Thiên Chúa của
các dân tộc.
(Trích trong
“Niềm vui chia sẻ”)
Một linh mục thừa sai Pháp
tên là Henri, đi truyền giáo ở Gabon, Phi Châu. Nhân dịp
lễ Giáng sinh, cha Henri về nghỉ ở nhà người
chị ruột thuộc gia đình Delvart. Ngài đem theo
một đứa bé da đen mồ côi được ngài
nuôi từ nhỏ và rửa tội với tên thánh là Giacôbê.
Trong gia đình chị của ngài cũng có đứa con
trai tên là Giacôbê, đồng trang lứa với cậu bé
Giacôbê da đen. Hai đứa trẻ quen nhau dễ dàng và
người lớn chỉ còn phân biệt chúng qua hai màu da:
Giacôbê đen và Giacôbê trắng. Đứng bên hang đá,
Giacôbê trắng cố gắng giải thích cho bạn Giacôbê
đen của mình hiểu được vẻ đẹp
của mầu nhiệm Giáng sinh, từ Bêlem cho đến
chuồng bò, máng cỏ chiên lừa, đến cả
giấc mộng của Thánh Giuse, rồi kết thúc với
hình ảnh Mẹ Maria, Mẹ của hết mọi người.
Giacôbê đen nghe Giacôbê trắng
một cách chăm chỉ. Nhưng cậu bé da màu sầm
mặt xuống, thoáng lộ vẻ buồn. Cậu hỏi
như than thở với bạn:
- Bạn trắng ơi! Bạn
thật may mắn.
- Sao vậy?
- Bạn có Chúa Giêsu da trắng, có
một người mẹ ở nhà đây rồi lại có
thêm một người mẹ ở trên Thiên đàng
nữa.
- Nhưng ăn thua gì, bạn
trắng đáp lại. Chúa Giêsu là Chúa của hết
mọi người và Mẹ Maria cũng là Mẹ của
hết mọi người kia mà. Nhất là Mẹ của
những đứa con thơ ấu côi cút như bạn.
Nhưng Giacôbê đen không yên tâm.
Cậu bé vừa đưa tay chỉ tượng
Đức Mẹ vừa buồn rầu nói: Đức
Mẹ trắng tinh, còn mình thì đen thui!
- Bạn trắng nói: Có hề gì,
Đức Mẹ đâu có căn cứ vào màu da.
- Chứ còn gì nữa, bạn
đen cãi lại. Người mẹ trắng thì làm sao có
đứa con đen.
Thế rồi sáng ngày 24 tháng 12
người ta thấy Giacôbê trắng một mình từ
dưới kho đi lên, tay cầm một cái lon nhỏ và
một cây cọ, tiến về phía nhà thờ. Cậu
bước ngay tới máng cỏ, tại đây với lon
sơn đen, cậu biến tượng Chúa Hài
Đồng da trắng thành một Chúa Hài Đồng da
đen, y như màu da của bạn Giacôbê đen vậy.
Giáng Sinh năm ấy, cả
họ đạo vừa ngạc nhiên thích thú, vừa vui
vẻ sốt sắng đón mừng Chúa Giáng Sinh có sắc
da màu. Còn Giacôbê đen không ngớt nở nụ cười
để lộ hai hàm răng trắng toát. Em sung
sướng nghĩ rằng: với Chúa Hài Đồng da
màu, em cũng có được một bà mẹ da màu trên
Thiên đàng.
Một câu
chuyện giữa hai trẻ nhỏ nhưng lại mang
một ý nghĩa cho người lớn chúng ta trong ngày
lễ Hiển Linh hôm nay: Chúa
Giêsu giáng trần không riêng cho một ai, một dân tộc
nào, nhưng là cho hết mọi người, mọi dân
tộc: da trắng, da đen, da đỏ, da vàng. Ngay
trong ba đạo sĩ tìm đến hang đá Bêlem
người ta cũng thấy có một vị da màu. Có
thể nói, lễ Hiển Linh
là Lễ Thiên Chúa đến với mọi người. Với
biến cố Thiên Chúa Giáng Sinh làm người trong hang
đá Bêlem, Thiên Chúa như phá đổ mọi hàng rào
ngăn cách mà con người đã xây dựng nên: hàng rào
kỳ thị, kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo,
giai cấp… Bởi đó, mọi người trong chúng ta
phải cộng tác với Thiên Chúa làm bừng sáng lên
mầu nhiệm này. Chúng ta phải là ánh sao dẫn
đường cho người ta đến với Chúa.
Thời
đại chúng ta, Chúa không dùng lời ca của các thiên
thần hoặc ánh sao của ngôi sao lạ để
giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới. Chính mỗi
người chúng ta được mời gọi đóng
vai “nhà đạo sĩ” để chiêm ngắm khuôn
mặt Chúa Giêsu rồi loan truyền về Ngài cho anh em khác.
Phương thức tốt nhất để làm
điều đó là nói và hành động như Đức
Giêsu. Cha mẹ là “nhà
đạo sĩ” thích hợp
nhất để trình bày khuôn mặt Chúa Giêsu cho con cái mình.
Các thầy, cô giáo là những người cộng tác
với “các nhà đạo sĩ”. Các nhà truyền giáo: giáo dân, tu
sĩ, linh mục, là những “nhà
đạo sĩ” đi
đây đó để giới thiệu Chúa Giêsu cho
những người khác.
Mới đây,
cuộc triển lãm mỹ thuật với chủ
đề: “Đức Giêsu Kitô
trong hội họa” tại Tòa Giám Mục thành phố
Hồ Chí Minh từ đầu Mùa Vọng vừa bế
mạc, quả là một cuộc giới thiệu Chúa Giêsu
cho mọi người. Đã có hàng vạn lượt
người đến xem, kể cả người ngoài
Công Giáo và các tôn giáo bạn, đặc biệt là các bạn
trẻ. Nhiều bạn đã ghi lại những dòng
cảm tưởng chất chứa nhiều cảm xúc,
chẳng hạn: “Tôi là một
con chiên lạc của Chúa. Trong chiều nay sau một
cơn mưa, tôi đã được tĩnh lặng
để ngắm nhìn những tác phẩm hội họa
về Đức Giêsu với những cảm xúc lắng
đọng nhất. Tôi yêu con người Giêsu và
Đức Chúa Giêsu” (Tường Tường, 5.12.96, trang
45). Một bạn sinh viên khác đã viết: “Con không biết gọi
Người là gì, không biết Người là ai vì con không
phải là đạo Thiên Chúa. Nhưng hôm nay con tin là có
Người, có Người từng hiện hữu trong
thế giới này, và có Người trong tâm hồn con ngày
hôm nay và mãi về sau. Con xin cám ơn tất cả những
điều con được biết ngày hôm nay, cám ơn
tất cả, con cám ơn Người cho con lòng tin”.
(Hồ Thị Phương Nga, SV năm 3 ĐH. kiến
trúc TPHCM. 10.12.96 trang 87) v.v… Cuộc triển lãm đã
đem lại nhiều kết quả thầm kín bất
ngờ.
Một khi khám
phá ra gương mặt đích thực của Đức
Giêsu, chúng ta hãy đem Chúa ra giới thiệu cho mọi
người. Còn có biết bao người đang sống
trong tăm tối thiêng liêng, họ đang lầm lũi
bước đi trong lầm lạc. Họ đang khao khát
chân lý. Họ không ngớt đặt vấn nạn với
chúng ta: “Đức Vua dân Do Thái
sinh ra ở đâu?” Cũng chính là câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?” vậy
thì, hỡi các kitô hữu, hãy trả lời cho họ
đi, Đức Giêsu Kitô là ai? Nhưng xin đừng
mở sách Kinh Thánh ra nói như một nhà thông thái. Chắc
chắn họ không xin chúng ta một Đức Kitô đóng
khung trong sách vở, nhưng là một Đức Kitô
sống động qua con người của chúng ta. Không
có con đường nào khác đưa người ta
trở về hoặc khám phá ra Đức Giêsu Kitô ngoài con
đường Tin Mừng đã vạch: con
đường yêu thương. Chính tình yêu là sức
mạnh khiêm tốn nhất nhưng lại mãnh liệt
nhất để đưa con người đến
với nguồn chân lý, nguồn tình yêu và sự sống.
Như ánh sao
dẫn đường ba đạo sĩ lên
đường đến với Chúa Giáng Sinh, chúng ta hãy
từ bỏ những lời nói trống rỗng, những
công thức, những khuôn mẫu có sẵn và tìm Chúa trong
mọi biến cố cuộc đời, để từ
đó chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em đồng bào
bằng chính cuộc sống của chúng ta.
|