
"Mối nguy hiểm là ở chỗ vào những lúc bị khủng hoảng
chúng ta tìm kiếm một vị cứu tinh"
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn
dài 1 tiếng 15 phút hôm 20/1/2017 ở Nhà Trọ Matta, về nhiều vấn đề quan trọng
liên quan đến thế giới, đến Hoa Kỳ, đến Âu Châu, đến Giáo Hội cũng như đến chính
bản thân của ngài, do nhật báo El Pais Tây Ban Nha thực hiện qua hai phóng viên
Pablo Ordaz và Antonio Canõ, và cuộc phỏng vấn hào hứng ấy đã được tờ nhật báo
này phổ biến hôm Chúa Nhật 22/1/2017.
Vấn:
Tâu Đức Thánh Cha, sau
gần 4 năm ở Vatican, cái gì không còn nơi một vị linh mục đến Roma từ Buenos
Aires bằng một cái vé khứ hồi trong túi của mình?
Đáp: Ngài vẫn là một vị linh mục
đường phố. Vì ngay khi có thể, tôi vẫn ra ngoài đường phố để chào hỏi dân chúng
ở những buổi triều kiến chung, hay khi tôi đang du hành... đặc tính của tôi
không hề thay đổi. Tôi không nói rằng đó là một điều được thận trọng cân nhắc:
nó đã từng là một tiến trình tự nhiên. Thật là không đúng chút nào khi các bạn
đến đây các bạn cần phải thay đổi. Việc thay đổi là những gì trái tự nhiên. Thay
đổi ở vào tuổi 76 giống như chuyện trang điểm. Có lẽ tôi không thể nào làm được
hết mọi sự tôi muốn, nhưng cái hồn sống đường phố của tôi vẫn còn đó, và các bạn
có thế thấy được nó.
Vấn:
Vào những ngày cuối cùng làm giáo hoàng của mình, Đức Benedict XVI đã nói về
những năm cuối cùng của mình với tư cách là vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo:
"Những giòng nước chảy đục ngầu mà Thiên Chúa thì dường như thiếp ngủ". ĐTC có
cũng cảm thấy cái lẻ loi cô độc ấy hay chăng? Phải chăng hàng giáo phẩm của Giáo
Hội đang thiếp ngủ trước những vấn đề của dân chúng, cả mới lẫn cũ?
Đáp: Trong hàng giáo phẩm của Giáo
Hội, hay trong số các tác nhân mục vụ của Giáo Hội Công Giáo (giám mục, linh
mục, nữ tu, giáo dân), tôi cảm thấy lo sợ hơn về những ai bị tê mê hơn là những
ai thiếp ngủ. Tôi đang nói về những ai bị tê mê bởi những công chuyện trần thế.
Họ đang đắt hàng với những gì là trần thế. Đó là những gì làm tôi lo ngại. Hết
mọi sự dường như lắng đọng, hết mọi sự dường như tĩnh lặng, hết mọi sự đang diễn
tiến ngon lành... có quá nhiều thủ tục. Khi các bạn đọc Sách Tông Vụ, đọc các
Thư của Thánh Phaolô, các bạn thấy được những gì là hỗn độn, thấy có những trục
trặc, thấy dân chúng vẫn tiến bước. Biến chuyển xẩy ra và việc giao tiếp với dân
chúng được thực hiện. Một con người tê mê (an anesthetized person) là thành phần
không giao tiếp với dân chúng. Họ tự bảo vệ bản thân mình trước thực tại. Họ bị
tê mê. Ngày nay có rất nhiều các thức gây mê bản thân mình trước cuộc sống hằng
ngày phải không? Có lẽ cái bệnh nguy hiểm nhất đối với một vị mục tử đó là chứng
bệnh được sản xuất bởi thuốc tê, và đó là chủ nghĩa duy giáo quyền. Tôi thì ở
đây và dân chúng thì ở kia. Thế nhưng bạn là vị mục tử của những con người đó!
Nếu bạn không coi sóc những người ấy, nếu bạn bỏ cuộc không chăm sóc cho những
người ấy thì bạn cần phải thu đồ về hưu cho rồi.
Vấn:
Phải chăng một phần nào
đó của Giáo Hội Công Giáo đang bị tê mê?
Đáp: Nó là một nguy cơ mà tất cả
chúng ta đang gặp phải. Nó là một mối nguy hiểm, nó đang là một chước cám dỗ
nghiêm trọng. Bị tê mê là những gì xẩy ra một cách dễ dàng.
Vấn:
Nó là một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống thoải
mái hơn.
Đáp: Đó là lý do tại sao thà có những
con người thiếp ngủ còn hơn, tôi lo âu về những ai đang bị tê mê gây ra bởi tinh
thần thế tục. Một thứ thế tục thiêng liêng. Tôi luôn bị ấn tượng bởi sự kiện là
Chúa Giêsu Kitô, trong bữa tối cuối cùng, khi Người cầu cùng Cha của Người cho
các môn đệ của Người, Người không xin Cha "giữ họ cho khỏi lỗi Điều Răn Thứ Năm,
khỏi giết người, cho khỏi lỗi Điền Răn Thứ Bảy, khỏi trộm cắp". Không, Người xin
Cha "gìn giữ họ khỏi các sự dữ của thế gian, giữ họ khỏi thế gian". Tinh thần
thế tục gây ra một thứ tác dụng tê liệt. Khi điều đó xẩy ra thì vị mục tử trở
thành một người tôi tớ dân sự. Và đó là chủ nghĩa duy giáo quyền, một thứ sự dữ
tệ hại nhất có thể đang ảnh hưởng đến Giáo Hội ngày nay.
Vấn: Những
thứ trục trặc mà Đức
Benedict XVI phải đương đầu vào cuối giáo triều của ngài, và những điều đó được
đựng trong một cái hộp trắng ngài trao cho ĐTC ở Castel Gandolfo, chúng là những
gì vậy?
Đáp: Một mẫu rất bình thường về đời
sống hằng ngày trong Giáo Hội bao gồm các vị thánh và các tội nhân, người chân
thành và người gian manh. Hết mọi sự đều có ở trong đó! Có những người bị đặt
vấn đề và đã tỏ ra trong sạch, có những nhân viên .... Vì ở đó, trong Giáo Triều
Roma, có một số vị thánh thực sự. Tôi muốn nói lên điều này. Chúng ta cũng quá
dễ dàng nói đến mức độ băng hoại ở Giáo Triều Roma. Có những con người băng
hoại. Thế nhưng cũng có nhiều vị thánh. Nhiều người đã sống cả đời mình để phục
vụ dân chúng một cách ẩn dật, đằng sau cái bàn, hay bằng cuộc trao đổi, hoặc
bằng việc nghiên cứu... Ở đó có những vị thánh và tội nhân. Hôm ấy, điều làm tôi
ấn tượng nhất đó là trí nhớ của Đức Benedict thánh hảo. Ngài nói: "Này, đây là
những hồ sơ về các vụ kiện tụng ở trong cái hộp này". "Và đây là phán quyết về
tất cả những cá nhân. Người này bị bấy nhiêu". Ngài đã nhớ hết mọi sự. Ngài vẫn
còn như thế.
Vấn:
Về sức khỏe
ngài có cảm thấy được hay chăng?
Đáp: Cái đầu của ngài vẫn
tốt. Vấn đề của ngài là cặp giò của ngài. Ngài cần được giúp để bước
đi. Ngài có một trí nhớ đồ sộ, thậm chí một cách nhịp nhàng. Tôi có
thể nói một điều nào đó nhưng ngài lại bảo rằng: "Không, không phải
là năm đó, mà là năm khác".
Vấn:
Đâu là những quan tâm
chính yếu của ĐTC liên quan đến Giáo Hội và đến chung thế giới?
Đáp: Liên quan đến Giáo Hội, tôi xin
nói là tôi hy vọng rằng Giáo Hội không bao giờ ngừng gần gũi với dân chúng. Một
Giáo Hội không gần gũi với dân chúng thì không phải là một Giáo Hội. Mà là một
NGO (Non-Governmental Organization) cơ quan phi chính phủ tốt. Hay là một tổ
chức đạo đức được làm nên bởi những con người tốt lành gặp gỡ nhau uống trà và
hoạt động bác ái... Cái dấu mốc của Giáo Hội là sự cận kề của Giáo Hội. Tất cả
chúng ta là Giáo Hội. Bởi thế, vấn đề chúng ta cần phải tránh đó là đánh mất đi
sự gần gũi ấy. Trở thành gần gũi đó là chạm tới, chạm tới Chúa Kitô bằng huyết
nhục nơi tha nhân của các bạn. Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta chúng ta sẽ bị
phán xét ra sao, ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25, Người luôn nói về việc vươn tới
tha nhân của các bạn: Ta đói, Ta bị ngục tù, Ta bị bệnh.... Bao giờ cũng phải
cận kề với các nhu cầu của tha nhân các bạn. Không phải chỉ là bác ái. Còn nhiều
hơn thế nữa.
Còn đối với những gì làm tôi lo âu về thế giới thì đó là chiến tranh. Chúng ta
đã có Thế Chiến Thứ Ba rồi từng chút một và từng mảnh một. Gần đây lại còn nói
đến chuyện một chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra nữa, như thể nó là một ván
bài: họ đang chơi bài với nhau. Đó là điều quan tâm lớn nhất của tôi. Tôi lo âu
về tình trạng bất quân bình về kinh tế trên thế giới này, ở chỗ, một nhóm nhỏ
con người ta nắm trong tay 80% cái giầu thịnh của thế giới, với tất cả những gì
bao hàm trong đó cho một thứ tương lai về tiền tệ coi trọng tiền tệ như một vị
thần linh thay vì con người nam nữ. Bởi thế mới có thứ văn hóa sa thải.
Vấn:
Tâu Đức Thánh Cha, trở
về với các vấn đề của hoàn cầu Đức Thánh Cha vừa đề cập tới, Ông Donald Trump
giờ đây mới tuyên thệ làm tổng thống của Hiệp Chủng Quốc, và toàn thế giới vì
thế trở nên căng thẳng. Đức Thánh Cha nghĩ sao?
Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải
chờ xem. Tôi không thích đoán bừa đi cũng không thích phán đoán người ta một
cách bất khôn. Chúng ta sẽ thấy cách thức ông ta tác hành, những gì ông ta làm,
sau đó tôi mới có ý kiến. Thế nhưng tỏ ra lo sợ hay hân hoan ngay từ trước vì
một điều gì đó có thể xẩy ra thì theo tôi là hoàn toàn bất khôn. Nó giống như
các vị tiên tri tiên đoán các thứ tai ương hay những điều may mắn bất ngờ không
xẩy ra vậy. Chúng ta sẽ thấy những gì ông ta làm và sẽ theo đó mà phán xét. Bao
giờ cũng phải làm việc một cách rõ ràng. Kitô giáo một là rõ ràng hai là không
phải là Kitô giáo.
Điều đáng chú ý là lạc thuyết đầu tiên trong Giáo Hội đã xẩy ra ngay sau cái
chết của Chúa Giêsu Kitô, đó là lạc thuyết bất khả thần tri, bị tông đồ Gioan
lên án. Nó là cái tôi gọi là một thứ tính chất tôn giáo sơn phết, một thứ tôn
giáo không rõ ràng... không có gì là cụ thể. Không, không phải thế. Chúng ta cần
rõ ràng minh bạch. Rồi từ cái minh bạch này chúng ta mới có thể rút ra những
thành quả. Chúng ta đang mất đi cái cảm giác của mình về những gì là cụ thể. Có
lần một tư tưởng gia đã nói với tôi rằng thế giới này bị đảo lộn đến độ nó cần
một điểm nhất định. Những điểm ấn định ấy xuất phát từ các hành động cụ thể. Các
bạn đã làm gì, các bạn quyết định điều chi, các bạn đã thực hiện những chuyển
biến nào? Đó là lý do tôi thích đợi xem.
Vấn:
Đức Thánh Cha có lo âu
về những điều chúng ta đã nghe thấy cho tới lúc này hay chăng?
Đáp: Tôi vẫn đang chờ xem. Thiên Chúa
đã chờ đợi tôi quá lâu, với tất cả tội lỗi của tôi...
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch