Luật lệ:
giữ trọn hay làm nên trọn?
(Suy
niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty)
Đối với người Do Thái,
Lề luật có tầm quan trọng số một. Thái độ trước lề
luật chính là khuôn vàng thước ngọc để
đánh giá một con người. Đức Giêsu cũng
được các đồng bào Người đánh giá và
chấp nhận dựa trên tiên chuẩn này; vì thế mà
Người lên tiếng tuyên bố: “Thầy đến
không phải để bãi bỏ, nhưng là để
kiện toàn” lề luật. Không ai có quyền
bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay
nhà lập luật. Trong Ít-ra-en, chỉ
mình Đức Chúa Gia-vê có quyền này; ngay cả Môsê
cũng không, vì ông chỉ là người truyền
đạt cho dầu luật có mang tên ông. Luật này cũng không cần được ai
kiện toàn vì nó đã hoàn hảo; có chăng chỉ là
giải thích và đó là bổn phận dành riêng cho các
luật sĩ. Hiểu như thế thì lời công
bố của Đức Giêsu có thể bị coi là lộng
ngôn, vì không ai có quyền bãi bỏ cũng như không ai
được phép ‘kiện toàn’ - sửa chữa bộ
luật Môsê đã truyền lại.
Thông thường thì người ta
sẽ coi như phá luật những kẻ không cặn
kẽ tuân giữ lề luật. Rõ ràng nhóm Biệt Phái và luật sĩ
đã nhận xét Đức Giêsu là như thế, do đó
đã liệt Người vào hạng tội lỗi, vì cho
rằng Người có thái độ coi thường,
bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ
ngày Sa-bát và các nghi thức tẩy rửa.
Về phần Đức Giêsu,
Người luôn khảng định việc căn kẽ
giữ luật là cần thiết “một chấm một
phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho
đến khi mọi sự được hoàn thành”. Các môn đệ hiểu rõ điều đó cho nên
sau này, kể cả khi Đức Giêsu đã về
trời, họ vẫn tuân giữ căn kẽ mọi
lề luật Môsê. Các tông đồ còn muốn
mọi tín hữu (nhất là các người gốc Do Thái
giáo) phải tiếp tục giữ trọn luật pháp theo lời Chúa dạy: “Ai bãi bỏ dù chỉ
là một trong những điều răn nhỏ nhất
ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ
bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước
Trời”. Tuy nhiên, sứ mạng đích
thực của Đức Giêsu không nhằm kêu gọi dân
chúng giữ luật. Điều này
đã được các Pharisêu, các luật sĩ… và Gioan
Tiền hô làm bằng nhiều cách. Người
khảng định: “Thầy đến… để
kiện toàn luật Môsê!” Và không chỉ Người, mà
bất cứ kẻ nào tin vào Người cũng phải
kiện toàn lề luật như thế: “Nếu anh em không
ăn ở công chính hơn các kinh sư
và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vài
Nước Trời”. Tác giả Matthêu thẳng thắn
muốn các tín hữu gốc Do Thái (đối tượng
chính của sách Tin Mừng ông viết) phải hiểu
rằng: Đức Giêsu và các lời Người dạy
tuy không chống lại nhưng cao trọng hơn luật
Môsê rất nhiều, “Luật xưa dạy rằng…. Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Thế thì ta
phải hiểu điều các khảng định này theo ý nghĩa nào?
Trước hết ở đây ta không
được hiểu Đức Giêsu tự giới
thiệu mình là một nhà lập pháp mới (legislator novus), theo nghĩa giao ước mới thì đòi
phải tuân giữ luật mới, cũng như giao
ước cũ phải tuân giữ luật cũ của
Môsê. Không! Giêsu không phải là người làm
luật, nhưng là người làm cho mọi luật
được nên trọn. Không có
Người, luật lệ cho dầu có thể là rất
tốt, rất hoàn chỉnh, vẫn chưa có thể
được coi là trọn; và duy nhất chỉ một
mình Người mới làm được điều
đó. Ai tin vào Đức Giêsu, đặc biệt qua
biến cố tử nạn và phục sinh của
Người, đều có khả năng kiện toàn, hay
làm cho nên trọn bất kỳ luật lệ nào họ
nắm giữ (dầu là luật dân sự bất toàn hay
luật tôn giáo thánh thiện). Lòng thương xót, từ ái
cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu mạc
khải, mới là nền tảng duy nhất để canh
tân và kiện toàn mọi thứ luật lệ. Chỉ
cần nhìn vào các trường hợp được nêu
trong bài Tin Mừng: không giết người, không ngoại
tình, ly dị, thề gian dối… ta mới thấy chỉ
Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa mới có thể kiện toàn và
làm cho chúng được nên trọn tới thế. Sự
nên trọn này chắc chắn không hệ tại ở
luật pháp hoàn hảo hơn hay kém, nhưng hệ tại
ở thái độ bình an và tự do ta
có khi nắm giữ các lề luật đó, trong tư
thế của một người con được Chúa
Cha yêu thương. Không tin tuyệt đối vào tình yêu
cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô
Giêsu, ta sẽ không bao giờ có được thái
độ này, và đương nhiên sẽ thấy khó có
thể chấp nhận các đòi hỏi của luật
pháp, kể cả những lề luật hoàn thiện và cao
đẹp nhất.
Phaolô biết rõ hơn ai hết sự
cao đẹp của luật Môsê, nhưng cũng chính vì
thế mà ông càng xác tín hơn ai hết về giới
hạn của nó so với Tin Mừng. Trong chương 3
thư gởi giáo đoàn Ga-lát ông lấy hình ảnh
người giám hộ để chỉ luật Môsê
rất thánh thiện (và bất cứ luật lệ nào
khác, kể cả luật Hội Thánh), và hình ảnh con cái
tự do để chỉ sự ‘kiện toàn - nên trọn’
của niềm tin vào Đức Kitô Giêsu. Tôi thiết
nghĩ ông quả đã nắm bắt rõ vấn đề:
“Khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở
dưới quyền giám hộ nữa… vì tất cả anh
em đều là con cái Thiên Chúa…” (Gl 3,25-26)
Ôi, niềm tin Kitô hữu vào tình yêu Thiên
Chúa nhân ái thứ tha có khả năng nâng chúng ta lên cao
biết mấy, vượt xa sự kiểm tỏa
của luật pháp, cũng như mọi lo lắng sợ
hãi của thưởng phạt nghiêm minh!
Trong
tư cách là công dân Việt Nam, là Kitô hữu, là tu sĩ -
linh mục... con phải khoác lên mình biết bao nhiêu thứ
luật lệ. Con thâm tín một điều rằng không
một luật lệ nào trong số đó tự nó có
thể cứu thoát được con. Lạy Chúa từ
nhân! Xin cho con được như Phaolô xác tín rằng:
chỉ có niềm tin vào Chúa cứu độ và từ nhân
mới giúp con làm cho các luật trên được nên
trọn, đồng thời biến con thành con cái tự do
đích thực của Cha trên trời. A-men
|