Tự do
tuân giữ lề luật - Lm. GB. Trần Văn Hào
Tinh thần tự do và
việc tuân giữ lề luật.
Xã hội hôm nay
luôn đề cao chủ trương ‘Sống và làm việc
theo pháp luật’. Đã có một thời người ta
vẫn nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu ‘Không
có gì quý hơn độc lập và tự do’. Tự do và
tuân thủ pháp luật là cặp phạm trù luôn đi song
đôi mà trong bất cứ tổ chức nào, người
ta vẫn thường hay nhắc tới. Trong trình thuật
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh về 2
điều này. Ngài khẳng quyết: “Ta đến không
phải để hủy bỏ lề luật, nhưng
để kiện toàn. Cho đến khi trời đất
qua đi thì một chấm một phết trong lề
luật sẽ không qua đi”(Mt 5, 18). Nhưng Đức
Giêsu đã mặc cho lề luật cũ một tinh
thần mới, đó là chiều kích nội tâm với
sự tự do đích thực. Tuân thủ lề luật
một cách cứng ngắc và vụ hình thức sẽ
giết chết chúng ta, nhưng trong tự do của
Thần Khí, chúng ta sẽ đi vào cốt lõi của lề
luật như lời giải thích của Chúa Giêsu hôm nay.
Luật trong Cựu
ước.
Trong trình
thuật Tin Mừng, Chúa Giêsu đã 4 lần nhắc đi
nhắc lại: “Anh em đã nghe luật dạy
người xưa rằng...” Ngài nêu ra 4 ví dụ tiêu
biểu về luật cũ, và giải thích theo tinh
thần mới.Luật cũ mà người Do Thái vẫn
tuân giữ rất cặn kẽ được viết
lại trong sách Torah. Bộ sách gồm 5 quyển, chứa
613 điều khoản, gồm 365 khoản cấm và 248
khoản buộc. Ngoài 613 điều khoản này, Do Thái giáo
theo dòng thời gian còn qui định thêm những tập
tục khác và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Các tập tục đó được tóm lược trong
bộ sách Talmud. Có nhiều tập tục đã quá lỗi
thời và lạc điệu ngay cả vào thời của
Chúa Giêsu, ví dụ việc giữ ngày Sa- bát 1 cách rất chi
tiết và nặng hình thức. Cụ thể như trong
ngày Sa-bát, người Do thái không được đi xa hơn
1000 bước chân, không được tắm rửa,
không được soi gương, không được mang
răng giả v.v..Có lần các môn đệ Chúa Giêsu đã
bứt lúa để ăn trong ngày Sa-bát vì đói và đã
bị những người Pharisiêu khiển trách (Mc 2, 24).
Những lề luật và những tập tục cũ
đã trở nên như một gánh nặng cho dân chúng (Mt
11,28), và Đức Giêsu đã đến để
‘giải phóng’, giúp trút bỏ những gánh nặng cồng
kềnh ấy để con người chúng ta
được tự do hoàn toàn.
Luật trong Tân
ước.
Chúa Giêsu
đến trần gian để thiết lập một
giao ước mới. Trong giao ước đó, Ngài
chỉ nêu ra 1 khoản luật duy nhất, đó là luật
của tình yêu. “Thầy để lại cho anh em 1
điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau”(Ga
13,34a). Mô thức của lề luật mới mà Chúa đã
thiết định chính là cái chết của Ngài trên
Thập giá. Vì thế, chỉ duy nhất một mình
Đức Giêsu mới có thể nói cho các học trò của
mình: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu
thương anh em (Ga 13,34b). Chúa Giêsu không phải là một
nhà mô phạm lý thuyết. Ngài quảng diễn bài học
yêu thương qua chính hình ảnh cụ thể nơi Ngài.
Chúng ta hãy đọc lại thư Rôma, trong đó Thánh Phaolô
đã cắt nghĩa rất sâu sắc về khoản
luật mới này. Ngài viết: “Anh em cần phải
cắt bì trong tâm hồn theo tinh thần lề luật,
chứ không phải theo chữ viết của lề
luật” (Rm2,29b). “Chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần
mới chứ không phải theo văn bản cũ của
lề luật (Rm 7,6). Cuối cùng, thánh Tông đồ đã
tóm kết toàn bộ lề luật vào một định
thức đơn giản và viết cách vắn gọn:
“Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,16). Từ
chương 5 đến chương 8, thánh Phaolô cắt
nghĩa thế nào là việc thực hành lề luật
mới, bằng cách sống theo Thần khí. ‘Spiritus’ có
nghĩa là ‘Thần Khí’ và spiritus cũng có nghĩa là tinh
thần (của lề luật). Thánh nhân đã tóm kết:
“Lề luật (cứng ngắc) thì giết chết,
nhưng tinh thần của lề luật, tức sống
theo Thần Khí mới làm cho chúng ta sống (Lex occidit,
Spiritus vivificat).
Người
biệt phái ngày xưa giữ luật rất nghiêm túc và
tỉ mỉ. Xét bề ngoài, họ là những con
người rất đạo đức. Nhưng Chúa Giêsu
đã mạnh mẽ vạch trần thái độ cao
ngạo trịnh thượng và sự rỗng tếch
nơi họ. Họ đến trình diện trước
Chúa chỉ để khoe khoang những thành tích đạo
đức giả tạo nơi mình. “Lạy Chúa, con ăn
chay mỗi tuần 2 lần, con dâng 1 phần 10 huê lợi
của con cho Chúa” (Lc 18, 12). Chúa Giêsu đã nói thẳng vào
mặt họ: “Đồ giả hình và gian ác” (Mt 23,30).
Nhiều khi, chúng ta cũng giữ đạo một cách máy
móc và giả hình giống như thế.
Thánh Augustinô
đã cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, Ngài biết
rõ con hơn cả chính con biết con”(trích trong sách Tự
thuật). Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn mỗi
người chúng ta. Một nhà tu đức đã nói: “Khi
chúng ta đến trước mặt Chúa, Chúa không thích chúng
ta trưng ra những bằng khen hay những giấy khen.
Chúa cũng chẳng ưa ngắm những bộ huy
chương chúng ta đeo trên ngực để phô diễn
những kỳ tích đạo đức của mình.
Điều Chúa thích nhất, là Ngài cứ mân mê sờ
nắn những vết sẹo hằn sâu nơi tâm hồn
con người. Những vết sẹo đó là dấu tích
tội lỗi chúng ta đã phạm nhưng đã
được Thiên Chúa yêu thương và chữa lành”.
Kết luận
Cha Anthony de Mello đã viết
một câu chuyện ngắn như sau. Một ông vua nọ
rất trác táng, suốt ngày chỉ lo nhậu nhẹt và lao
vào những cuộc ăn chơi trụy lạc, chẳng
lo gì cho dân. Khuôn mặt của ông lúc nào cũng đỏ
gay và sặc sụa mùi rượu. Một bữa nọ,
nhà vua cưỡi ngựa đi ra ngoài thành. Ông gặp
một tu sĩ già với áo quần cũ kỹ, nhầu
nát, còn khuôn mặt thì nhợt nhạt và xanh xao. Nhà vua
dừng lại và trịch thượng chào vị tu sĩ
với giọng điệu mỉa mai: “Xin chào ông tu sĩ
già. Nhìn áo quần lếch thếch và gương mặt cáu
bẩn của ông, tôi thấy ông chẳng khác gì một con
heo”. Vị tu sĩ cúi đầu lắng nghe, gương
mặt bình thản và cũng chẳng tỏ vẻ khó
chịu chút nào. Một lát sau, Ngài ngẩng đầu lên,
nhìn chăm chú vào đức vua và đáp lễ: “Thần xin
cám ơn bệ hạ, còn tôi nhìn khuôn mặt đức vua
trông giống như một vị thánh.” Nhà vua kinh ngạc
hỏi lại: “Ta miệt thị ngươi, ngươi
không buồn cũng chẳng giận, còn khen ta có khuôn
mặt giống một vị thánh, tại sao thế?”
Vị tu sĩ điềm nhiên và thong thả trả
lời: “Tâu đức vua, một con người sống
với trái tim và tâm hồn của loài heo, thì nhìn ai cũng
giống heo. Ngược lại, một con người có
tâm hồn và trái tim của một ông thánh, sẽ thấy
mọi người giống các vị thánh”. Nói xong, vị tu
sĩ lặng lẽ bỏ đi còn nhà vua đứng
chết lặng.
Chúng ta giữ
đạo và giữ luật với trái tim của loài heo
hay của một vị thánh? Chúng ta tuân thủ các
điều luật trong Giáo hội với tâm hồn
của những người Pharisiêu năm xưa hay
với trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu? Chúng ta hãy tự
lục soát lương tâm và nhìn thẳng vào nội tâm
nơi chính mình để tìm ra câu trả lời.
|