Đừng
lo lắng – Lm
Antôn Nguyễn
Cao Siêu
Suy Niệm
Dường như sự tiến bộ
về nhiều lãnh vực không làm con người trên
thế giới cảm thấy thanh thản hơn. Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu
mới, khiến con người sống trong trạng thái
bất an, căng thẳng. Bao nhiêu triệu
người phải đối mặt với nạn
thất nghiệp do khủng hoảng, với nạn
đói và thiếu nước, với những bệnh
mới chưa có thuốc chữa. Bao nhiêu triệu gia
đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ; giới
trẻ bơ vơ, rơi vào nghiện
ngập dưới đủ mọi hình thức. Con
người phải sống trong một thiên nhiên bị
khai thác đến cạn kiệt, nên thiên nhiên tốt lành
lại trở nên kẻ thù đe dọa con người. Các nước lớn phải chạy đua
vũ trang để giữ vị thế quân sự.
Nói chung người giàu, kẻ nghèo,
nước giàu, nước nghèo đều không sao thoát
được nỗi lo âu trước tương lai
với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp.
Cách nay hai ngàn năm, Đức
Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo. Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi.
Người xưa cũng phải lo những nhu cầu
căn bản: lo ăn, lo mặc (c. 25). Đức
Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim
trời (c. 26). Chúng có vẻ thảnh
thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích
trữ. Nhưng chúng vẫn sống no
đủ, vì được Cha trên trời dưỡng
nuôi. Ngài còn mời môn đệ nhìn ngắm những
bông huệ ngoài đồng (c. 28), ngắm vẻ
đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng,
đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua
Salomon. Khi ngắm chim trời và hoa huệ, ta sẽ
thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái, vì Cha
quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé
bỏng và tầm thường. Khi biết
mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý
hơn nhiều, chúng ta được giải phóng khỏi
nỗi lo canh cánh về đời sống vật chất.
Thật ra kitô hữu không
phải là người ngây thơ, không biết lo.
Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời
sống vô tư, thụ động. Kitô hữu cũng
phải lo: lo liệu, lo toan, thậm chí lo xa nữa.
Nhưng họ lo mà như không lo, lo trong bình an
thanh thản, vì đó là cái lo của một người con
biết Cha trên trời đã lo cho mình, biết Cha thấu
rõ nhu cầu thầm kín của mình và sẽ cung cấp
đủ (cc. 32-33). Đó không phải là cái lo âu, lo lắng
xao xuyến, hay lo sợ bồn chồn của
người dân ngoại không có đức tin (cc. 30. 32).
Nhưng đó là cái lo của một người con có tinh
thần trách nhiệm. Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ
biết hôm nay. Nhưng họ lại không để mình
bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng, đơn
giản vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa.
Sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa
không phải là khoanh tay nhưng là nỗ
lực làm mọi sự hết mình trong bình an. Hãy
để mọi nỗi lo toan của ta ở dưới
và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa. Hãy để cho đời mình chỉ phụng
sự một chủ là Thiên Chúa (c. 24). Khi
dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng
thiếu gì.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả
lưới, nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc
đời. Chúng con phải đối diệnvới bao
thách đố của cuộc sống, của công ăn
việc làm, của gánh nặng gia đình, của nghề
nghiệp chuyên môn.
Xin đừng
để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực, nhưng cho chúng
con giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu, lý
tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế, nhưng không
thực dụng; biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân, nhưng không quênbao người
bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn
lốc của trách nhiệm và công việc, giữa
những xâu xé trước bao lựa chọn, xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng, để múc lấy
ánh sáng và sức mạnh, để mình được
thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời
Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con
thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả
để Thiên Chúa được tôn vinh, và phẩm giá con
người được tôn trọng. Amen.
|