Hãy nên hoàn thiện
(Suy
niệm của Giuse Hồng Ân)
Đối với nhiều người
trong chúng ta, hai tiếng “yêu thương” chỉ dành cho các
thành viên trong gia đình, họ hàng và một vài người
bạn thân cận. Có chăng chỉ là lòng “thương hại”
những người nghèo khó, cô đơn và bất
hạnh, vì họ là những người không làm gì hại
đến mình và gia đình mình. Chúng ta
chẳng bao giờ đề cập đến việc yêu
thương những đối thủ của mình. Chúng ta còn gán cho họ những cái tên đáng
sợ và dạy cho con cháu sống xa tránh họ.
Chúng ta đang sống trong một
thế giới bị chi phối bởi những thứ
luật có thể nói là “luật rừng”, thứ luật mà
chỉ bảo vệ cho một số kẻ có quyền, có
tiền, thứ luật không có chút nào là công bằng,
cướp nhà, cướp đất của người
nghèo, để chia chác, để làm giàu cho những kẻ
có quyền có chức, bắt người vô tội,
đánh đập đàn áp những người bênh
vực cho chân lý. Một thế giới đầy dẫy
những toan tính ích kỷ, vì lợi ích của mình, sẵn
sàng chà đạp lên công lý, diệt trừ lẫn nhau, có
người phải mất mạng, nhiều người
thì “thân bại danh liệt”. Anh em lỡ làm
thiệt hại một thì bắt đền gấp
mười. Có những người chỉ vì cái
lợi trước mắt đã cố tình gây ra tai nạn, rồi nằm ăn vạ
để bắt người khác phải đền oan
uổng.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta
không sống theo “luật rừng”, không
chỉ dừng lại ở mức độ công bằng.
Mà hãy sống theo giới luật Chúa truyền, đó là
luật “yêu thương”, một tình yêu bao là rộng
lớn, một tình yêu vượt trên sự công bằng,
vượt ra ngoài sự giới hạn tình gia đình, tình
bằng hữu, tình đồng hương, vượt ra
ngoài chủng tộc hay tôn giáo, “Anh em đã nghe Luật
dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ
thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu
kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ
ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Yêu kẻ thù, là
yêu thương cả những người làm hại, khinh
bỉ, nói xấu, vu khống mình, không tìm cách báo thù, không
lấy ác báo ác, mà ân báo oán, luôn cầu nguyện và mong
muốn cho họ gặp những điều may lành.
Đavid bị vua Saul thù ghét, săn đuổi để
giết, nhưng Đavid vẫn không làm
hại người Thiên Chúa xức dầu phong vương
khi có thể làm điều đó. Dưới cái nhìn
của con người thì Đavid đã
hành xử dại dột, bỏ mất một cơ
hội “hiếm có” để khử trừ kẻ thù mình,
nhưng Đavid đã chọn Thiên Chúa, không chọn lợi
ích cho riêng mình mà làm hại đến tha nhân.
Chúa Giêsu dạy yêu thương, chính Ngài
đã sống yêu thương, Ngài luôn tỏ tình yêu
thương những kẻ thù nghịch với Ngài,
mặc dù họ ghen ghét Ngài vô cớ, họ luôn tìm dịp để
tố cáo Ngài, xuyên tạc lời Ngài giảng dạy.
Đối với Giuđa là kẻ phản bội, Chúa
không tố cáo đích danh trước mặt các môn
đệ, Chúa còn ngồi ăn cùng bàn và
rửa chân cho y nữa. Khi Giuđa dẫn quân lính
đến bắt Chúa trong vườn cây dầu, Chúa
vẫn ôn tồn nói với Giuđa: “Giuđa ơi, anh dùng
cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22, 48).
Vì yêu thương Giuđa nên nhiều lần
Chúa Giêsu nhắc nhở, cảnh tỉnh để ông ta
thay đổi việc làm xấu mà được
hưởng ơn cứu độ. Trên
thập giá, trước khi tắt thở, Chúa vẫn dùng
chút hơi tàn lực kiệt để cầu nguyện cho
kẻ đóng đinh Người “Lạy Cha, xin tha cho
họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Vì vậy, thánh Phaolô cũng nói: “Đức Kitô đã
chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người
tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu
thương chúng ta” (Rm 5, 8).
Thánh Tê-pha-nô đã thực hành lời
Chúa dạy, noi gương Thầy Chí Thánh yêu thương
và cầu nguyện cho những kẻ giết mình: “Họ
ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng:
Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông
quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin
đừng chấp họ tội này. Nói
thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7, 59-60).
Chúa Giêsu căn dặn chúng ta, để
trở nên con Thiên Chúa phải “yêu kẻ thù và cầu
nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,
44). Để được làm con Chúa, chúng ta cũng
phải đối xử giống như Thiên Chúa đã
đối xử tốt với tất cả mọi
người không phân biệt người tốt, kẻ
xấu. “Vì Người cho mặt trời của
Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như
người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 46). Chúng ta
hãy sống lời Chúa dạy, yêu thương hết
mọi người, một tình yêu không có giới hạn,
không chỉ yêu thương những người thân
cận, những người đồng hương,
những người cùng tôn giáo, những người cùng
quan điểm, những người đem lại lợi
ích cho mình… Mà yêu thương cả thù
địch, cả những người ghen ghét, hãm
hại, nói xấu, phỉ báng mình nữa, yêu thương
cả những người tội lỗi. Yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho
kẻ thù. Nếu chỉ là một tình yêu co cụm,
ích kỷ hẹp hòi, thì không phải là con Thiên Chúa. Như
lời Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu anh em yêu thương
kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi. Ngay cả
những người thu thuế cũng chẳng làm như
thế sao?” (Mt 5, 46).
Chúa còn mời gọi mỗi
người chúng ta hãy nên hoàn thiện “Anh em hãy nên hoàn
thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn
thiện” (Mt 5, 48).
Để nên hoàn thiện, chúng ta hãy loại bỏ thứ
“luật rừng”, thứ luật luôn diệt trừ
lẫn nhau, loại bỏ những toan tính, ích kỷ,
hẹp hòi, tham lam, gian dối, lừa lọc. Chúng ta hãy
thực thi giới luật Chúa Giêsu đã truyền dạy
là “mến Chúa và yêu người” yêu thương tất
cả mọi người không phân biệt bạn hay thù,
yêu thương và tha thứ cho những người làm
thiệt hại đến mình, dù là vô tình hay hữu ý.
Thật khó để yêu thương
kẻ thù, một khi đã ghét nhau, chỉ nhìn thấy
mặt, nghe giọng nói đã thấy khó chịu rồi,
chưa nói đến yêu thương, cầu nguyện và
làm ơn cho kẻ thù, như trong bài thơ “yêu
thương” của Lm Giuse Nguyễn Nhân Tài có viết:
“Anh em con đó con chưa
thương
Nói chi đến kẻ con
chán chường
Ghét cay, ghét đắng, ghét
thậm tệ
Làm sao ôm
lấy để yêu thương”.
Quả thật, đây là một
việc vô cùng khó khăn, nhưng càng khó chúng ta càng phải
cố gắng thực thi, vì đây là giới luật Chúa
Giêsu đã truyền dạy, muốn trở nên con Chúa,
muốn nên hoàn thiện, không còn cách nào khác ngoài cách sống
“yêu thương và tha thứ”. Thánh Phaolô dạy cho ta
biết: “Đã yêu thương thì không làm hại
người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10).
|