BÀI LỜI
CHÚA 102
LÒNG MẾN
LỚN HƠN CẢ
Các tín hữu Corintô rất sôi nổi ham thích các
đặc sủng phi thường như nói tiếng lạ,
nói tiên tri v.v…, Thánh Phaolô thấy vậy mới viết
đoạn thư sau đây để khuyến khích họ
hăm hở thực hành lòng mến (tức là đức
ái), là ân đức cao trọng nhất :
Trích thư 1 Corintô 13.1-13
“Giả
như tôi nói được các thứ tiếng nhân loại
và thiên thần, mà tôi không có lòng mến, thì tôi chỉ là thanh
la vang vảng hay chũm chọe chập cheng.
Và giả như tôi được
ơn tiên tri, và biết mọi sự nhiệm mầu, toàn
cả trí tri; và giả như tôi được tất cả
lòng tin, khiến chuyển được đồi núi, mà
tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn là không!
Và giả như tôi đem cả
gia tư vốn liếng mà phát chẩn; và giả như tôi
nộp mình chịu thiêu, mà tôi lại không có lòng mến, thì
cũng hư không vô ích cho tôi!
….Trong
muôn sự, lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin,
hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn.
Lòng
mến không hề tàn tạ! Dù là các ơn tiên tri, cũng sẽ
bị hủy; dù là các ngôn ngữ, cũng sẽ chấm dứt;
dù là trí tri cũng sẽ ra không!.....
….Vậy nay còn lại Tin, Cậy, Mến. Ấy
là bộ ba !
Nhưng trong bộ ba ấy, Mến lớn
hơn cả!
* Đó là
Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa
!
Suy niệm Lời Chúa
Chúng ta vừa nghe Thánh
Phaolô nói : “Lòng
mến không hề tàn tạ! Trong bộ ba đức là Tin,
Cậy, Mến, thì Mến lớn hơn cả!” Ở đây đức mến hiểu là gồm cả
mến Chúa và yêu người. Thế mà từ trước
đến đây chúng ta học nhiều về lòng tin, mà ít
đề cập đến đức mến lớn
hơn cả ! Thật là vô cùng thiếu
sót,
và hơn nữa cha Mateo, vị tông đồ thánh thiện
và nhiệt thành của việc “Tôn Vương Thánh Tâm Chúa Giêsu”, bảo rằng :
“Một lầm
lạc tai hại, nếu trong đàng
thiêng liêng mà chỉ chú trọng đến đức tin, rất
ít nói đến sự kính mến… (Vì) Th.Phaolô đã nói: “Giả
như tôi được tất cả lòng tin (mạnh mẽ
đến nỗi) khiến chuyển được núi non, mà tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn
là số không!” Và tôi có thể
thêm : một đức tin mạnh mẽ, nếu không có
đức kính mến sẽ nguy hại cho tôi, tôi sẽ
mang tội vô ơn, vì tôi không yêu (những) sự mà đức
tin tỏ cho tôi biết là rất đáng mến yêu. Thật
rất khốn nạn : Người ta vẫn
có thể tin mà không mến. Có từng ngàn vạn giáo hữu
đã được chịu phép Rửa tội, được
học giáo lý, tuân giữ giới răn trong đạo, …
chịu các phép Bí tích …tin hết thảy những điều
phải tin, nhưng lại …thiếu tình yêu…Khi người
ta đã có lòng kính mến, thì tất nhiên cũng có đức
tin…, nhưng ngược lại, người ta có thể
tin mà không có lòng mến. Vậy chúng ta hãy học để
tin cho mạnh mẽ, và hãy học để mến yêu mạnh
mẽ hơn những điều ta tin. Phần nhiều
những linh hồn tốt lành thánh thiện đã bị sa sút vì đã tách rời lòng tin với lòng mến.
Họ được huấn luyện rất
nhiều trong những giáo lý cao siêu, đã thuộc lòng những
lề luật, nhưng họ không có lòng mến làm cho sống
động trong linh hồn.” (Trích cuốn “Vua
Tình yêu”, của Cha Mateo, tr. 133-34 ).
Xem như
thế lòng kính mến là lớn nhất, quan trọng
hơn hết tất cả mọi sự, đến
mức Th.Phaolô nói trong đoạn Thánh Kinh trên kia : những
đặc sủng kỳ diệu do Chúa Thánh Thần ban cho
(như nói các thứ tiếng lạ, ơn làm ngôn sứ nói
tiên tri, ơn mạnh tin đến nỗi chuyển núi
dời non, ngay cả ơn sức mạnh đến
nỗi nộp mình chịu tử đạo, v.v…) mà nếu
không có lòng kính mến thì tất cả cũng chỉ là
hư không vô ích cho ta !
Nên nhớ :
Chúa Giêsu mong đợi ở ta một tình yêu nồng nàn,
nhưng là một tình yêu thuộc tinh thần và ý chí
chứ không phải nồng nàn theo tình cảm, tức là
cảm thấy ngây ngất, hay rung động dàn dụa
nước mắt…Chỉ vì không hiểu như thế, cho
nên rất nhiều anh chị em đạo đức
tốt lành, sau khi dự những buổi tĩnh tâm, linh
thao hay khóa Thánh Linh, và được lãnh nhận Chúa Chúa
Thánh Thần, hoặc được ban tràn trề ơn
huệ, sốt sắng, mến Chúa, có những lúc còn xúc
động thổn thức chảy nước mắt ra…,
nhưng sau ít lâu, về lại trong cuộc sống bộn
bề nhiều lo lắng của gia đình, của
cuộc sống vội vã bon chen xô bồ của xã hội,
họ thấy khô cạn dần dần những cảm xúc
bên ngoài trước đây, nên đâm lo sợ, tưởng
rằng đã mất lòng mến Chúa. Không đâu ! Hãy nghe cha
Mateo giảng giải :
“Khi đức mến đã bắt đầu bám
rễ trong linh hồn nào, Thiên Chúa khôn ngoan thường
để cho linh hồn ấy ra như khô khan, nhạt
nhẽo, chán ngán, ít cảm xúc... Nhưng thực chất thì
nơi họ - nếu họ vẫn trung thành với Chúa -
hóa ra lại là một tình yêu to tát mạnh mẽ hơn, chân
thực hơn thứ tình yêu non nớt của tình cảm
rung động bên ngoài lúc ban đầu….Cảm giác và
hứng vui bề ngoài đến chảy nước
mắt, chưa phải là biểu hiệu một tình yêu to
lớn. Và sự khô khan đến nỗi cảm thấy
chán ngán về Chúa, về những sự siêu nhiên, cũng
chưa phải là biểu hiệu sự thiếu lòng kính
mến. Trái lại, nó biểu hiệu một tình yêu đã
già dặn, chín chắn, đã thoát khỏi giác quan và
những hình thức ấu trĩ. Phần nhiều ở
nơi các thánh, lòng kính mến Chúa Giêsu mặc một hình
thức chiến đấu cam go, vất vả hy
sinh…Đó là các đấng đã bay bổng trên đỉnh
cao đời sống thiêng liêng rồi.” (Trích sách đã
dẫn trên, tr.135)
- Bây giờ
ta sẽ tự hỏi : phải làm gì để có lòng
mến ?
Trước hết, lòng yêu
mến Chúa không đòi ta phải làm những việc lớn
lao to tát, vì tình yêu là câu chuyện thường ngày, âm
thầm, nhỏ bé, không tên… Chúa thấu suốt lòng chúng ta,
Người xem thấy, và đón nhận, chúc phúc và ban
thưởng mỗi hành vi, mỗi việc dù nhỏ bé
của linh hồn, song làm vì lòng yêu mến. Đặc
biệt ta hãy chú tâm đến việc cầu nguyện, mà
Đức Mẹ dạy là “cầu nguyện bằng trái
tim”, nghĩa là khi cầu nguyện hay đọc kinh hay
làm bất cứ việc gì…thì làm vì yêu mến chứ không phải vì bổn
phận làm cho xong ; và đang khi làm việc đó thì làm với lòng mến yêu. Dù
chỉ làm các việc nhỏ bé tầm thường,
nhưng tình yêu đã làm chúng trở nên lớn lao
trước mắt Chúa : Vì trước mắt Thiên Chúa
cao cả vĩ đại, những gì nhỏ bé cũng
thành lớn lao. Chúng ta làm những điều tầm
thường, lặt vặt, không tên hằng ngày, chỉ cần
là khi làm các việc nhỏ hèn ấy, ta làm với một
tình yêu to tát.
Có những người
nghĩ rằng muốn sống thánh thiện và yêu mến Chúa,
phải có giờ đọc sách đạo nhiều,
học hành nhiều, học giáo lý cao cấp, học
thần học v.v… còn họ thì đang phải lăn
lộn với bao công việc gia đình, vợ chồng con
cái, làm ăn kiếm tiền… Th. Tôma tiến sĩ nói :
“Sự thánh thiện không ở tại biết nhiều, suy
nhiều, nghĩ nhiều. Bí quyết lớn lao của
sự thánh thiện là yêu
nhiều !”
Chớ gì những ai đang lăn lộn với công
việc, họ hãy yêu mến, họ hãy yêu mến như
họ tận tụy làm việc.
Có
người khác lại viện cớ mình có nhiều
tội lỗi, đam mê xấu xa… nên không thể mến
Chúa được ! Không đúng, mặc dầu ta nhiều
tội lỗi khốn nạn, cũng đừng nản
lòng, vì Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã nói : “Hơn
những ngọn lửa dưới luyện tội, những
ngọn lửa tình yêu sẽ tinh luyện tâm hồn ta và làm
cho nó nên xinh đẹp”. Theo lời khích lệ của các
thánh, ta hãy bình tĩnh nguyện cầu trong lòng trông cậy,
ngọn lửa tình yêu bắt đầu nhen nhúm trong ta qua
việc ăn năn sám hối, sẽ dần dần
nảy nở, mạnh mẽ và sâu rộng và sẽ thiêu
hủy mọi tật xấu của ta.
Nếu
cứ còn muốn hỏi phải làm những việc gì để
có lòng mến ? Xin hãy nghe lời Thánh Augutinô tiến sĩ
Hội Thánh nói : “Hãy yêu đi, rồi muốn làm gì, thì làm
!” (Ama, et quod vis, fac!), tình yêu sẽ giúp bạn biết cách thực
hành, vì khi bạn đã yêu mến chân thành, thì bạn sẽ
không muốn làm điều gì buồn lòng Chúa, phạm
đến Chúa, hoặc đến tha nhân. Tình yêu luôn tránh
làm mất lòng người yêu. Đàng khác, tình yêu làm bạn
trở nên thông minh, tháo vát, chẳng cần ai bảo
bạn vẫn sẽ tìm ra được những việc
gì phải làm cho Chúa và cho tha nhân mà khi không yêu bạn không tìm
ra được! Hãy nhớ đến chàng thanh niên, hay cô
thiếu nữ đang yêu… sẽ thấy họ biết làm
những gì để tỏ tình yêu chẳng cần ai
cố vấn…!
Vài mẫu truyện minh họa :
Má của
thị nhân Ivanka, qua đời hai tháng trước lúc
Đức Mẹ hiện ra. Ngày đầu tiên khi
Đức Mẹ hiện ra với các thị nhân, cô
hỏi Người về má mình, thì được
Đức Mẹ trả lời : “Má con an lành, và đang ở với Mẹ.” Dân
trong làng nghe thấy thế, lấy làm ngạc nhiên, hỏi
nhau : sao bà ấy lại được lên thiên đàng chóng
như thế, vì lúc còn sống trong làng, thấy bà có làm gì
đặc biệt, lạ lùng, to tát đâu. Thì
được nghe trả lời : Bà ấy chỉ làm
bổn phận một phụ nữ là vợ, là mẹ
trong gia đình, nhưng đã làm tất cả vì yêu
mến.
Một mẫu gương sáng chói
trong thời đại của chúng ta : Đó là đời Chị
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897). Một vị
thánh trẻ, qua đời lúc mới 24 tuổi, lại là
một nữ tu giam mình trong Dòng Kín Các-Mê-lô ở thành Lisieux
bên nước Pháp, chị không chỉ được tuyên
thánh (17-5-1925), mà hơn thế, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, ngày 9-10-1997, đã tuyên phong cho vị thánh nữ
trẻ tuổi này lên hàng “Tiến Sĩ Hội Thánh”,
tức là bậc thầy dạy đàng thiêng liêng cho toàn
thể Hội Thánh, ngang hàng với các Giáo Phụ tiến
sĩ lừng danh thời xưa như Thánh Athanaxiô, Gioan Kim
khẩu, Augutinô, Tôma Aquinô v.v… là các bậc Thầy dậy
lỗi lạc đáng kính, đã dầy công dạy dỗ
khoa học Thiên Chúa và đàng thánh thiện trọn lành trong
Hội Thánh.
Được
vinh hiển như thế là vì đâu ? Không vì làm
được việc gì lớn lao : Chị không lên
giảng đường dạy học như thánh Tôma
tiến sĩ, cũng không lên tòa giảng như thánh Gioan
Kim khẩu (là nữ tu mà !), chị chỉ sống
đơn sơ nhỏ bé khiêm nhường lúc ấu
thơ trong gia đình cũng như lúc lớn vào tu trong Dòng
Kín, luôn luôn làm mọi việc dủ nhỏ bé tầm
thường với một
lòng yêu mến lớn lao, chẳng hạn có lần nghe
chị nói : “Nhặt một cái rác trong hành lang nhà Dòng, vì lòng
mến Chúa.” Bề ngoài quả thật không ai thấy
chị làm một việc gì to tát, khác thường, đáng
để ý, đến nỗi các chị em trong Dòng,
thấy chị sắp qua đời, thì rỉ tai nhau:
“Không biết khi chị Têrêsa qua đời thì lấy gì mà
thuật lại trong thư báo tử, vì đời chị
chẳng có gì nổi nang.”
Vâng lời Bề trên, Chị đã thuật lại
đời sống đơn sơ nhỏ bé ấy của
chị trong một quyển sách, nhan đề là “Truyện một tâm hồn”. Nhưng không ngờ từ
trong những trang sách ấy toát ra một linh đạo
tuyệt vời gọi là “Con
đường thơ ấu thiêng liêng”, phù hợp với mọi hạng
người bất kể trí thức hay bình dân ít học,
và
lối sống
đạo này đã
giúp cho hàng triệu linh hồn trên thế giới nên thánh !
µµµµµ
|