Hôm nay, vai trò của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, qua Phúc Âm của Thánh ký Gioan sau Tuần Bát Nhật Giáng Sinh và trước Lễ Hiển Linh, vẫn tiếp tục vai trò làm chứng của mình cho Chúa Kitô là Đấng đến sau mình, hơn là vai trò dọn đường cho Người như trong các bài Phúc Âm Nhất Lãm ở hai tuần giữa trong Mùa Vọng hướng về Giáng Sinh.
Nếu trong bài Phúc Âm hôm qua Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã thực hiện vai trò làm chứng của mình về Chúa Kitô đến sau mình bằng việc giới thiệu Người với chung dân Do Thái thì trong bài Phúc Âm hôm nay ngài giới thiệu Người với riêng thành phần môn đệ của ngài: "Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa".
Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả giới thiệu với các môn đệ của ông về Chúa Giêsu là Đấng đến sau ông cũng bằng một danh xưng như ông đã giới thiệu với chung dân Do Thái đó là danh xưng "Chiên Thiên Chúa", nhưng ở hai môi trường khác nhau: với chung dân chúng thì vào ngày hôm trước còn với các môn đệ của mình thì vào "ngày hôm sau" (Gioan 1:35); với chung dân chúng khi "Chúa Giêsu tiến đến với ông" (Gioan 1:29), còn với các môn đệ của ông khi "Chúa Giêsu đang đi".
Như thế, căn cứ vào Phúc Âm của Thánh ký Gioan chúng ta có thể suy ra rằng ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở Sông Jordan như được các Thánh ký của bộ Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại thì Người chưa vào hoang địa ngay, trái lại, hai ngày sau đó Người vẫn còn lẩn quẩn ở gần đó: ngày thứ nhất - "the next day" (Gioan 1:29), nghĩa là sau ngày Người lãnh nhận Phép Rửa (xem Gioan 1:31-34), Người trở lại với Tiền Hô Gioan Tẩy Giả một lần nữa, và sang ngày thứ hai - "the next day" (Gioan 1:35) Người đi ngang qua chỗ của Tiền Hô Gioan; chỉ cho tới "ngày thứ ba - the third day" (Gioan 2:1) Người mới ở một nơi khác là Cana Xứ Galilêa, và có lẽ sau biến cố Cana này Người mới chay tịnh 40 đêm ngày...
Chúng ta không biết được lý do tại sao Chúa Giêsu vào ngày thứ hai sau khi lãnh nhận Phép Rửa lại "đi ngang qua" chỗ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, nhưng có thể suy đoán rằng Người muốn tỏ mình ra cho mấy người môn đệ đầu tiên của Người, trong đó có 2 người môn đệ của vị tiền hô này, để nhờ họ có thể "thấy vinh hiển của Người", đề tài chính yếu của những ngày trước Lễ Hiển Linh, nghĩa là Người bắt đầu tỏ mình ra một cách đặc biệt cho một thiểu số để họ biết Người là ai.
Đó là lý do, tác dụng thần linh xuất phát từ việc "Người đi ngang qua", không dừng lại, không để ý nhìn ai, không lên tiếng kêu gọi người nào, đã khiến cho"hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu", có lẽ chỉ vì tò mò muốn biết Người là ai mà được sư phụ của các vị hết sức trân trọng và tôn vinh như thế. Và lòng mong ước của các vị, cho dù tò mò, cũng rất hợp với ý Chúa, Đấng muốn lợi dụng chính cái tò mò tự nhiên ấy mà tỏ mình ra cho họ để nhờ đó họ có thể "thấy vinh hiển của Người", có thể biết Người là ai. Bởi thế nên "Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: 'Các ngươi đang tìm kiếm gì vậy?'".
Chính thái độ chủ động qua câu hỏi mở đầu và dẫn lối này đã cho thấy ý định muốn tỏ mình ra của Chúa Kitô, để rồi, khi những con người muốn đến với Người công khai chính thức bày tỏ ý định của họ: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?", hay "Thày từ đâu đến?" hoặc "Thày là ai?", Người mới khách quan mời gọi họ: "hãy đến mà xem", nghĩa là hãy cứ đến với Người, ở với Người hay giao tiếp với Người, thì họ sẽ tự cảm nghiệm thấy Người là ai đối với họ.
Đúng thế, được mời gọi mở đường như thế, "họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười", để rồi nhờ đó cuối cùng họ đã nhận ra Người là ai, và sau đó họ chẳng những thú nhận và tuyên xưng rằng "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô" mà còn làm chứng cho người khác thấy chân lý chính yếu làm nên chính căn tính của Người và về Người ấy để cùng nhau "thấy vinh hiển của Người".
Thành phần tin nhận "Con Thiên Chúa", Đấng đã "hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) để trở nên "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian", như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong bài Phúc Âm hôm qua đã chứng nhận và giới thiệu với chung dân chúng, và chỉ có "Con Chiên Thiên Chúa" là chính "Con Thiên Chúa" ấy mới có thể xóa tội trần gian, mới có thể nhờ đó triệt hạ ngụy thần cùng quyền lực sự chết của chúng, như Thánh ký Gioan xác tín trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá hủy công việc của ma qủy".
Như thế, "vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" đây là gì, nếu không phải là các linh hồn được cứu độ, thành phần "đã được nhìn thấy vinh hiển của Người", đã chấp nhận ơn cứu chuộc của Người, và như hai môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong bài Phúc Âm hôm nay, đã mong muốn đến với Người, đã đáp ứng tác động thần linh của Người, đã ở với Người và đã nhận biết Người để có thể làm chứng về Người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL