Tỏ mình
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay
đều qui về một điểm chính là: “Thiên Chúa
mạc khải chính Ngài cho tất cả mọi
người”, không phân biệt ai, cho dù người Do thái
hay kẻ ở ngoài Kitô giáo, như các đạo sĩ
từ Phương đông đến. Nhưng đáp
lại, không phải tất cả mọi người
đều đáp lại ơn Chúa mà chấp nhận
từ bỏ cuộc sống của mình, từ bỏ
cuộc sống theo tính hư nết
xấu của mình để đến gặp và sấp
mình khiêm tốn thờ lạy Chúa. Thiên Chúa mạc khải
cho con người, cho tất cả mọi người
bằng nhiều cách khác nhau.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay,
nhất là bài Phúc âm trình bày cho chúng ta thấy hai con
đường, hai thái độ đáp trả lời
mời gọi của Thiên Chúa. Con đường thứ
nhất là con đường mạc khải chính thức
trong lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực
hiện trong lịch sử của dân Chúa. Con
đường thứ hai có thể nói là con
đường tự nhiên qua các biến cố xảy ra
trong thiên nhiên, trong vũ trụ, trong sinh hoạt hàng ngày
của con người. Và chúng ta cũng nhìn
thấy hai thái độ chấp nhận của các
đạo sĩ từ phương xa và thái độ
từ chối lơ là không màng chi đến việc
đón nhận Chúa như vua Hêrôđê và các thầy
thượng tế tại Giêrusalem. Kinh Thánh đã
chỉ cho họ biết, và họ thuộc lòng Kinh Thánh
để biết rằng: Con Thiên Chúa sẽ Giáng sinh
tại Belem, nhưng họ lơ là hoặc quá say mê
hưởng thụ những lợi lộc vật chất
mà không chấp nhận từ bỏ, không chấp nhận
ra đi đến nơi Thiên Chúa chờ sẵn để
gặp họ, để gặp Con Người. Tệ hơn nữa, vua Hêrôđê lại sợ
rằng Chúa đến để chiếm lấy quyền
của ông, làm cho ông mất danh vọng, mất quyền
hành, mất địa vị. Chính vì thế mà ông
đã ngấm ngầm muốn hại Chúa, nên ông đã cho
triệu tập riêng các đạo sĩ lại để
hỏi cặn kẽ về ngày giờ, để rồi
như chúng ta đã biết là sau đó, khi vua Hêrôđê
đã thấy các đạo sĩ không trở lại
với mình nữa, thì nhà vua đã tức giận và ra
lệnh giết tất cả các hài nhi trong vùng, trong
khoảng từ hai tuổi trở xuống. Ông hy vọng
rằng trong số các hài nhi bị
giết chết đó có Con Thiên Chúa, có Đấng mà
người ta gọi là Đấng Thiên sai, Đấng
đến để hướng dẫn dân tộc Do thái,
để cứu rỗi nhân loại.
Mừng lễ ba vua hôm nay hay nói
được là lễ Hiển linh, lễ Chúa tỏ mình
ra cho các dân tộc, cho tất cả mọi người. Lễ này chúng ta có thể
nói là bổ túc cho lễ Giáng sinh mà chúng ta đã mừng
trước đây.
Lễ Giáng sinh nhìn trên một
phương diện nào đó chúng ta có thể nói đó là
lễ Chúa mạc khải chính mình Chúa, Chúa đến
với dân tộc của Ngài là dân tộc Do thái, và lễ
Hiển Linh là Chúa đến với dân tộc ngoài Do thái,
với tất cả mọi người và cách thức Chúa
đến với họ khác với điều họ mong
ước. Chúa đến với họ
bằng một đứa trẻ mới sinh nghèo hèn, không
ai chấp nhận. Chúa đến với họ trong
nghèo hèn, trong khiêm tốn, trong âm thầm ngoài tưởng
tượng của những người đáng lẽ ra
phải nhận biết Chúa như vua Hêrôđê, các
đạo trưởng, luật sĩ trong dân Do thái
thời đó.
Thiên Chúa dùng mọi phương thế,
mọi con đường, để đến với
mọi người ở trong cũng như ở ngoài Giáo
Hội Chúa. Con
đường của mạc khải Lời Chúa qua
lời giảng dạy của Giáo Hội cũng như con
đường của các biến cố trong thiên nhiên,
trong cuộc sống hằng ngày để nhắc chúng ta
rằng, Ngài đang đợi ở nơi đó, Ngài
đã hẹn trước với chúng ta để mong
gặp chúng ta. Nhưng chúng ta có đáp lại lời
mời gọi của Chúa hay không? Ta có đủ can
đảm như các nhà đạo sĩ thực hiện
một cuộc phiêu lưu từ bỏ nếp sống
hưởng thụ vật chất, từ bỏ ngôi nhà
vinh quang để đi gặp Chúa hay không?
Trở về cách đây hơn 2000
năm thì chúng ta thấy rằng, phương tiện di
chuyển thời đó đường xa và không có nơi
cư ngụ tiện nghi như ngày nay. Và để đi đường xa
như vậy, từ một vùng đất xa lạ
đến một xa lạ khác, và đi tìm một con
người mà không ai trong ba nhà đạo sĩ này có
thể biết trước là ở đâu, thì các vị
đạo sĩ này hẳn đã phải cố gắng
thật nhiều, và có lòng can đảm khác thường
để liều lĩnh chấp nhận những cuộc
hành trình và đích điểm còn mơ hồ chưa xác
định được. Các ngài đã
chứng tỏ cho chúng ta thấy là ơn Chúa đã
chiến thắng nơi các ngài. Để lên
đường đi tìm Chúa, các ngài đã can đảm
chấp nhận những hy sinh, những liều lĩnh,
cốt sao là tìm được trẻ thơ như trong
giấc chiêm bao.
Nhìn về mỗi người chúng ta,
chúng ta cũng có thể nói: mỗi người chúng ta
đã được Thiên Chúa dựng nên để
hướng về Ngài, tâm hồn luôn khao khát hướng
về Thiên Chúa và khi Thiên Chúa cho ta biết Ngài đến
gặp gỡ chúng ta, muốn gặp ta qua những biến
cố trong cuộc sống hàng ngày, thì liệu chúng ta có
đủ can đảm chấp nhận hy sinh như các nhà
đạo sĩ để ra đi để gặp
gỡ Chúa hay không? Chúa đến với chúng ta, Chúa tìm chúng
ta trước với những ơn lành của Ngài,
những ơn soi sáng trực tiếp cũng như dấu
chỉ mời gọi xảy ra trong cuộc sống, trong
lịch sử của chính chúng ta cũng như lịch
sử của dân tộc, của quốc gia và cả trong
những biến cố lịch sử thế giới.
Thiên Chúa đi tìm con người
để đưa con người trở về với
Ngài. Nhưng mỗi người chúng ta có thành tâm thiện
chí, có can đảm đủ để nhìn ra những
dấu chỉ, những lời mời gọi của Chúa
hay không? Hay chúng ta nuôi dưỡng những thiện chí
đó trong suốt cuộc hành trình giữa những khó
khăn mà chúng ta gặp phải hoặc chúng ta bỏ
dở nửa chừng vì những khó khăn đủ
loại cản bước chúng ta tìm Chúa. Hay chúng ta sợ
Chúa đến tách mất khỏi chúng ta những lợi
lộc vật chất, những vinh quang, những uy
quyền mà chúng ta đang hưởng như vua Hêrôđê.
|