Chúa là phúc thật – Lm. Phạm Quốc Hưng
"Hãy vui sướng
và hân hoan, vì phần thưởng các ngươi lớn
thật ở trên trời".
Người Ái Nhĩ
Lan có một câu nói diễn tả lòng tự hào dân
tộc của họ như sau: "Trên thế giới chỉ
có hai loại người: những người Ái Nhĩ
Lan và những người muốn trở thành người
Ái Nhĩ Lan". Là người Việt Nam và cảm
thấy tự hào về truyền thống anh hùng của
Việt tộc, dĩ nhiên tôi không chấp nhận câu nói
trên. Nhưng tôi cũng không dám sửa câu đó thành: "Trên
thế giới chỉ có hai loại người: những
người Việt Nam và
những người muốn trở thành người
Việt Nam."
Vì tôi biết có những người không
muốn nhận mình là người Việt Nam dù đã sinh ra trên quê hương Việt Nam và mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
Dù vậy, tôi
không sợ lầm khi sửa câu trên thành: "Trên thế
giới chỉ có hai loại người: những con
người hạnh phúc và những con người không
được hay chưa được hạnh phúc". Vì không có một người bình thường nào
mà không mong mỏi khát khao hạnh phúc. Hạnh phúc viên
mãn hay hạnh phúc đích thực bao giờ cũng là
đối tượng tìm kiếm của trái tim nhân
loại.
Nhưng
làm thế nào để đạt được hạnh
phúc?
Ai
cũng mong muốn hạnh phúc, nhưng những quan
niệm của con người về hạnh phúc, về
cách thức để đạt được hạnh
phúc thì thật khác nhau. Có người quan niệm hạnh phúc
là có sức khỏe, nhan sắc, bạc tiền, tài
năng, của cải, địa vị, học thức,
và gia đình êm ấm thuận hoà. Người khác
lại cho rằng hạnh phúc là được nhiều
người ái mộ, làm được nhiều
điều hữu ích cho xã hội, được đi
vào lịch sử như những người hùng của
nhân loại. Người khác nữa lại
quan niệm hạnh phúc là phải từ bỏ mọi
sự phiền toái của cuộc sống xã hội,
sống ẩn dật như một loài thú đi hoang.
Trong Tin mừng
hôm nya, Chúa Giêsu đã đưa ra những quy luật
bất biến - chứ không phải một quan niệm vu vơ - để đạt đến
hạnh phúc thực như con người hằng mong
ước. Theo Ngài, những người hạnh phúc là
những người có tinh thần nghèo
khó,
những người hiền lành,
những người ưu phiền,
những người đói khác sự công
chính,
những người biết thương
xót,
nhưng người tinh sạch trong lòng,
những người tác tạo hòa bình,
và những người bị bách
bớ vì sự công chính.
Là
Thiên Chúa và là Đấng tạo dựng nên chúng ta, Chúa Giêsu
hiểu biết ta hơn là ta hiểu biết về chính
mình. Ngài
biết ta phải sống thế nào để đạt
được hạnh phúc đích thực, nên Ngài đã
chỉ cho ta biết những quy luật hạnh phúc trên.
Nhưng điều này xem ra nghịch hẳn với quan
niệm thông thường của con người về
hạnh phúc. Nhưng đó là những chân lý
không thể sai lầm.
Làm
sao chúng ta biết được đây là những quy
luật hạnh phúc chân thực nhất xưa nay? Vì những quy luật này đã
được thể hiện nơi chính con người
của Chúa Giêsu. Ngài đã sống
trước khi giảng dạy chúng ta những điều
ấy.
Thật
vậy, nơi Chúa Giêsu chúng ta gặp thấy hiện thân
của chính đức khó nghèo, chính sự hiền lành, chính
sự ưu phiền, chính cơn đói khát công chính, chính
lòng xót thương, chính lòng tinh sạch, chính sự hòa bình,
và chính sự công chính đang bị bách bớ. Ngài là mẫu mực của tất cả
những ai mà Ngài nhìn nhận là có phúc.
Nói
cách khác, những quy luật trên sở dĩ gọi là
những quy luật hạnh phúc bất biến vì chúng giúp
người ta nên giống Chúa Giêsu và nên một với Ngài
là Thiên Chúa làm người. Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, chúng là
những phương thức giúp ta "mặc lấy Chúa
Kitô" và trở nên nên "đồng hình đồng
dạng" với Người. Những quy luật
này giúp chúng ta noi gương Chúa Giêsu, cắm sâu chôn chặt
vào Thiên Chúa như nguồn hạnh phúc duy nhất của
mình và sẵn sàng thoát ly tất cả những gì không
phải là Chúa. Chúng sẽ giúp chúng ta thưa cùng Chúa
những lời của Thánh vịnh gia:
"Tôi thưa
cùng Yavê: Chính Người là Chúa của tôi, hạnh phúc
của tôi, có đâu ngoài Người...
Yavê là phần
cơ nghiệp, là chén của tôi,
chính Người là Đấng
nắm giữ cơ đồ cho tôi!
Giây đo
phần tôi rơi nhằm nơi tuyệt mỹ,
cơ nghiệp ấy làm cho tôi sung
sướng!"
(Tv
16:2 & 5-6)
Điều quan
trọng ở đây là chúng ta có dám dấn thân sống theo những quy luật hạnh phúc này hay
không?
Sở
dĩ cuộc đời chúng ta còn buồn tẻ chán
chường, còn "sà sà mặt đất", còn
chưa được thăng hoa là vì chúng ta chưa dám thực
hành những điều mà miệng ta nhìn nhận là chân là
thiện. Cũng chính vì thế mà ta chưa cảm nếm
được sự ngọt ngào và sức mạnh của
Lời Chúa. Đúng như tác giả sách Gương
Chúa Giêsu nhận xét: "Sở dĩ nhiều người
nghe giảng Phúc âm luôn mà vẫn không xúc động, là vì
họ không có tinh thần Chúa Kitô. Muốn
hiểu tỏ và nếm thử thi vị của Lời
Chúa, cần phải tập sống đời sống
của Chúa" (GCG Q.1 Ch. 1).
Trong quá trình
phong thánh của Giáo hội, các vị á thánh là những
người bắt đầu được dân chúng tôn
kính nơi công cộng còn được gọi là những
"chân phúc", những con người được
phúc thật, được phần thưởng thiên
đàng, được sống đời đời. Lý do
Giáo hội tôn phong các ngài là vì Giáo hội nhận thấy
nơi các ngài là hình ảnh của chính Chúa Giêsu là Nguồn
mọi sự thánh, thấy sự hiện diện của
chính Chúa nơi cuộc đời các ngài. Phần phúc
của các ngài cũng là phần phúc được Chúa
hứa ban cho mỗi tín hữu chúng ta.
Cuối cùng
rồi thì nhân loại vẫn được chia thành hai
loại như những con chiên lạc được tách
khỏi đám dê trong bài giảng về ngày phán xét cùng
tận (Mt 25:31-46): những người được phúc
thật là những người mang hình ảnh Chúa Giêsu vì
đã nổ lực sống thánh thiện noi gương
Người và nhưng người đã tự
khước từ phúc thật đời đời vì
đã chối bỏ lời mời gọi sống thánh theo
gương Chúa Giêsu khi còn ở trần gian và đã đánh
mất hình ảnh Thiên Chúa nơi mình bằng lối
sống đắm chìm trong tội.
Với lời
mời gọi của Chúa Kitô, với sự trợ giúp
của Ơn Chúa, với sự thúc bách của Chúa Thánh
Thần, với gương sáng và lời chuyển cầu
của Mẹ Maria và chư thánh, chúng ta còn ngần ngại
gì mà chưa nỗ lực sống thánh để
đạt được phúc thật?
|