Công chính hơn – Lm. Phêrô Trần Đức Cường
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và
người Pharisêu thì không được vào Nước
Trời”
Phụng
Vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ VI thường
niên mời gọi chúng ta sống công chính để
được vào Nước Trời. Tuy nhiên không phải
bất cứ thứ công chính nào mà phải là “công chính
hơn các kinh sư và người Pharisêu” mới
được hưởng hạnh phúc đó. Thế nào mới là “công chính hơn các kinh sư và
người Pharisêu”?
Trong thời
Chúa Giêsu, các kinh sư và người Pharisêu tuy thuộc hai
nhóm khác nhau nhưng rất nhiều kinh sư cũng
đồng thời thuộc nhóm Pharisêu (Cv 23,9)
như ông Ga-ma-li-ên (Cv 5,34), hoặc phần lớn ủng
hộ lập trường của nhóm Pharisêu. Theo Phúc Âm
kể lại, những kinh sư và người Pharisêu
thường đứng chung một phe
để chống lại Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu khi lên án
người Pharisêu cũng gộp chung cả giới kinh
sư vào một nhóm (Mt 23; Lc 11,37-53).
Các kinh sư và
người Pharisêu là những người chuyên môn am
hiểu Kinh Thánh; họ chuyên giải thích và áp dụng
luật Môsê, một hệ thống luật chi li phức
tạp mà ngoài họ ra, không mấy ai dám nói mình thông
thạo. Càng ít người hơn dám nói mình chu
toàn đầy đủ những khoản luật đó. Thế mà họ thì dám. Họ dám tự hào
mình là những người tự hào mình là người công
chính (Lc 18,9-14). Phúc Âm thánh Luca, khi nói
về ông bà Dacaria và Êlisabét là “người công chính
trước mặt Thiên Chúa” đã mô tả đó là
những người “sống đúng theo mọi
điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê
trách được điều gì” (Lc 1,6). Nói
về công chính, các kinh sư và người Pharisêu phải
được kể là những nhà quán quân. Không
những họ giữ mọi điều răn giới
luật “không ai chê trách được điều gì” mà còn
làm hơn những gì luật đòi hỏi nữa.
Giữ luật
được bằng họ đã khó, thế mà Chúa Giêsu
gọi họ là “những kẻ làm ra bộ công chính
trước mặt người đời” (Lc 16,14) và còn yêu cầu phải công chính hơn
họ mới được vào Nước Trời. Sự “công chính hơn” mà Ngài yêu cầu đó
hệ tại điều gì? Cách giữ luật
của các kinh sư và người Pharisêu không
được Chúa Giêsu coi là công chính mà trái lại còn
bị Ngài lên án là giữ luật theo hình thức bên ngoài,
để tìm kiếm hư danh, chú trọng những
tiểu tiết mà bỏ qua điều cốt yếu,
hoặc thậm chí chỉ nói mà không thực hành (x. Mt 23,1-32; Lc 11,37-48). Vậy muốn
công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì các môn
đệ Chúa Giêsu phải tránh được những sai
lầm mà họ đã vấp phải. Chúa
Giêsu đối chiếu cho chúng ta những phương
diện khác nhau giữa cách giữ luật của
người Pharisêu và cách giữ luật như Chúa dạy
để chúng ta biết thế nào là “công chính hơn”.
Trước
tiên để trở nên “công chính hơn”, Chúa dạy
phải giữ luật với cả tấm lòng, từ
tận đáy lòng và là tấm lòng yêu mến. Quả thật khi giận ghét,
người ta muốn loại trừ kẻ khác ra khỏi
ý thức của mình, và hành vi giết
người chính là đẩy tư tưởng đó
trở thành hành động loại trừ sự hiện
diện của người khác khỏi cuộc sống
dương gian này. Vì thế, nếu chúng ta
khử trừ khỏi tâm hồn chúng ta lòng giận ghét thì
có thể nói chúng ta đã khử trừ tận gốc
rễ hành vi giết người. Để trở
nên “công chính hơn” Chúa Giêsu dạy: “Anh em đã nghe Luật
dạy người xưa rằng: Chớ giết
người; ai giết người, thì đáng bị đưa
ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai
giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” Cũng thế, để khỏi ngoại tình
bằng hành động, trước tiên phải loại
bỏ những ước muốn ngoại tình trong tư
tưởng đã.
Mặt khác
điều làm cho chúng ta nên công chính không phải là công
việc chúng ta làm mà là do tác động của ân sủng Chúa thánh hoá chúng ta. Chính
Thiên Chúa là nguyên lý và xác định chuẩn mực cho
cuộc sống của chúng ta từ tư tưởng, cho
đến lời nói và việc làm. Chính vì thế, Chúa
dạy ‘trọn lời thề với Thiên Chúa” và “Hễ
‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt
điều gì là do ác quỷ”.
Và
trên hết, “công chính hơn các kinh sư và người
Pharisêu” có nghĩa là công chính như Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa
Giêsu Kitô. Khi
chứng kiến Chúa Giêsu chịu đóng đinh chịu
chết trên thập giá viên đội trưởng Rôma
đã tuyên xưng: “Người này đích thực là
người công chính” (Lc 23,47). Sự công chính được trọn vẹn
nơi Chúa Kitô hiến thân mình chịu chết để
đền bù tội lỗi cho nhân loại.
Nói tóm lại
sự công chính mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ
của Ngài là sự công chính có nền tảng và động
lực nơi chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi
sự thánh thiện, sự công chính ấy phải phát
xuất từ tâm hồn con người, được
thực hiện với tình yêu mến trong sự kết
hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Một cách
cụ thể, để “công chính hơn các kinh sư và
người Pharisêu” chúng ta không chỉ giữ luật Chúa
bằng công việc hình thức bên ngoài mà giữ với
lòng yêu mến Chúa, giữ luật không vì lý do nào khác
ngoại trừ vì Chúa muốn như thế, và để
làm đẹp lòng Chúa. Và nhất là sự công chính cao cả
nhất chính là noi theo và kết hợp
với mẫu gương của chúng ta là Chúa Giêsu tự
hiến thân mình để đền bù tội lỗi qua
việc chính chúng ta cũng biết hy sinh quên mình và phục
vụ anh chị em trong tinh thần khiêm tốn.
|