Chiên Thiên Chúa
(Trích từ http://vi.radiovaticana.va
– Suy niệm của Hà Thanh Bình)
Trong thời buổi mà người ta
ngóng trông Đấng Cứu Thế, Gioan đã xuất
hiện, rao giảng và làm phép rửa. Mọi người
đều ngỡ rằng ông Gioan là đấng phải
đến, đấng Mê-si-a họ hằng mong
đợi. Tuy nhiên, Gioan đã không dùng uy
tín đó để nâng cao chính mình, ngược lại, ông
đã dùng uy tín của ông để làm chứng và giới
thiệu Đức Giêsu cho người khác.
Chúa Giêsu không cần lời chứng
từ một con người, nhưng vì lợi ích của
con người, Ngài cần có một người làm
chứng. Ngài nói: Phần tôi, tôi không cần lời
chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những
điều này để các ông được cứu
độ (Ga 5,34). Dưới mắt con
người, uy tín của những người danh giá
vẫn giá trị hơn nhiều lời của những
con người chưa có một tiếng tăm nào. Khi Đức Giêsu mới ra mắt dân chúng thì Gioan
đã có một uy tín khá lớn. Vì
thế, lời chứng của Gioan hết sức giá
trị. Uy tín của Gioan đã
được chứng thực bởi chính đời
sống của ông. Đời sống
đó đã làm chứng cho ông về những công việc
ông làm và những lời ông rao giảng. Khi
đã có được uy tín đối với dân chúng, ông
dùng chính uy tín đó để thi hành sứ mạng. Thay vì ngày càng tích lũy uy tín và vụ lợi cho
riêng mình, Gioan đã dùng nó để lót đường
chuẩn bị cho Đấng thật sự phải
đến.
Gioan làm chứng với uy tín của ông,
nhưng ông đã không làm chứng cho Đức Giêsu nhân danh
con người, nhưng nhân danh Thiên Chúa. "Tôi đã thấy
Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và
ngự trên Người. Tôi đã không
biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi
đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi:
"Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên
ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa
trong Thánh Thần". Tôi đã thấy, nên xin
chứng thực rằng Người là Đấng Thiên
Chúa tuyển chọn". Ông đang rao
giảng về Thiên Chúa và giờ đây ông nhân danh Thiên Chúa
để giới thiệu và làm chứng về một Con
Người được Thiên Chúa tuyển chọn.
Gioan đã giới thiệu ai và giới
thiệu gì để ông phải tuyên bố long trọng
đến thế? Quả thật, Gioan đã giới thiệu
một người với một nội dung chưa
từng có trong lịch sử nhân loại. Ông nói
về Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây
Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Gioan
đã giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa.
Hình ảnh con chiên gợi lên cho người ta nhiều
điều.
Trước hết, lùi lại thời
Thiên Chúa giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập,
nhờ máu chiên bôi trên cửa mà các con trai đầu lòng
của Israel được bảo
vệ. Trong đêm họ
thoát khỏi Ai Cập, thiên sứ đã đi sát hại các
con đầu lòng người Ai Cập, và máu của con
chiên bôi trên cửa nhà là dấu chỉ để biết là
có người Israel ở đó, và thiên sứ sẽ
vượt qua; nhờ đó họ thoát được
cơn hủy diệt (Xh 12, 11-13). Đức
Giêsu được ví như Chiên Thiên Chúa, và chỉ một
mình Ngài mới có thể giải thoát cho chúng ta. Kế
đến, hình ảnh con chiên gợi nên hy lễ mỗi
ngày được hiến tế trong Đền Thờ.
Dù đời sống có bao nhiêu thiếu thốn,
người ta vẫn hiến tế chiên con trong
Đền Thờ mỗi ngày để làm lễ chuộc
tội. Con chiên được đem đi hiến tế
để đền tội thay cho dân. Vì
thế, Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hiến tế chính
mình để trở nên lễ đền tội thay
mọi người.
Thêm vào đó, nét đặc trưng
của con chiên là sự hiền lành. Ngôn sứ Isaia đã loan báo về
Đấng Mê-si-a hiền lành: Bị ngược đãi,
người cam chịu nhục, chẳng mở miệng
kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như
cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề
mở miệng (Is 53, 7). Điều này sẽ
được ứng nghiệm cách hoàn hảo trong
cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài trở
thành một con Chiên hiền lành bị đem đi làm
thịt mà không một tiếng kêu ca. Ngài lại còn xin tha
cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34).
Đức Giêsu quả thật là Chiên
Thiên Chúa, Ngài còn là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Ngài đã gánh vào mình tội lỗi
của tất cả nhân loại, để qua cuộc
khổ nạn và phục sinh của Ngài, Ngài đã xóa đi
gánh nặng tội lỗi đè nặng lên con
người.
Có một
câu chuyện thương tâm rằng: Một cô gái đang có
người yêu bị một kẻ lạ mặt hãm
hiếp và đã có thai. Cô
khổ tâm vô cùng vì bị người yêu khước
từ và gia đình ngờ vực. Cô đã đến
gặp Đức Cha Fulton Sheen than thở với ngài và
hỏi ngài: "Tại sao con phải ra nông nỗi này?"
Sau khi lắng nghe với tất cả sự cảm thông,
Đức Cha ôn tồn trả lời cô gái: "Vì chị
đã phải gánh tội của một người".
Rồi Đức Cha Sheen kết luận: Nếu chỉ vì
phải gánh tội của một người mà cô gái kia
phải đau khổ buồn sầu như thế, thì khi
phải gánh chịu tội của cả nhân loại Chúa
Giêsu đã phải chịu đau khổ buồn sầu
biết chừng nào!
Gánh lấy hết tội lỗi con
người mà mang vào thân mình, đó là cái giá mà Con Thiên Chúa
đã phải trả cho tình yêu đối với con
người. Chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa nơi Đức
Giêsu, Đấng đã trở nên Chiên Thiên Chúa để xóa
bỏ tội trần gian, chúng ta cũng được
mời gọi tháp nhập vào Con Chiên Giêsu để trở
nên những con chiên của Thiên Chúa, và sống xứng
đáng với ơn gọi của mình là một con chiên
của Thiên Chúa.
|