Không thể
thờ hai chủ
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Nói về tiền bạc, bao giờ Thánh Kinh cũng
nói nghiêm túc. Thánh Kinh nói về tiền bạc hầu như
nói về sự sống và sự chết. Với tiền
bạc, người ta có thể cứu sống mình
nhưng cũng có thể làm cho mình hư mất. Tiền
bạc có thể mở cửa thiên đàng cho ai đó
nếu biết dùng nó như một phương tiện,
nhưng cũng có thể đóng lại với
người ấy nếu chạy theo tôn thờ nó.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy: “Anh em không
thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của
được”. Phải lựa chọn một trong hai.
Không được bắt cá hai tay.
1. Luận về
đồng tiền.
Đồng tiền là đồng chuyền, rất
bẩn, rất có nguy cơ truyền bệnh. Nhưng nó là
một thứ thiêng liêng và quý giá vô cùng. Sống là phải
lo kiếm tiền, kiếm bằng mọi giá, kiếm càng
nhiều càng tốt.
Đồng tiền là thứ không ở lâu bền
với người ta, nay nằm trên tay người này, mai
đã sang túi người khác. Người có thu nhập
thấp, cảm nhận điều này rõ lắm: Tiền
lĩnh về, chưa kịp nóng túi, đã rủ rê nhau sang
túi mấy bà bán gạo, bán rau ngoài chợ gần hết!
Đồng tiền cũng còn được gọi là
đồng bạc, một phần vì thế chăng? Cái
sự chuyền của đồng tiền nhiều khi
cũng bay bướm nghệ thuật lắm. Xin nêu
một ví dụ: Chiều 24-4-2009,
phía đầu chiếc xe CSGT màu trắng, người
đại úy dí ngón tay trỏ vào tập biên bản,
người vi phạm hiểu ý, “nhằn” ngay trong túi ra
một tờ polyme màu xanh. Người đại úy
lật mấy trang biên bản lên, người vi phạm
vội vã nhét tờ 100.000 đ vào đó. Bỗng, một
cơn gió vô tình thốc tới làm mấy trang biên bản
bay tốc lên, tờ 100.000đ bay vèo theo gió, chờn
vờn đậu xuống vỉa hè cách đó một quãng.
Người đại úy vội vã chạy theo, vội vã
cúi xuống nhặt, rồi khoan thai đút vào túi… Tờ
100.000đ màu xanh giờ đã nằm yên trong túi quần
“ông” đại uý (Bài
CSGT “làm luật” ngay tại Hà Nội, báo Khoa học &
Đời sống, thứ ba ngày 5-5-2009).
Vì cái sự chuyền tay nhau như thế, nên nó
rất bẩn. Có lẽ trên đời này, đồng
tiền là thứ bẩn thỉu nhất, bởi nó giây
đủ các mùi vị, từ mùi thịt cá tanh
tưởi, đến mùi hoa quả thum thủm do bị
ế, bị ủng; từ mùi mồ hôi của chị bán
bánh cuốn đến mùi dầu mỡ của ông lão
sửa xe…
Nhưng vì nó là đồng chuyền, cho nên đồng
tiền luôn luôn mang trong mình nó sự tổng hợp vĩ
đại nhất của tất thảy các mùi vị,
không thiếu một thứ gì… Chính vì đặc
điểm này, mà mặc dù quý đồng tiền
đến mấy, người ta cũng chỉ mân mê
chứ rất ít khi thấy một ai đó đưa nó
đặt lên mũi, lên môi để ngửi hay để
hôn! Không ngửi, không hôn vì nó rất bẩn; nhưng
bẩn đến mấy chúng ta vẫn luôn luôn trân
trọng đồng tiền. Ví dụ: Khi bề
dưới muốn biếu tặng ai tiền,
người đó phải cho nó vào phong bì, đưa
bằng hai tay (thậm chí còn phải cung kính dâng lên).
Ngược lại, khi được bề trên ban
tặng thì bề dưới phải đưa cả hai
bàn tay ra đón nhận, đồng thời cất
tiếng “xin cảm ơn” (thêm chữ “ạ” nữa thì càng
tốt).
Đồng tiền bẩn, nên nó chứa rất
nhiều vi trùng; chứa nhiều vi trùng nên nó cũng là
nguồn lây đủ mọi thứ bệnh, có loại
bệnh không thể nói nên lời…!
Tiền bẩn, muốn sạch thì rửa. Nhưng
có thứ tiền không bẩn, thậm chí còn nguyên đai
nguyên kiện, thơm phức mùi mực in, mà người
ta vẫn đem đi… rửa. Sự rửa như thế
không được khen mà lại gọi là một thứ… tệ, vâng
tệ rửa tiền! Nhà nước Việt Nam gần đây mới thành lập
Ban chỉ đạo phòng chống nạn này! Quốc
tế người ta làm cái công việc chống này từ
lâu lắm rồi. Chắc vì họ quản lý kém, thậm
chí rất thiếu kinh nghiệm? Ngay đến bây giờ
Việt Nam mới thành lập ban chỉ đạo chống
chứ đã trực tiếp chống đâu? Nghĩa là
vẫn trên tinh thần phòng là chính, chứ không phải
chống là chính.
Đồng tiền cũng có sự khôn sự
dại! Bà con ta vẫn thường nhắc nhau:
“Đồng tiền đi trước là đồng
tiền khôn” là gì? Tiền đi đâu mà được
gọi là khôn vậy? Thời nào chứ thời buổi
này, có lẽ ngay đến trẻ con nước mình
cũng cảm nhận được điều đó.
Bây giờ đi đâu, làm gì mà có sự đưa
đường chỉ lối của đồng tiền
(nhất là tiền ngoại), thì khó mấy cũng
vượt qua, “kẻ thù nào đánh thắng”. Có tiền,
mua gì cũng được. Thời nay người ta
thường nói: “Cái gì không mua được bằng
tiền, thì sẽ mua được bằng nhiều
tiền hơn”. Cái vị thế của đồng
tiền còn tạo thế lực cho người nắm
giữ nó. Trong phạm vi hẹp là gia đình, ai có khả
năng kiếm nhiều tiền, người đó là
chủ; điều đó ai cũng thấy. Trong xã hội,
thì dân gian có câu: “Vai mang túi bạc kè kè. Nói quấy nói quá,
người nghe rầm rầm!”.
Sống đã vậy, chết thì sao? Có người
nói, khi hai tay buông xuôi, đồng tiền chả có nghĩa
gì nữa cả. Nói thế là xạo. Chết không kịp
mang, nhưng chết rồi thì vẫn cần. Ngay lúc
vừa ngậm hàm, người trong gia đình đã
phải nghĩ ngay đến việc bỏ vào cái
miệng vô hồn ấy một chút vẩy vàng. Rồi trên
dọc đường tiễn đưa người quá
cố, nhất là khi qua cầu, lại phải rải
tiền xuống đường, xuống sông, cả
tiền thật lẫn tiền âm phủ. Đó là tiền
làm luật đối với bọn ma quỷ cản
đường. “Trần sao âm vậy mà”! Ngoài ra, nhiều
gia đình vào ngày giỗ, ngày Tết mua vàng mã đốt cúng
cho người chết. Vậy người chết không
cần tiền là cái gì?
Đồng tiền còn là vật có máu “lạnh”.
Từ xa xưa ông cha ta đã nói: “Lạnh như tiền!”.
Có thể xuất phát vì ngày xưa tiền làm bằng kim
loại mà nhận xét như thế? Bây giờ dùng tiền
giấy là chính, người ta vẫn không thay đổi
cách nghĩ và cách nói đó. Thực ra cái “lạnh” của
đồng tiền còn mang một ý nghĩa khác, nghĩa bóng
nhiều hơn là nghĩa đen, chỉ những khi ta
thiếu nó quá, cần đến nó quá, mới thực
sự cảm nhận được cái chất “lạnh”
của nó, đồng tiền!
Tiền là bạc. Bạc không chỉ là một
loại quí kim, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc
tình, bạc nghĩa. Vì tiền mất cha, mất mẹ, mất
vợ, mất chồng, mất bạn hữu, mất
họ hàng. Nguyễn Du trong thi phẩm Kim Vân Kiều đã
phải thú nhận: “Trong tay
đã sẵn đồng tiền, dẫu lòng đổi
trắng thay đen khó gì”. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh
Khiêm cũng chua xót nói rằng: “Còn
tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết cơm hết
gạo, hết ông tôi”.
Tiền bạc không cần con người nhưng ai
cũng cần tiền bạc. Dù tiền rách, tiền
bẩn, tiền cũ… người ta vẫn dành cho nó
một cảm tình. Có ai chê tiền đâu, từ
người già cho tới trẻ em. Mà lạ lắm,
những người lớn tuổi, dù có là mắt kém, thông
manh lông quặm, tai điếc đặc ra, nhưng
tiền vẫn không đếm lộn. Ai mượn bao
nhiêu, thiếu nợ ngày nào, các cụ vẫn nhớ rõ ràng
và nhớ chính xác. Chẳng trách chi, người ta cứ
nói, “Đồng tiền nó
liền khúc ruột”. Đụng tới khúc ruột, ai
mà chẳng đau chẳng xót.
Vâng! Thế đó, đồng tiền là đồng
chuyền, rất bẩn, rất có nguy cơ truyền
bệnh. Nhưng nó là một thứ thiêng liêng và quý giá vô
cùng. Sống là phải lo kiếm tiền, kiếm bằng
mọi giá, kiếm càng nhiều càng tốt. Kiếm
đến đâu, cất ngay vào ví, vào két hoặc gửi ra
ngân hàng các nước trung lập. Nếu trót để
bẩn quá, hoặc nghi… bẩn, phải rửa ngay. Rửa
kín đáo, chớ để Ban phòng chống rửa
tiền phát hiện! Còn khi chết? Yên tâm, đã có con cháu
lo! Tuy nhiên cũng cần nhắc điều này:
đồng tiền là rất bạc. Bạc tình, bạc
cả nghĩa nữa. Không kín đáo, không có thế
lực, dễ bị nó đưa tay vào còng có ngày! (Trần
Huy Thuận).
Người ta thường nói rằng, tiền
bạc có thể:
* mua được cao lương mỹ vị,
nhưng không thể mua được sự ngon miệng.
* mua được thuốc thang đắt giá,
nhưng không thể mua được sức khỏe.
* mua được giường êm nệm ấm,
nhưng không thể mua được giấc ngủ.
* mua được nhà cao cửa rộng, nhưng
không thể mua lấy mái ấm gia đình.
* mua được trò chơi giải trí, nhưng
không mua được sự bình an tâm hồn.
* mua được sách vở tài liệu, nhưng không
mua được sự thông minh.
* mua được tôn giáo, nhưng không mua
được ơn cứu độ.
* mua được Passe-port và Visa để đi
khắp thế giới, nhưng không thể mua
được hộ chiếu để vào Nước
Trời.
2. Chúa Giêsu đối
với tiền của.
Chúa Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự
giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ
nhắc nhở thái độ phải có đối với
tiền của và cảnh cáo, phê phán những người giàu
trong việc sử dụng tiền của.
Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay
tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và
cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án
sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả
cuộc sống, đến nỗi dành hết sức
lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm
hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả
lương tri, phẩm giá con người. Tiền của
trở thành thần tượng và chiếm chỗ
độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những
người vì đồng tiền mà sống bất công,
lừa thầy phản bạn, coi thường mạng
sống và danh phẩm người khác. Ngài còn phê phán
chỉ trích những người giàu sang chỉ biết
cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ
hưởng thụ.
Tiền của là phương tiện tốt nếu
được dùng để làm điều thiện, giúp
đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa
học vì những mục đích tốt. Chỉ có cách
đó mới làm cho người ta không làm tôi của
cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là
mối nguy hiểm lớn cản trở con
đường tìm kiếm Nước Trời và
đưa ta xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có
được mời gọi bán tất cả của
cải tài sản để đi theo Chúa đã buồn
rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Chúa
Giêsu đã cảnh tỉnh: Người giàu có vào
Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ
kim. Vì thế không lạ gì thái độ cương
quyết của Chúa Giêsu là đòi hỏi một chọn
lựa dứt khoát: Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa
vừa làm tôi tiền của.
Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và
bênh vực kẻ cô thế. Ngài sinh ra và lớn lên trong
cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số
những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu
thương vỗ về những người nghèo và tuyên
bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những
người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3).
Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án
người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần
tiếp đón và đối thoại với người
giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi
được mời; Ngài để cho những phụ
nữ giàu đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ
vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những
người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của,
sống ich kỷ hưởng thụ bỏ mặc
người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31: dụ
ngôn người giàu và Lazarô), làm giàu cách bất lương,
ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác.
3. Ưu tiên tìm kiếm
Nước Trời
"Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và
đời sống công chính như Người đòi
hỏi".
Ưu tiên hàng đầu của người môn
đệ Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa. Mọi sự khác
cũng cần thiết nhưng không được
đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu
tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các
thứ khác. Đây là vấn đề giá trị khi
chọn lựa. Thế gian thường lấy của
cải vật chất làm ưu tiên số một và cho
rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết
được mọi vấn đề của xã hội
và của con người. Con cái Chúa thì sẵn sàng từ
bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng
sự một mình Chúa. Có Chúa là có tất cả; khi không còn
gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Ngài là lẽ
sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử
dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban
để phụng sự Ngài và Giáo hội qua việc
phục vụ anh em đồng loại. Sống theo ưu
tiên đó, người Kitô hữu sẽ không nô lệ
vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì
tiền của, sẽ coi trọng con người hơn
của cải và đặt các giá trị luân lý đạo
đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo
ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô
hữu sẽ giữ được sự tự do thanh
thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng
nề nhất, vì họ biết có Chúa yêu thương cùng
lo cho họ và với họ, và chỉ có Ngài mới đem
lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà
họ hằng mong ước.
4. Kết luận:
Tiền của cần thiết cho cuộc sống.
Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho bao băng hoại,
tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình,
hư đốn trong bản thân. Thánh Phaolô khuyến cáo
“Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều
ác” (1Tm 6,10). Khi con người đã quá đề cao và bám
víu vào tiền của, coi nó là vạn năng, là tất
cả cuộc sống thì sẽ trở thành nô lệ cho nó.
Thiên Chúa ban cho con người tiền của chóng qua
để sống, thăng tiến, phát triển, phục
vụ... Giá trị của tiền của hệ tại con
người biết sử dụng cách đúng đắn
như phương tiện phục vụ anh em, đặc
biệt người nghèo khổ, để đạt
tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.
Nếu tiền của có thể là phương
tiện mua tình bạn, để chia sẻ với tha nhân,
thì nó cũng là một sức mạnh xấu, là cạm
bẫy cần cảnh giác, như thư thánh Phaolô đã
viết: “Những người giàu, anh hãy truyền cho
họ đừng tự cao tự đại, đừng
đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào
Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho
chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện
và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải
ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm6,17-18). Tiền
của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn
là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi
trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo
hạnh phúc đích thực cho con người; ngược
lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm
hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con
người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu
ở đời này, con người biết sử dụng
tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ
sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu
trên trời.
Tiền của có thể trở thành phương
tiện giúp đạt tới đích là Nước
Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy
người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những
sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan
trọng là phải biết sử dụng tiền của
như phương thế đạt Nước Trời.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải chọn lựa
dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc
bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng
là kẻ thua thiệt nhất.
Lạy Chúa, xin cho con
biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất
của lòng trí con. Amen.
|