự vô tâm thụ động, không làm gì để Chúa
làm tất cả. Người khuyên chúng ta
đừng lo lắng, chứ không cản chúng ta lo liệu.
Lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi lo lắng đều liên hệ đến
tương lai, mà tương lai là điều chưa có
thật. Trái lại, lo liệu là vẫn
lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng luôn tin
cậy phó thác nơi Chúa.
Nếu Chúa đã nói: “Anh em đừng lo
lắng về ngày mai: ngài mai, cứ để ngày mai lo.
Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34)
thì chúng ta phải hiểu là: Quá khứ đã qua đi
rồi, hãy quên nó đi; hiện tại đang trong tầm
tay, phải chu toàn nó; tương là là của Chúa, hãy phó thác
cho Người.
***
Lạy Chúa, Chúa
đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đức công chính của
Người trước” (Mt 6,33), xin cho
chúng con trong khi bôn ba cho cuộc sống này, vẫn dành
ưu tiên cho việc làm sáng danh Chúa và luôn sống theo thánh ý
Người. Amen.
|