Gọi tên ngày lễ
- ĐGM Vũ Duy Thống
(VỚI
CẢ TÂM TÌNH – Trg. 31)
Trong dịp tĩnh tâm Mùa Vọng ở
một giáo xứ, có người bạn trẻ đã nêu
lên câu hỏi liên quan đến Thánh Lễ hôm nay: “Tại
sao ngày nay Phụng Vụ không sử dụng tên gọi
lễ Ba Vua nữa? Phải chăng rốt cuộc
chẳng có ông vua nào đến viếng Hang đá cả?”.
Câu hỏi ấy trực tiếp về
mặt kiến thức, không khó trả lời; nhưng gián
tiếp về mặt tâm linh, lại hé mở cho thấy
đức tin hôm nay xem ra đang có nhu cầu tìm hiểu. Đã đành, hiểu chưa phải
là tin hay chưa hẳn đã tin, nhưng một phần nào
cũng góp phần dẫn tới đức tin cho
người chưa tin, đào sâu đức tin cho
người đã biết, và cũng quan trọng không kém là
củng cố sức mạnh cho những niềm tin
đang ở trong tình trạng nhạt nhòa.
Niềm tin là một công trình còn phải
dựng xây và là một hành trình còn phải tiếp tục. Trên cơ sở ấy, xin đi vào Thánh Lễ hôm
nay.
1) Từ
tên gọi “lễ Ba Vua”…
Đây là tên gọi quen dùng đối
với tín hữu Việt Nam, để chỉ về
việc các Đạo sĩ Đông Phương tìm
đến Hang đá viếng Chúa Hài Đồng. Gọi là
vua vì họ là những bậc quyền quý đến
từ phương Đông theo nhãn giới của bài đọc
thứ nhất; và xác định con số ba vì có ba sắc
dân được nói đến trong Isaia 60, mà cũng vì
lễ vật tiến dâng được liệt kê ba món
rành rành là vàng, nhũ hương và mộc dược,
như chuyện kể của Phúc Âm. Để rồi
cứ thế theo truyền thống, Ba
Vua đã trở nên tên gọi cho ngày lễ.
Nhưng điều quan trọng không
phải là lo xác định họ là vua hay không phải là
vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn
nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống
động của tất cả những ai trong
đời đã có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm
Thiên Chúa khởi đi từ những thiện hảo
tốt lành, để rồi với sự trợ giúp
của ơn thánh, tới lúc Chúa muốn và bằng muôn ngàn
cách thế linh động theo sáng kiến của Ngài,
họ sẽ được dẫn tới gặp gỡ
Đấng họ nỗ lực tìm kiếm.
Dưới cái tên gọi “lễ Ba Vua”,
chính là một thiện chí tìm kiếm đức tin. Nhưng cũng dưới tên gọi ấy, trong
bối cảnh của trang Tin Mừng, người ta
lại còn thấy cả một đối chứng đau
lòng. Trong khi dân ngoại từ xa, dẫu chẳng
hề biết đến lời hứa để mà hy
vọng, chẳng hề có được giao ước
để mà tin tưởng, và cũng chẳng hề
được dẫn đường bởi lề
luật, nhưng lại chân thành tìm kiếm và sẵn sàng
vượt qua những chặng đường gian
khổ để mà tìm gặp; thì ngược lại, dân
Do Thái ở gần, dẫu có tất cả thuận
lợi của một truyền thống dài lâu chờ mong
Đấng Cứu Thế, lại không mảy may kiếm
tìm, và tệ hại hơn nữa, còn xôn xao về chính
việc Chúa đến, không phải vì hối hận
về việc mình không sẵn sàng, mà vì lo ngại rằng
Chúa đến sẽ đặt dấu chấm hết cho
cả một cơ chế họ đã bao đời
gầy dựng. Không lạ gì nếu cơ chế ấy
đã sản sinh ra những khuôn mặt như Hêrôđê!
Hóa ra, Ba Vua tìm Chúa với lễ vật
lòng thành, khi về đã thấy mình là những kẻ tin;
còn Hêrôđê tìm Chúa với ác tâm tận diệt, mãi mãi
sẽ thấy mình chỉ là một bạo chúa.
2) …
Đến tên gọi “lễ Hiển Linh”…
Mặc dù tên gọi “lễ Ba Vua”
vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính, nhưng ngày nay
Phụng Vụ thích sử dụng tên gọi “lễ
Hiển Linh” hơn, chẳng phải vì tên gọi đó nghe
kêu hơn hoặc hiểm hóc hơn, cũng chẳng
phải để tránh né những câu hỏi không cần
thiết về những chi tiết nhiều khi chỉ làm
cho ngày lễ thêm rườm rà; mà thật ra là để
làm nổi bật lên ý định mầu nhiệm chung
nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Đó là: Ngài
muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người,
mọi thời, bất luận họ là ai và ở đâu,
miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài.
Nếu “Ba Vua” là tên gọi nói lên
thiện chí của con người, thì “Hiển Linh” là danh
xưng khẳng định hồng ân của Thiên Chúa.
Thiện chí thôi, dẫu rất lớn, vẫn chỉ là
khởi điểm; nhưng chính hồng ân
Hiển Linh mới là kết điểm mở ra những
mùa gặp gỡ. Và tới phiên mình, mỗi
lần gặp gỡ tại kết điểm hành trình,
lại là một khởi điểm mới cho hành trình tìm
kiếm mới, với những thiện chí mới
nhằm vươn lên những đỉnh cao mới.
Và gặp gỡ như thế là một
cuộc đổi đời. Vì thiện chí luôn tìm kiếm hồng ân, mà cũng vì
hồng ân luôn đợi chờ một
thiện chí biến đổi cuộc đời. Ba Vua
gặp Chúa với cả tâm tình được thể
hiện qua những lễ vật tiến dâng, họ đã
được soi sáng để theo
đường khác mà về nhà. Và ở
đó sẽ là những cuộc Hiển Linh mới trong
đời sống thường ngày.
Gặp ai thì cũng có thể gỡ ra
được, nhưng thiện chí con người một
khi đã gặp được Thiên Chúa vốn từ bao
giờ đã sẵn tỏ mình ra, thì sẽ không thể
gỡ ra được nữa. Người ta thành người nhà
của Thiên Chúa, và trong mắt nhìn của Phaolô,
người ta dẫu xa cũng hóa gần, dẫu lạ
cũng nên quen, dẫu gốc gác thế nào đi nữa
“cũng cùng được thừa hưởng gia
nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân
thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (bài
đọc thứ hai). Hiển Linh chính là tên
gọi khác của mầu nhiệm Nhập Thể, của
danh xưng Emmanuel và của bốn mùa gặp gỡ.
3) … Để dẫn tới sứ điệp
đời sống.
“Lễ Ba Vua” hay
“Lễ Hiển Linh”, mỗi tên gọi có những
bước nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng
chỉ là một mầu nhiệm gặp gỡ mà Thiên Chúa
từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ biết
kiếm tìm. Thế nên đây không chỉ là
một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một
sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày
sẽ tới. Chúa vẫn tỏ mình,
nhưng vấn đề là người ta có thiện chí
đến gặp Ngài không.
Hôm qua đã có một nghịch lý là
những kẻ đến gặp Chúa đều là
những kẻ thành tâm như các mục đồng tại
Bêlem, như cụ già Simêon tại Đền Thánh, như
những Đạo sĩ hôm nay từ xa đến; còn toàn
thể xã hội tôn giáo Do Thái lại hầu như vắng
bóng, hay nếu có thì chỉ như một lực cản
đáng buồn. Thế đấy! điều
tưởng như thuận lợi lại là một
cạm bẫy dẫn tới sự thảm bại, còn
điều tưởng chừng như bất lợi
lại trở nên lợi thế cho việc gặp Chúa. Liệu nghịch lý ấy hôm nay còn có mặt trong
đời sống đức tin của cộng đoàn
cũng như của mỗi cá nhân?
Trả lời câu hỏi ấy với
quyết tâm khởi hành trên con đường mới, thiết
tưởng sẽ là một điều tích cực trong Mùa
Giáng Sinh. Nhưng điều tích cực hơn của ngày
lễ hôm nay không chỉ là sứ điệp hoán cải, mà
chính là lời mời gọi mở rộng tấm lòng, mà
trân trọng tất cả những người không cùng
chia sẻ một niềm tin với mình, bởi lẽ họ
cũng có chỗ đứng trong tấm lòng hiển linh
của Chúa. Ơn cứu độ là phổ
quát. Và nếu nét đặc trưng của lễ
Hiển Linh là ánh sao dẫn đường, thì trách
nhiệm của những kẻ đã được
gặp gỡ Thiên Chúa sẽ không chỉ thu hẹp trong
đời sống cá nhân tu thân tích đức, mà còn
hướng tới sứ vụ đối với
những kẻ lân cận mình. Những chứng tá
đức tin cậy mến, những gương sáng
đời sống gia đình, những nỗ lực
thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ
thể soi đường truyền giáo.
Nếu mỗi kẻ tin là ánh sao, con
đường gặp gỡ biết bao sáng ngời, và
lời tiên báo của tiên tri Isaia sẽ nên hiện thực
hiển linh cho đời.
Tóm lại, khởi đi từ cách
hiểu về tên gọi của ngày lễ để
dẫn tới đời sống đức tin, đó là
chủ đích của những điều chia sẻ trên
đây. Nhưng
từ hiểu biết đến đức tin, khoảng
cách vẫn không nhỏ. Chính Phúc Âm hôm nay
là một kinh nghiệm. Xin đừng
để kinh nghiệm ấy mãi còn là một nghịch lý
không thể vượt qua. Nhưng hãy để kinh
nghiệm ấy biến thành những kinh nguyện
quyết tâm mở sang cuộc sống mới. Và đó chính là cách gọi tên cụ thể một
ngày lễ.
|