Ánh sáng hiệp
nhất – Lm Phạm Quốc Hưng
"Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh
sáng lớn lao; và kẻ ngồi trong bóng
tối sự chết, một ánh sáng đã rạng lên".
Ngày nọ,
một vị linh sư gọi các đệ tử của
mình lại và hỏi họ: "Khi nào thì ta biết đêm
chấm dứt và ngày bắt đầu?" Các đệ
tử liền lần lượt trả lời: "Khi ta
có thể thấy được sự khác biệt
được giữa con trâu và con bò"; "Khi ta có
thể phân biệt được con vịt và con ngan";
"Khi ta có thể nhận dạng được trái cam
và trái táo." Vị linh sư gật gù và nói: "Các con
đang nói về ánh sáng tự nhiên như yếu tố phân
biệt ngày và đêm. Nhưng chúng con có biết khi nào thì
chúng ta có ánh sáng tâm linh để ra khỏi bóng đêm
của tâm hồn không?" Thấy họ bối rối,
ngài liền nói: "Khi chúng ta nhận ra những
người xung quanh thực sự là anh chị em của
mình để yêu thương và giúp đỡ họ".
Trong Tin mừng hôm nay, khi thuật về
việc Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời
truyền giáo công khai và kêu gọi các tông đồ
đầu tiên, thánh Matthêô đã giới thiệu Chúa Giêsu
như Đấng đã làm trọn lời ngôn sứ Isaia
đã nói trước đây: " Dân ngồi trong tối
tăm đã thấy ánh sáng lớn lao; và kẻ ngồi
trong vùng bóng tối sự chết, một ánh sáng đã
rạng lên" (Mt 4:16 & Is 9:1).
Theo đó, Chúa Giêsu chính là ánh sáng đem
lại sự sống thần linh và tình yêu hiệp nhất
cho nhân loại, ánh sáng tâm linh mà vị linh sư muốn nói
đến trên đây, như chính Chúa đã tuyên bó sau này : "Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai
theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng
nó sẽ có ánh sáng sự sống" (Jn 8:12) Thực
vậy, Chúa Giêsu đã dạy mọi người nhận
biết Thiên Chúa là Cha duy nhất và hết thảy mọi
người là anh chị em của nhau nên phải thực
sự yêu thương hiệp nhất với nhau.
Sứ điệp đầu tiên của Chúa
Giêsu thực là ngắn ngủi vì được tóm gọn
trong một câu: "Hãy hối cải vì Nước
Trời đã gần bên" (Mt 4:17)
Sự hối cải mà Chúa Giêsu muốn mói
đến ở đây chính là việc chúng ta phải
bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, ganh
tương, đố kỵ, chia rẽ để
bước vào ánh sáng ban ngày của yêu thương và hiệp
nhất. Vì tội lỗi suy cho cùng chính là
sự phá hủy liên hệ yêu thương hiệp nhất
giữa Thiên Chúa và con người, để từ đó
dẫn đến sự chia rẽ rạn nứt nơi
chính nội tâm con người và giữa con người
với nhau.
Chúa Giêsu đến trần gian
không có mục đích gì khác hơn là khôi phục lại
sự hiệp nhất hài hòa giữa Thiên Chúa và nhân
loại, giữa con người với nhau, và chính nơi
tâm hồn mỗi người. Sự hiệp nhất
trong tình yêu này chính là lý tưởng của Chúa Giêsu và là
điều Ngài hằng tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha
để trở nên hiện thực như lời cầu
nguyện hiến tế của Ngài :
"để hết thảy chúng nên một" (Jn 17:21)
Và Chúa Giêsu đã phải trả
giá cho sứ mạng này bằng sự sống, sự
chết và sự sống lại của chính Ngài. Ngài đã trở thành chính sự hiệp nhất
giữa Thiên Chúa và con người, cũng như là nguyên lý
tạo thành sự hiệp nhất giữa con người
với nhau và nơi chính bn thân mỗi người.
Chấp nhận Chúa Giêsu có nghĩa là chấp nhận ánh
sáng sự sống, ánh sáng dẫn ta bước đi trên
con đường yêu thương hiệp nhất.
Các môn đệ đầu tiên
được Chúa kêu gọi trong Tin mừng hôm nay là
những người được mời gọi
sống tinh thần yêu thương hiệp nhất ấy.
Thời gian các ông theo Chúa là thời gian
các ông được Chúa huấn luyện để
hối cải từ một lối sống chia rẽ, ghen
tương, đố kỵ đến một cuộc sống
yêu thương hiệp nhất. Dấu chỉ của
người môn đệ Chúa Kitô cũng không gì khác hơn
là tình yêu hiệp nhất: "Chính nơi điều này mà
mọi người sẽ biết các ngươi là môn
đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu
mến lẫn nhau" (Jn 13:35).
Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng
được đánh dấu bằng tình yêu hiệp
nhất này: "Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí
chuyên cần lui tới Đền thờ, bẻ bánh ở
nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn
thành" (Acts 2:46)
Theo gương Chúa Giêsu, trong bài học hai
của thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô - vị tông đồ
dân ngoại - đã kêu gọi các tín hữu tiên khởi
sống tinh thần yêu thương hiệp nhất trong
đời sống cộng đoàn và tỏ dấu quan tâm về
sự chia rẽ bè phái đang diễn ra nơi họ. Thánh
Tông đồ viết: "Hỡi anh em, nhân Danh Chúa chúng ta,
Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được
đồng ý với nhau hết thảy, đừng
để có sự chia rẽ trong anh em, nhưng hãy đoàn
kết trong cùng một tâm trí, cùng một quan
điểm" (1 Cor 1:10).
Trong ánh sáng của Chúa Kitô, thánh Phaolô nhận
ra tất cả tín hữu đã liên kết chặt chẽ
với nhau và làm nên một thân thể duy nhất nơi Chúa
Kitô nhờ Thần khí Người. Tất
cả mọi sự chia rẽ trong cộng đoàn Hội
thánh đều là những hành động chia cắt chính
Chúa Kitô. Sự chia rẻ bè phái xảy ra trong Hội
thánh ở Corinthô là vì các tin hữu không đặt trọn
niềm tin vào Chúa Kitô nhưng lại dựa vào uy thế
của các vị lãnh đạo khác nhau. Đây
là dấu chỉ cho thấy đức tin của các tín
hữu ở đây còn là một đức tin ấu
trĩ què quặt, một đức tin chưa
trưởng thành vì không dựa vào Chúa Kitô mà chỉ bám vào
tình cảm cá nhân dành cho người này hay người khác.
Mới đây,
một giáo dân ở một giáo xứ nọ cho tôi hay là bà
và gia đình cảm thấy chán nản buồn rầu
bỏ cả xưng tội chịu lễ như muốn mất
đức tin chỉ vì có sự thay đổi cha xứ,
vì linh mục ở giáo xứ bà không làm gương về
sự yêu thương hiệp nhất như các ngài
thường giảng, và vì có sự chia rẽ bè phái trong
giáo xứ.
Tâm sự của bà đã cho thấy niềm
tin của bà chưa phải là một niềm tin
trưởng thành vì còn lệ thuộc quá nhiều vào tư
cách của các chủ chăn mà chưa đặt trọn
nơi Chúa Kitô. Nhưng sự kiện này
cũng cho thấy sự yêu thương hiệp nhất là
yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống
của một cộng đoàn Kitô hữu. Thiếu yêu
thương hiệp nhất, đời sống cộng
đoàn trở nên buồn nản và có thể dẫn
đến sự tan rã của cộng đoàn. Vì vậy,
bổn phận của mỗi người trong cộng
đoàn Kitô hữu là phải dấn thân hy sinh để xây
dựng tình thương và hiệp nhất trong gia đình
và cộng đoàn, phải quên mình và từ bỏ những
ý riêng để gìn giữ sự hiệp nhất trong Chúa
với tha nhân.
Khi thấy sự hiệp
nhất yêu thương của gia đình, cộng đoàn
hay giáo xứ bị suy thoái và tổn thương, mỗi
người cần phải xét mình và cố gắng từ
bỏ tất cả những gì có thể làm thiệt
hại đến sự hiệp nhất yêu thương.
Việc bỏ bê các việc đạo đức hay các
sinh hoạt trong cộng đoàn và nhất là việc nói hành
nói xấu nhau lúc này không giúp ích gì mà chỉ gây thêm tội
trước mặt Chúa. Trái lại, đây là lúc mỗi
người trong cộng đoàn càng phải khiêm
nhường và khoan dung nhẫn nại hơn trong cách
đối xử với nhau, phải nỗ lực tha
thiết hơn trong đời sống cầu nguyện, và
phải siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh thể
là nguyên lý của sự hiệp nhất trong cộng
đoàn để xin Ngài tái tạo và củng cố sự
hiệp nhất nơi cộng đoàn.
Lạy Chúa Giêsu
là ánh sáng tái tạo hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con
người cũng như hiệp nhất giữa con
người chúng con với nhau, nhờ lời Mẹ Maria
chuyển cầu, xin Chúa giúp chúng con được ơn
hối cải đểtừ bỏ tất cả
những cảm nghĩ, lời nói và hành động nào có
thể làm tổn thương sự hiệp nhất
của chúng con với Chúa và với nhau. Xin Chúa giúp chúng con
biết nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất
trong mọi môi trường chúng con sống. Xin soi sáng cho
chúng con nhận biết rằng mọi người chúng con
là anh chị em với nhau vì có cùng một Cha trên trời, và
cùng là chi thể của nhau, để chúng con luôn sống
như những người con thảo của Chúa Cha và
những chi thể đích thực của Nhiệm thể
của Chúa. Amen.
|