THÀNH
TÂM THIỆN CHÍ SẼ GẶP CHÚA.
Suy niệm của
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Lễ Hiển Linh là lễ
Chúa tỏ mình ra. Việc
Chúa sinh ra được loan báo cho mọi người biết
dưới nhiều hình thức khác nhau như: lời các
ngôn sứ loan báo từ nhiều thế kỷ trước,
đạo binh thiên thần ca hát, ngôi sao lạ xuất hiện…
Tuy nhiên không phải ai cũng gặp
được Chúa.
Có những người
không gặp Chúa, dù biết rõ những chỉ dẫn
về Người.
Đó là những kinh sư, biệt phái. Họ hiểu biết
Thánh Kinh. Khi ba nhà đạo sĩ đến
hỏi thăm, họ đã đọc vanh vách lời ngôn sứ
loan báo Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Nhưng họ không gặp được Chúa, vì họ
hiểu biết lý thuyết mà không thực hành. Ngồi một chỗ mà không chịu lên đường.
Chỉ chú ý tới chữ nghĩa sách vở mà không chú ý tới
cuộc sống con người. Chỉ tìm
trong sách vở mà không tìm những dấu chỉ trong đời
thường.
Đó là Hêrôđê. Bạo
vương này muốn tìm Chúa nhưng không gặp Chúa, dù ông
có binh hùng tướng mạnh trong tay. Ông không gặp Chúa vì ông tìm Chúa không phải vì Chúa
mà vì quyền lợi của ông. Ông tìm
Chúa không phải để thờ lạy nhưng để
giết chết. Ông tìm Chúa không phải
để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh bản thân.
Ông tìm Chúa không phải để làm theo ý
Chúa nhưng để bắt Chúa phải theo ý ông. Vì thế
Chúa đã vượt thoát khỏi tầm tay
của ông. Vĩnh viễn ông không gặp
được Chúa.
Những người xem ra gần gũi nhất, hiểu biết nhất, có
phương tiện nhất đã không gặp được
Chúa. Trái lại, những người có vẻ
nghèo hèn, thiếu thốn phương tiện, xa xôi cách trở
lại gặp được Chúa. Đó
là các
mục đồng và đặc biệt ba nhà đạo
sĩ mà ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay.
Họ đã gặp Chúa vì
họ đã lên đường. Dù không biết lời tiên tri loan báo,
không biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng
khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường
ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ
ngoan ngoãn tuân theo ơn Chúa soi sáng. Lên đường nói lên thái độ dấn
thân. Lên đường nói lên lòng
cương quyết đi tìm. Lên
đường là chấp nhận gian khổ để
đạt được điều mơ ước.
Họ lên đường
và đã gặp Chúa vì lòng họ khao khát. Khao khát chân lý nên đêm đêm họ
không ngừng quan sát bầu trời tìm kiếm ánh sao, vì thế
cả một bầu trời bao la, chỉ một ánh sao lạ
xuất hiện, họ đã nhận biết. Khao khát chân
lý nên khi Chúa vừa tỏ mình qua dấu hiệu ngôi sao, họ
đã vội vã theo sát dấu ánh sao
đi tìm. Khao khát gặp Chúa nên khi ánh sao vụt
biến mất, họ đã không nản lòng, quyết tâm dò
hỏi cho ra.
Họ đã gặp Chúa vì tâm hồn họ
đơn
sơ thành thực. Đi
tìm Chúa chứ không tìm bản thân. Đi
tìm Chúa để thỏa lòng khao khát chân lý chứ không để
thỏa mãn những tham vọng đen tối. Đi tìm Chúa để thờ lạy Chúa chứ
không vì lợi lộc cá nhân. Với tâm hồn
đơn sơ, họ đã nhận ra ý Chúa, dù ý Chúa chỉ
nhẹ nhàng qua một ánh sao. Với tâm hồn đơn
sơ, họ đã nhận ra chính Chúa, dù Chúa có ẩn thân
dưới hình dáng một em bé yếu ớt nghèo nàn, trong
khung cảnh rất tồi tàn của chuồng bò hôi hám.
Đời sống đạo
của tôi cũng là một cuộc đi tìm Chúa. Tôi sẽ chỉ gặp được
Chúa nếu tôi noi gương ba vua, có tâm hồn đơn sơ thành thực, có lòng khao khát Chúa vì chính
Chúa, và dám dấn thân thực hành những điều Chúa truyền
dạy, đặc biệt là giới răn bác ái, phục
vụ Chúa trong những anh em nghèo khổ.
Lạy
Chúa, xin chỉ cho con đường lối của Chúa.
Amen.
KIỂM
ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1.
Tại sao những kinh sư,
biệt phái và Hêrôđê không gặp được Chúa?
2.
Có những người ngoại
đạo thành tâm thiện chí như ba vua. Bạn
đã gặp ai như thế chưa? Bạn
nghĩ gì về họ?
3.
Muốn gặp Chúa, bạn phải
làm gì?
4.
Ba vua nhờ ngôi sao dẫn
đến gặp Chúa. Bạn phải làm gì
để trở thành ngôi sao đưa người khác
đến với Chúa?
(Suy niệm của Thanh Thanh - Tinvui.org)
I. Chú giải
- Địa lý: Belem, nơi Chúa sinh ra là một
thôn làng nhỏ cách Giêrusalem 6 dặm về phía nam. Itrael thời ấy bị
đế quốc Rôma đô hộ. Hêrôđê được
Rôma bổ nhiệm cai trị xứ
Paléttin 40 năm trước công nguyên. Ông nổi
tiếng là người tàn bạo.
- Dân chúng: thời đó họ
tin rằng mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh.
Ba nhà đạo sĩ đến từ vùng Tiểu
Á. Họ là những người thông thái. Sở trường của họ là nghiên cứu về
khoa chiêm tinh và được xem là cố vấn của nhà
vua về đời và đạo. Họ theo ánh sao đi tìm sự xuất hiện của
một Đấng Cứu Thế.
- Lễ vật:
Ù Vàng: thời xưa, vàng có tính cách quý báu
và cao sang, chỉ dành cho vua chúa. Vàng có ý nói hài
đồng Giêsu là Vua.
Ù Nhũ hương: trầm hương
chỉ dùng trong việc tế lễ. Hơn
thế nửa, trầm hương ở đây nói lên sự
ca ngợi và thờ lạy. Trầm
hương có ý nói Chúa hài đồng là Thiên Chúa.
Ù Mộc dược: mộc dược
dùng để chữa lành người bệnh và tẩm liệm
thi thể người chết thời đó. Mộc dược
nói lên nhân tính của hài nhi và cái chết
sau này của Chúa Giêsu.
II. Con
đường đức tin
1. Hành trình của các đạo sĩ là
hình ảnh minh họa cho hành trình cho mọi người tin:
- Đường đức
tin đầu bằng một điều gì đó lạ
lùng khiến người ta chú ý, như ánh sao lạ chẳng
hạn, dấu lạ này mời gọi ta từ bỏ nếp
sống đã quen để dấn thân đi tìm một cái
gì đó cao hơn, tốt đẹp hơn.
- Kế đến là những bước
thăng trầm trong cuộc hành trình, như ánh sao có lúc sáng
tỏ trên bầu trời, có lúc nó vụt biến mất. Nhưng nếu ta kiên trì tiến bước thì cuối
cùng ta sẽ gặp được Chúa.
2. Tiến bước
Có người ngồi một
chỗ như Hêrôđê. Nhưng cũng có người đi tìm kiếm
như đạo sĩ, lên đường như Abraham.
Chúa ở đâu? Ở khắp mọi nơi: trong làng
quê heo hút, trong xóm làng, trong gia đình nghèo khó, trong những
người ta gặp gỡ hằng ngày, nhất là những
người đói khát, bệnh tật. Thiên
Chúa ở nơi những người biết mở lòng
đón nhận Ngài. Muốn biết Ngài ra sao thì: “Khi Ta
đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các người
đã cho Ta uống… Ta bảo các ngươi: mỗi lần
các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ
nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta"
(Mt 25,35-40).
Các luật sĩ, các thầy
thượng tế hiểu kinh thánh lắm chứ,
nhưng họ chỉ biết trưng dẫn, còn thực
hành thì không. Hay Hêrôđê
thì dùng Kinh Thánh để tìm cách giết Hài nhi, còn các các
đạo sĩ thì, bản thân chẳng biết Kinh Thánh,
chỉ được Hêrôđê chỉ dẫn, đã lên
được tìm kiếm Đức Giêsu và họ đã gặp
Người
3. Khó khăn và thuận lợi
Nhà đại thiên văn Kepler khám phá ra
rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng
bất bình thường xảy ra giữa các vì sao. Ông nói về
hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: Bình thường chúng vẫn
quay cách đều nhau. Năm đó chúng sáp lại gần
nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng
hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia,
tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài
đến cả mấy tháng.
"Chúng tôi đã thấy ngôi sao của
Người xuất hiện bên phương Đông" (Mt 2,2).
Người xưa cho rằng ngày ra
đời của các vĩ nhân thường
được báo hiệu bằng sự xuất hiện của
các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh thường nghiên cứu những
chuyển động của các vì tinh tú để đoán
biết định mệnh con người. Vì
thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ
đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu
Thế, Vua dân Do thái.
Thực sự, người Do thái đã
trông đợi Đấng Cứu Tinh từ nhiều thế
kỷ, Đấng ấy được ví như một
vì sao từ Giacóp, như có lời trong Kinh thánh: "Một
vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương
trượng chỗi dậy từ Israel" (Ds 24, 17). Tiên
tri Mikha cũng đã tiên báo: "Hỡi Bêlem Épratha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc
Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen
" (Mk 5,1).
Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa
để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa
về đất hứa, thì Người cũng có thể
dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ
đến Belem để gặp Đấng Cứu Tinh.
Thế nhưng, thật trớ trêu là: vị Cứu Tinh xuất
hiện sau bao thế kỷ đợi chờ, dân Do thái lại
thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh
sư thì dửng dưng thụ động, cho dù họ hiểu
Kinh thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu
Thế. Hêrôđê lại còn hoảng hốt vì sợ ngai
vàng của mình bị lung lay.
Đại diện cho lương dân, là
đạo sĩ hăng hái lên đường
tìm kiếm. Nên sau này, Đức Giêsu đã phải thốt
lên: "Từ phương Đông phương Tây, nhiều
người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ
phụ Ápraham, lsaac và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng
con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ
tối tăm bên ngoài" (Mt 8,11-12).
Lễ Hiển linh hôm nay giúp ta nhìn lại
chính mình:
Nếu ta đang đi
trong bóng tối của gian dối, hận thù, thì hãy trở
thành ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu
thương. Nếu thế
giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn
phiền, thất vọng thì ta hãy là những ánh sao của
niềm vui, an bình và hy vọng.
Chúa gọi ta: "Chúng con là ánh sáng thế
gian" (Mt 5, 14), thì đó là một vinh dự vô cùng lớn
lao, nhưng cũng là một trách nhiệm
nặng nề. Ta đừng nguyền rủa bóng tối,
nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến
sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha,
để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình
yêu Chúa.
Ta hãy tin vào Lời Chúa. Tin là dựa vào
Chúa để dấn thân và vượt qua gian nan thử thách.
Các đạo sĩ khi nhìn thấy ánh
sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Đấng
Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên
đường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi
đâu. Khi ánh sao biến mất họ không thất
vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi kiếm tìm.
Hành trình của họ là hành trình Đức
tin, con đường của họ là con đường
thánh giá. Để trắc nghiệm
đức tin, cần phải xem phản ứng lúc đau
khổ và thử thách, chứ không phải lúc đời lên
hương, thuận buồm xuôi gió.
III. Truyện
minh hoạ, ông vua thứ tư
Có một truyền thuyết cho rằng
những người khách từ phương Đông tìm
đến thờ lạy Chúa Hài Đồng là 3 vị vua,
tên là Gaspar, Balthasar và Melchior. Có một truyền
thuyết khác lại cho rằng ngoài 3 vị ấy, còn một
vị vua thứ tư nữa, tên là Artaban. Sau đây là truyền thuyết về ông vua thứ
tư ấy.
Cũng như 3 vị vua kia,
Artaban thấy ngôi sao lạ. Sau khi chuẩn bị lễ vật
gồm một viên bích ngọc, một viên hồng ngọc
và một viên ngọc trai, ông lên đường đến
điểm hẹn cùng 3 vị kia. Tuy nhiên dọc đường ông gặp một
người bị thương nặng nằm bên vệ
đường, ông dừng lại đưa người
đó đến một quán trọ và nhờ người
chăm sóc. Khi đến điểm hẹn thì 3 vị
kia đã đi mất rồi.
Đến Bêlem cũng trễ, Thánh Giuse
và Đức Maria đã đem Chúa Hài đồng lánh nạn
sang Ai cập. Artaban đành tìm một quán trọ
để nghỉ đêm. Trong quán ông gặp
một người đàn bà bế một đứa trẻ
mới 1 tuổi đang sợ hãi trốn tránh cuộc lùng
bắt của đám lính Hêrôđê. Dù vậy,
cuối cùng đám lính cũng tìm tới. Artaban ra cửa gặp chúng và đưa viên hồng
ngọc để chúng khỏi vào trong quán. Ông rất buồn vì lễ vật định dâng
Chúa Hài Đồng chỉ còn có mỗi một viên ngọc
trai. Viên bích ngọc cũng đã đổi lấy lạc
đà để đi qua sa mạc.
Ông tiếp tục lên đường
tìm Chúa Hài Đồng. Nhưng ông luôn bị trễ: nghe tin
Đức Giêsu đang ở đâu ông đều tìm đến,
nhưng khi đến nơi thì Ngài đã đi nơi khác. Khoảng 30 năm sau, ông đến Giêrusalem.
Ông hốt hoảng khi nghe tin người ta sắp đem
Đức Giêsu đi đóng đinh trên đồi Golgotha. Ông vội vã tìm đến,
hy vọng là với viên ngọc trai còn lại, ông có thể
cứu sống Ngài. Tuy nhiên trên đường
đến Golgotha, ông gặp một cô gái
đang bị quân lính rượt bắt. Cha của cô thiếu nợ
quá nhiều nên người ta định bắt cô để
bán làm nô lệ trừ nợ. Artaban đưa viên ngọc
trai ra, và quân lính để cô gái được tự do. Giờ
đây Artaban chỉ còn đôi bàn tay trắng.
Chiều hôm ấy, khi mặt
trời bắt đầu lặn, một cơn động
đất khiến các nhà cửa đều rung rinh. Một viên ngói rơi trúng
đầu ông. Thế là ông chết
trước khi đến được ngọn đồi
Golgotha. Ông đã không gặp được Đức Vua
mà bao nhiêu năm qua ông đã khổ cực tìm kiếm.
Vâng, tuy không gặp được Chúa
theo cách thức mình muốn, nhưng xét về đường
đức tin thì Artaban đã thực sự gặp
được Chúa, vì bao nhiêu năm nay Ngài đã ngự trị
trong lòng ông. Ngài đã làm cho lòng ông thành quảng
đại, dạy ông làm những việc bác ái và luôn duy trì
niềm hy vọng trong suốt cuộc hành trình của ông.
|