Con Chiên của
Chúa
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu
An)
Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế
nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với
cộng đoàn: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng
xoá tội trần gian", ngài lặp lại lời Gioan
Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với môn
đệ: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng mà thầy
vẫn nói với các con đó (x.Ga 1,29-34).
Tại sao
gọi Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa"?
1. Chiên bị sát tế để hy sinh đền
tội thay cho con người
Người Do Thái có tục sát tế chiên
trên bàn thờ để thờ phượng, cảm
tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền
tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời
Abel, con trai thứ của Ađam. "Aben làm nghề
chăn chiên" (St 4,2) nên để thờ phượng và
tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, "Aben dâng những con
đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của
chúng" lên Ngài (St 4,4).
Đến thời dân Do Thái vượt qua
Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người
Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung
cửa (x.Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà
trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi
khung cửa đều bị chết đứa con trai
đầu lòng (x.Xh12,29-30). Chỉ có người Do Thái
nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế.
Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên
chết thay người.
Về sau, tại đền thờ, các
tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con
chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con,
chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm
của lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-46). Đúng ra
ai phạm tội thì chính người ấy bị
phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình
phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa
nhân lành không muốn con người phải chết: "Ta
không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn
nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed
18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải
đền; nên để con người còn được
sống mà ăn năn hối cải, Thiên Chúa chấp
nhận cho con người lấy chiên đền mạng.
Như vậy chiên bị sát tế là để chết thay
cho con người lẽ ra phải chết vì tội
lỗi mình.
Các tiên tri trước Gioan đã nói về
người tôi tớ kỳ diệu của Thiên Chúa
một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết
như một con chiên. Isaia mô tả: "Người đã
bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm
tốn chịu đựng, như một con chiên sắp
bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề
thốt ra một lời. Người bị bắt,
bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết...
Người đã phải chết vì tội lỗi chúng
ta"(Is 53,7-8); "Người đã mang lấy tội
muôn người và can thiệp cho những kẻ tội
lỗi"(Is 53,6-7.12).Những lời của tiên tri Giêrêmia
cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu:
"Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi
giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính
những điều độc ác chống lại tôi"(Gr
11,19).
2. Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa" bị sát tế
để cứu nhân loại
Theo lẽ thường, gọi Đức
Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để
cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu
chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị
giết chết để đền tội thay cho con
người, tương tự như những con chiên
bị sát tế trong đền thờ để chết
thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy
trước số phận tương lai của
Đức Giêsu như thế nên giới thiệu cho
mọi người: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng
xoá tội trần gian". Đức Giêsu đã trở thành
chiên hy sinh: "Đức Kitô đã chịu hiến tế
làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta"(1Cr 5,7). Sách
Khải Huyền cũng dùng đến 27 lần từ
"Con Chiên" để chỉ về Đức Giêsu,
thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu
chết vì tội lỗi chúng ta.
Thánh Phaolô viết: "Nếu máu các con dê, con
bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ
trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng
hiệu lực hơn biết mấy" (Dt 9,13-14).
Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần
chết một lần là đủ xóa được
tội lỗi toàn nhân loại: "Chúng ta được
thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình
làm lễ tế, chỉ một lần là đủ' (Dt
10,10), vì Ngài là "Con Chiên vẹn toàn, không tỳ
vết" (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên
Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng.
"Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu
thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben"
(Dt 12,24). "Nhờ máu Người đổ ra trên
thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi
loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Cl
1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ,
hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là
những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô,
con chiên không tì vết.
3. Đấng xóa tội trần gian.
Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan
Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói:
"Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội
trần gian" (Ga 1,29). Giới thiệu như thế,
Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại
lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên
Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa
tội trần gian.
Khi gọi Đức Giêsu là "Chiên của
Thiên Chúa", Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng
vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là "Đấng
xóa tội trần gian", Gioan chỉ cho mọi
người thấy Đức Giêsu chính là Đấng
Cứu Thế, Đấng Messia, là "tôi tớ đau
khổ của Giavê" như tiên tri Isaia đã từng nói
đến trong Cựu ước.
Hai thực tại này gắn liền với
nhau nơi con người và sứ mạng của
Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa
nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của
thế gian. Như con chiên được dùng làm của
lễ đền tội trong Cựu ước phải
chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu
đau khổ và chịu chết để trở nên
của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con
chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình
bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là "Chiên
Thiên Chúa", Đấng duy nhất thực sự xóa
tội cho con người, Đấng duy nhất đem
lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con
Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không
một lời thở than, mới đền thay
được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô
tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.
Đức Giêsu xóa tội của thế gian
bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất
cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ
Ađam cho đến tội của người sau hết
của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái
chết đau thương tủi nhục trên thập giá,
Ngài đã đền thay tội lỗi của tất
cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã
được giao hòa với Thiên Chúa, được
sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã
được mở lại cho tất cả mọi người.
Mặc dù chúng ta là người tội
lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu
của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn
tiệc Thánh Thể.
Người tín hữu thường
được gọi là "con chiên của Chúa". Danh
hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc:
Mong cho người tín hữu được xếp vào
loại "chiên" trong ngày phán xét. Được
đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào
hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh
hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một
ước mong. Ước mong người tín hữu
sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong
những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn
đi vào con đường hiền lành khiêm nhường.
Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình
như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước
mong đoàn chiên gánh lấy số phận của
người khác, để yêu thương, đoàn kết,
liên đới, chia sẻ với anh em tất cả
mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
|