MỘT NƠI ĐƯỢC MA QUỈ YÊU THÍCH TRÚ NGỤ
Ngày Thứ Hai trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, quyền uy trừ quỉ của Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm nay thực sự là những gì phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này.
Đúng thế, nếu quỉ cả không thể nào đi trừ quỉ con, vì ma quỉ không thể nào tự chia rẽ nhau, như chính Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Phúc Âm Thứ Hai tuần trước, và nếu loài người vốn bị ma quỉ thống trị từ sau nguyên tội không ai có thể trừ quỉ, thì ai trừ được quỉ người đó chắc chắn phải từ Thiên Chúa là Đấng vô cùng toàn năng mà đến, hay là chính Thiên Chúa, như trường hợp của Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô trong Bài Phúc Âm hôm nay.
Thật vậy, trong các người bị quỉ ám được bộ Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại, chưa có một trường hợp nào đầy kinh hoàng và thật khiếp sợ như trường hợp này, một trường hợp được Thánh ký Marco thuật lại trong Bài Phúc Âm hôm nay, vừa quá dữ tợn, quá mãnh liệt và quá nhiều quỉ, chứng tỏ không một con người thuần túy nào có thể trừ quỉ ngoại trừ một mình Vị Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô:
"Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy".
Sự kiện "một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra" và "người đó vẫn ở trong các mồ mả" (câu này bản dịch có thể bị hiểu lầm là người bị quỉ ám ở bên trong các ngôi mộ, đúng hơn là "ẩn nấp ở giữa các ngôi mộ - the man had taken refuge among the tombs") cho thấy ma quỉ đồng nghĩa với chết chóc và gây ra chết chóc (xem Gioan 8:44), mà đã là người thì tự nhiên ai cũng sợ chết và bị chết về thể lý, không ai có thể thoát chết và làm chủ được sự chết, ngoại trừ Đấng từ cõi chết sống lại là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".
Cho dù vì kiêu ngạo ngay từ ban đầu mà đệ nhất thần trời là minh thần Luxiphe đã cùng với 1/3 thần trời trở thành ma quỉ (xem Khải Huyền 12:4,7-9), chúng sau đó đã tỏ ra biết mình, như Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy thái độ của chúng tự động tỏ ra với Đấng quyền năng hơn chúng, dù Người còn ở đằng xa, và van xin với Người là Đấng mà chúng nhận biết là ai và đừng ra tay làm khốn chúng:
"Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi'".
Thế nhưng, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" đến để cứu độ con người được dựng nên theo hình thần linh và tương tự thần linh (xem Khởi Nguyên 1:26-27) khỏi tội lỗi và sự chết gây nên bởi ma quỉ ngay từ ban đầu, khỏi tình trạng con người đang bị nô lệ ma quỉ và bị ma quỉ thống trị, làm sao có thể làm theo ý muốn gian ác hại người của chúng. Bởi thế Người đã ra tay trừ chúng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".
Tuy nhiên, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, trước khi chúng xuất ra, "Người hỏi nó: 'Tên ngươi là gì?' Nó thưa: 'Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm'. Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy". Nếu tên của một con quỉ ám người ấy là "cơ binh" thì có thể suy ra rằng:
1- Ma quỉ là một tập thể hơn là từng cá nhân, (hoàn toàn khác hẳn với con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nhờ đó trở thành từng cá nhân được Ngài yêu thương), nên chúng không thể tách lìa nhau, "trừ khử nhau... chia rẽ nhau" (Marco 3:23-24);
2- Ma quỉ là một quyền lực mãnh liệt, quyền lực tối tăm, quyền lực sự dữ, quyền lực chết chóc, không gì có thể thắng nổi, (như ở nơi trường hợp người bị chúng ám được diễn tả trong Bài Phúc Âm hôm nay), ngoại trừ quyền năng của một mình Thiên Chúa.
Ma quỉ chẳng những là một quyền năng nhưng tự bản chất chúng vẫn sợ đau khổ, vẫn sợ bị trừng phạt, bởi thế, cho dù tự mình là một quyền lực hủy hoại, chúng cũng đã đề nghị với Đấng trừ chúng, đúng hơn là xin cùng Đấng không thể nào không trừ chúng, cho chúng nhập vào đàn heo ở gần đó để chúng tự dùng quyền năng chết chóc của mình mà thực hiện một hành động "tự tử" qua đàn heo ấy, còn hơn bị một tay cao thủ hơn mình như Chúa Kitô ra tay hạ sát cho đỡ bị nhục nhã:
"Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: 'Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo'. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối".
Sự kiện đám quỉ xin nhập vào đàn heo đây dường như ám chỉ là ở nơi đâu vốn sống theo xu hướng về xác thịt, về đam mê nhục dục, về tham lam hưởng thụ, về những gì xấu ra tồi bại thấp hèn đều là những chỗ của ma quỉ và giành cho ma quỉ, những chỗ hết sức thuận lợi cho ma quỉ hoành hành hơn đâu hết, những chỗ ma quỉ là tác nhân mang lại chết chóc cho những tâm hồn quay cuồng theo cuộc sống buông thả như thế...
Trường hợp của những con người sống băng hoại buông thả ấy có thể nói còn tệ hại và nguy hiểm hơn cả của trường hợp những ai bị quỉ ám nữa, vì người bị quỉ ám hoàn toàn xẩy ra ngoài ý muốn của họ, và họ không thể tự cứu mình cho đến khi được giải cứu bởi một quyền lực thần linh của Thiên Chúa. Họ thật là đáng thương và cần cứu. Một khi được cứu và tỉnh lại, họ trở thành những con người tốt hơn trước, như trường hợp nạn nhân đương sự trong Bài Phúc Âm hôm nay:
"Kẻ trước kia bị quỉ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng... Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỉ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: 'Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con'. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục".
Về phía thành phần dân chúng nói chung và chủ nhân của đàn heo bị thiệt hại nói riêng: "họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng", đến độ, họ chẳng những không tỏ ra cảm phục "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", như dân làng Samaria của người phụ nữ tội lỗi đã "tuốn ra gặp Người" mà còn "tin vào Người" nữa (xem Gioan 4:30,39), và mừng cho nạn nhân bị quỉ ám vốn là người trong làng của mình, mà họ lại còn có một thái độ hoàn toàn phản ngược, ở chỗ họ đã tỏ ra sợ hãi Chúa Kitô, như thể họ sợ hãi quyền năng trừ quỉ của Chúa, sợ hãi hành động bị trừ quỉ gây thiệt hại cho họ...
Phải chăng đó là lý do ma quỉ đông như "đạo binh" đã thích thú ở vùng lầy bại hoại này, một vùng đầy những ma quỉ đông như cả một "đạo binh", một sào huyệt của ma quỉ nên chúng không muốn rời bỏ một nơi béo bở như vậy, và "nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy"?
Và cũng phải chăng sau khi thoát khỏi cảnh bị ma quỉ khống chế ở miền này, nạn nhân được trừ quỉ không muốn ở lại một miền đất như sào huyệt của ma quỉ ấy nữa, mà chỉ muốn theo Đấng đã trừ qủi cho mình, theo Đấng đã giải thoát mình, một trường hợp duy nhất trong Phúc Âm liên quan đến nạn nhân trừ quỉ muốn theo Chúa Kitô sau khi được trừ quỉ??
Nhất là phải chăng Chúa Giêsu không chấp nhận lời xin rất chân thành và tốt lành hiếm có này của nạn nhân bị quỉ ám được Người giải thoát là vì Người muốn anh ta trở thành tông đồ của Người và cho Người ở ngay vùng đất của ma quỉ này, một vùng đất dân địa phương ở đấy không muốn thấy sự hiện diện cứu độ của Người, sợ hãi quyền năng giải thoát của Người, nhờ đó, nhờ sự hiện diện gián tiếp của Người qua chứng nhân sống động là anh ta mà ma quỉ không dám hoành hành miền đất ấy nữa. Anh ta trở thành như một ấn tín cứu độ của Người ở vùng này và cho vùng đất vốn là của ma quỉ và thuộc về ma quỉ mà chính anh ta đã từng là ngai tòa ngự trụ của chúng giữa vương quốc của chúng ở đấy???
Trong bài giảng cho Lễ Thứ Sáu 29/1/2016 tại Nhà Trọ Thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh một lần nữa, trong nhiều lần khác, về tình trạng tội lỗi là những gì khả chấp còn băng hoại là những gì bất khả chấp, như trường hợp của dân làng sống ở "địa hạt Giêrasa" có thái độ sợ Chúa trên đây trong bài Phúc Âm hôm nay, khi ngài kết thúc bài giảng của mình bằng lời cầu nguyện như sau:
"Lạy Chúa, xin cứu chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi bị băng hoại. Ôi Chúa, vâng, chúng con là những tội nhân, thế nhưng không bao giờ trở thành băng hoại. Chúng con xin Chúa ban cho chúng con ơn này".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|