Anh em phải công chính
hơn các kinh sư
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Trích từ bài giảng trên núi trong Mt, bài
Tin Mừng hôm nay (5,17-37) nói về những cách hành xử
cần phải có của người đồ đệ
Đức Giêsu đối với người thân cận.
Nhưng trước hết là lời khẳng định
rằng chính Đức Giêsu là Đấng đến nói cho
chúng ta biết ý muốn đích thực của Thiên Chúa:
Người đến để kiện toàn Sách Thánh.
1.
“Thầy đến để kiện toàn Luật Môsê và
lời các ngôn sứ” (cc.17-20)
Những người hiểu biết
sự lớn lao của các lời hứa và niềm mong
chờ Đấng Mêsia sẽ có thể phải cảm
thấy rất hụt hẫng trước chân trời mà
Đức Giêsu mang đến. Người ta trông chờ
phúc lạc và cơ nghiệp đã được hứa
ban, nhưng Người lại tuyên phúc cho những
người nghèo khó, sầu buồn, khóc lóc, đói khát và
bị bách hại. Vì thế, Đức Giêsu muốn tránh
sự hiểu lầm và sự thất vọng cho các
đồ đệ của Người khi họ đi
theo Người. Chính trong bầu khí và ý hướng như
thế mà Người tuyên bố một cách rõ ràng: "Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi
bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy
đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là
để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em,
trước khi trời đất qua đi, thì một
chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ
không qua đi, cho đến khi mọi sự
được hoàn thành” (cc.17-18).
Động từ “kataluô” có nghĩa là
“phá đổ” (một công trình xây dựng chẳng
hạn), chứ không có nghĩa là bãi bỏ một luật.
Trong Mt, động từ này luôn được dùng cho
đền thờ (x. 24,2; 26,61; 27,40). “Luật Môsê hoặc lời các
ngôn sứ” là cách thức người Do Thái gọi bộ
Kinh Thánh của họ, tức là bộ Cựu Ước
theo quan điểm Kitô giáo. Động từ “kiện toàn”
(pleroô) liên tục được Mt sử dụng
để chỉ sự thực hiện các sấm ngôn (x.
1,22; 2,15.17.23; 4,14; 8,17…). Vì thế, cách nói “kiện toàn
lời các ngôn sứ” ở đây là dễ hiểu.
Nhưng không chỉ lời các ngôn sứ được
kiện toàn, mà cả “Luật Môsê” nữa, tức là
những gì do Môsê viết. Thật ra, vẫn tồn tại
một cách hiểu, theo đó, Đấng Mêsia sẽ
thực hiện cuộc xuất hành chung cục mà cuộc
xuất hành do Môsê lãnh đạo khi xưa chỉ là hình
ảnh báo trước. Trong thực tế, Mt vẫn
hiểu Lề Luật và các ngôn sứ là sấm ngôn về Đấng
Mêsia. Sứ mạng của Chúa Giêsu là một sứ
mạng tích cực, chứ không phải một sứ
mạng tiêu cực. Người là điểm đến của
tất cả Cựu Ước, và toàn thể Cựu
Ước tìm được sự kiện toàn nơi
Người và nhờ Người.
Vậy Đức Giêsu khẳng
định rằng Người không đến để
bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn
của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách
Thánh. Người thực hiện và đưa đến
mức độ viên mãn trọn vẹn những gì Thiên Chúa
hứa trong Sách Thánh. Và Người quả quyết
rằng dẫu “một chấm một phết” (dịch
sát là “một chữ i hoặc một cái sừng”, tức
là chữ yod, mẫu tự nhỏ nhất trong bảng
chữ cái Hípri) cũng sẽ không mất hiệu lực.
Nói cách khác, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất
trong chương trình của Thiên Chúa được
mạc khải trong Sách Thánh cũng sẽ vẫn giữ
nguyên hiệu lực “cho đến khi mọi sự
được hoàn thành”. “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là
một trong những điều răn nhỏ nhất
ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ
bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước
Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ
được gọi là lớn trong Nước Trời”
(c.19). Cách nói “sẽ được gọi là nhỏ /
lớn trong Nước Trời” không có ý nói về một
phẩm trật thứ hạng trong Nước Trời,
nhưng là một cách nói của người Do Thái
để diễn tả sự bị loại ra hay
được thuộc về Nước Trời.
“Vậy, Thầy bảo cho anh em
biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh
sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng
được vào Nước Trời” (c.20). Dịch sát
sẽ là: “…nếu sự công chính của anh em không
vượt hơn các kinh sư…”. Vấn đề không
phải chỉ là sự công chính theo nghĩa luân lý,
đạo đức. Trước hết, đó là sự
công chính do tin vào Đức Giêsu, Đấng kiện toàn
tất cả Sách Thánh, sau đó mới là chuyện luân lý.
Vậy sự công chính của các đồ đệ
sẽ siêu vượt hơn hẳn sự công chính của
các kinh sư, là vì nó được gắn vào và tùy
thuộc vào Đấng làm cho mọi sự nên thành toàn,
chứ không phải chỉ vì đời sống luân lý
của các đồ đệ siêu vượt hẳn so
với các kinh sư. Các kinh sư, ở mức độ
cao nhất, chỉ có thể gắn sự công chính của
mình trên nền tảng các lời hứa của Thiên Chúa
trong Sách Thánh; nhưng chính Chúa Giêsu mới là Đấng
kiện toàn các lời hứa ấy. Vì thế, có thể
nói: ở câu 20 này, Chúa Giêsu đòi hỏi các đồ
đệ của Người phải gắn bó thiết
thân với Người và đặt sự công chính của
mình trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài
lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư, tức
là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê.
Như thế, một đàng Chúa Giêsu quả quyết
rằng Người không hủy bỏ “Luật Môsê và các lời
ngôn sứ”, nhưng đàng khác, Người cho thấy
sự hơn hẳn của Người so với các
thực tại thuộc nhiệm cục cũ mà không
hề làm đứt đoạn sự tiếp nối sâu
xa từ Cựu Ước sang Tân Ước.
2. Giáo
huấn về đức công chính mới
Đức Giêsu bắt đầu giáo
huấn của Người về sự công chính hơn
hẳn của người môn đệ bằng cách
tập trung chú ý vào ba đề tài quan trọng: tránh xung
đột với tha nhân; thủy chung; và sống trong
sự thật. Đây không phải là một bài trình bày
cặn kẽ và đầy đủ về các đề
tài, mà chỉ là phần nêu lên những luận điểm
chính yếu được hiểu như để làm
mẫu mà thôi.
a. Hãy đi làm hòa trước đã
(cc.21-26)
Đức Giêsu nói: “Anh em đã nghe
Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết
người; ai giết người, thì đáng bị
đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra
toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng
bị đưa ra trước Thượng Hội
Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo,
thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước
bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có
chuyện bất bình với anh, thì hãy để của
lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà
với người anh em ấy đã, rồi trở
lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp
với đối phương, khi còn đang trên
đường đi với người ấy tới
cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà,
quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị
tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh
sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết
đồng xu cuối cùng” (cc.21-26).
Đức Giêsu đặt điều
răn không được giết người trong một
quan điểm khác với “Luật dạy người
xưa”. Sẽ là chưa đủ nếu chỉ tránh hành
động bề ngoài. Thái độ độc ác bên trong
và sự giận dữ cay nghiệt đối với người
anh em, cũng đã là những cách hành xử đáng bị
kết án rồi. Các cách hành xử ấy được
trình bày theo hướng ngày càng gia trọng, cả về tội
phạm lẫn về hình phạt. Sau đó, Chúa Giêsu
chuyển sang trình bày khía cạnh tích cực trong thái
độ của các đồ đệ, những
người có nhiệm vụ tác tạo hòa bình. Cần
phải hết sức duy trì và bảo vệ sự
hiệp nhất thuận hòa, chứ không chỉ là tránh xung
đột. Chính thái độ sống tích cực đó
quyết định giá trị của việc thờ
phượng. Cách nói “hãy để của lễ lại
đó trước bàn thờ” không nên được
hiểu sát mặt chữ, mà cần phải
được hiểu là một kiểu nói diễn tả
ý muốn hòa giải và tha thứ ngay trong lòng. Sẽ là hoàn
toàn vô ích việc đến gần Thiên Chúa đang khi
vẫn còn hiện hữu trong sự chia rẽ, bất hòa.
b. Hãy thủy chung (cc.27-32)
Đức Giêsu nói tiếp: “Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn
người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã
ngoại tình với người ấy rồi. Nếu
mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà
ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn
là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải
của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi;
vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân
phải sa hoả ngục” (cc.27-30). Luật cấm hành vi
bên ngoài, sự ngoại tình. Đức Giêsu đòi hỏi
một trái tim tinh sạch, một sự thuần khiết
ngay từ trong lòng. Ngoại tình là bất chính, nhưng ngay
cả sự thèm muốn bất chính cũng đã là
ngoại tình rồi. Nói cách khác, quyền lực cuối
cùng thúc đẩy và quyết định trong lãnh vực
tính dục nói riêng và trong tương quan với phụ
nữ nói chung, không được là những sức
mạnh tự nhiên và bản năng bột phát của
những thèm khát và khoái lạc tính dục.
Để nhấn mạnh tầm quan
trọng của sự thuần khiết ngay từ trong
lòng, Chúa Giêsu đưa ra lời khuyến nghị thà móc
mắt phải và chặt tay phải còn hơn là “toàn thân
bị ném vào hỏa ngục”. Tất nhiên sẽ là quá ngô
nghê và không chính xác nếu chúng ta hiểu các lời
khuyến nghị này theo sát mặt chữ. Điều quan
trọng là chúng ta không được phó mặc các quan
năng của mình cho bản năng thấp hèn, nhưng
phải biết làm chủ chúng một cách có trách nhiệm.
“Con mắt” biểu tượng cho ước muốn; “bàn
tay” biểu tượng cho hành động. Cần phải
loại bỏ tất cả những ước muốn
xấu xa ngược với sự tinh sạch trong lòng. Không
chỉ tôn trọng vợ người khác, mà còn phải
cư xử đúng đắn với vợ mình và tôn
trọng sự hiệp thông trong tình yêu và sự sống
với vợ của chính mình. Đức Giêsu nói: “Luật
còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ
chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh
em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân
bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ
đến chỗ ngoại tình; và ai cưới
người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm
tội ngoại tình” (cc.31-32). Sự hiệp thông sự
sống và tình yêu giữa hai vợ chồng là thực
tại thiện hảo bất khả chuyển
nhượng. Nguồi ta phải ra sức bảo vệ và
vun đắp cho sự hiệp thông đó.
c. Hãy sống trong sự thật
(cc.33-37)
Đề tài thứ ba trong vấn
đề tương quan với người thân cận mà
Chúa Giêsu ban lời giáo huấn là đề tài liên quan
đến sự thật. Đức Giêsu nói: "Anh em còn
nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ
bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với
Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ
trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng
chỉ đất mà thề, vì đất là bệ
dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà
thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.
Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không
thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen
được. Nhưng hễ "có" thì phải nói
"có", "không" thì phải nói "không". Thêm
thắt điều gì là do ác quỷ” (cc.33-37). Sở dĩ
có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự
thiếu chân thành giữa người với người.
Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng
rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan
giữa người với người. Các kinh sư và các
người Pharisêu phận biệt hai loại thề:
thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà
thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng
buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là
người ta có thể rút lại lời thề. Trong
Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật
sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự
thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu
dạy: “Đừng thề chi cả”. Thực ra, cc.33-37
không nhắm nói trước hết đến chuyện
thề thốt, mà là muốn nói về sự nhất
mực liêm khiết của người đồ
đệ: “Hễ "có" thì phải nói "có",
"không" thì phải nói "không". Thêm thắt
điều gì là do ác thần” (c.37).
|