Tiền Không Thể Cứu Độ Được Con Người, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VIII - A
(Mt 6, 24-34)
“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6,25) là lời khẳng định của Chúa Giêsu sau khi Người tuyên bố : “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia” (Mt 6,25) khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.
Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng ta quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”. Tiền
Là tiên là phật Là sức bật của tuổi trẻ Là sức khỏe của tuổi già Là cái đà của danh vọng Là cái lọng che thân Là cái cân công lý
Hoặc: Đồng bạc xé toạc công lý ! Tiền là anh bạn xấu
Ở đời, người ta vẫn nói với nhau rằng, mỗi người thương có ba bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai thì rất thân, còn người bạn thứ ba thì không thân lắm.
Người bạn thân thứ nhất trong đời ta là tiền bạc. Đồng tiền gắn liền khúc ruột, thân hơn cả vợ con, đi đâu vợ con thì không, nhưng tiền là mang theo. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta đến người khác ngay lập tức không có au revoir, good-bye gì hết.
Người bạn thân thứ hai trong đời ta là cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Khi ta chết, họ khóc lóc, nhưng cũng chỉ đưa ta đến cửa huyệt rồi về. Có ông chồng trước khi chết hỏi vợ:
•Tôi chết, bà làm gì cho tôi? •Tôi sẽ chôn ông trong chiếc hòm thật đắt tiền. •Tôi biết gì đâu ? •Tôi sẽ khóc thương ông thảm thiết, nước mắt thấm vào xác ông. •Tôi biết gì đâu? •Cái chết đáng sợ thế à ? •Nó chỉ đáng sợ với người không biết nó, không nghĩ tới nó và không chuẩn bị cho nó!
Người bạn thứ ba, mà trong đời sống ta thường ít ưa thích, là việc lành, đạo đức. Các việc đạo đức này sẽ theo ta đến tòa Chúa phán xét, biện hộ cho ta và làm cho ta được Chúa thưởng vào Thiên đàng.
Đành rằng, tiền bạc luôn là nhu cầu tối cần thiết của con người, là công cụ đắc lực, phục vụ con người cả vật chất lẫn tinh thần. Người có đạo cũng thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhân cách, phẩm giá và đạo đức con người bị đặt xuống dưới đồng tiền là điều không thể chấp nhận được.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ. Câu chuyện minh họa ba người bạn trên chứng tỏ tiền là anh bạn phản bội xấu xa.
Chọn Chúa và tin vào Chúa
Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phục thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn làm tôi Chúa và phục vụ Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được chúng ta.
Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, cảm thấy mình quan trọng ; và kiêu ngạo. Và cuối cùng, tiền tạo ra sự tôn thờ ngẫu tượng.
Chúa Giêsu dạy: “Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng : Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì lấy gì mà mạc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều ấy” (Mt 6, 31-32). Và Người mời gọi chúng ta hãy đặt lên hàng đầu việc “tìm kiếm nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban them cho” (Mt 6, 33). Tin vào Chúa quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm về của cải và những nỗi sợ hãi trong tương lai. Sau cùng phải khẳng định :
Tiền có thể cứu độ được con người không ?
Giảng trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” bởi vì “một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận : “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vậy, phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới mà đồng tiền thống trị và điều khiển mọi sự. Con người bị chi phối và nghiêng chiều về nó, sẵn lòng phàm hóa mọi sự, bỏ Chúa ra khỏi đời sống, chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Lời Chúa mời gọi chúng ta chọn Chúa, thờ phượng Chúa, và vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu. Vì Thiên Chúa phán : “Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên người đâu” (Is 49, 14- 15). Ðó là lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu không bao giờ phôi phai của Thiên Chúa. Tiền chẳng bỏ rơi chúng ta và chẳng bao giờ cứu độ được chúng ta, nhưng Thiên Chúa thì luôn trung thành và Ngài sẽ cứu độ chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy của thần tượng bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
|