Bài
thánh ca hát mừng Chúa Giáng sinh
(Is 9,1-6;
Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)
Lễ Giáng sinh có
thể nói được là lễ của âm nhạc. Thật
thế, chưa có một cuộc lễ nào trong lịch
sử nhân loại đã là nguồn cảm hứng dồi
dào cho âm nhạc cho bằng lễ Giáng sinh, và mãi mãi sẽ
còn những bài ca bất hủ về lễ Giáng sinh. Kỳ thực, lễ Giáng sinh cũng chính là
một bản nhạc bất hủ Thiên Chúa dành cho con
người. Nếu như âm nhạc là
một sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh và sự
thinh lặng, thì mầu nhiệm của Thiên Chúa làm
người cũng chính là một thứ âm nhạc.
Thánh Gioan tông
đồ, người đã chiêm ngắm mầu nhiệm
ấy, người đã sống mầu nhiệm ấy,
đã diễn tả bằng một câu nói ngắn gọn
như sau: "Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục
thể". "Ngôi Lời đã hóa thành
nhục thể" nghĩa là đã hóa thành một
người trong chúng ta. Ngài đã
sống giữa chúng ta. Ngài đã nói
thứ ngôn ngữ vào thời đại của Ngài. Những lời của Ngài đã được
ghi chép lại và quảng bá khắp cùng thế giới
từ 2,000 năm qua. Lời ấy
đã được dịch ra trên 5 ngàn thứ ngôn ngữ
và thổ ngữ khác nhau trên khắp thế giới.
Và những lời ấy đã trở thành ánh sáng và
lương thực cho tất cả nhân loại.
Thế nhưng
trước khi bắt đầu cuộc sống công khai,
trước khi mở miệng để lại cho chúng ta
những lời vàng ngọc, thì Chúa Giêsu đã sống trong
thinh lặng. Thinh lặng của hang đá Bêlem và nhất
là thinh lặng trong suốt ba mươi năm tại
Nagiarét. Là Lời hằng sống của Thiên
Chúa, là Lời đã hóa thành nhục thể, Chúa Giêsu đã
bắt đầu cuộc sống bằng sự thinh
lặng. Tại sao thế? Thưa, bởi vì Ngài không những nói với chúng
ta bằng lời nói, mà Ngài còn nói với chúng ta bằng
sự thinh lặng nữa. Ngài nói
với chúng ta bằng tất cả cuộc sống
của Ngài. Qua sự thinh lặng
của cuộc sống ấy, Chúa Giêsu muốn nói với
chúng ta rằng Ngài trở thành một người trong nhân
loại, Ngài trở thành thân thiết với mọi
người và mỗi một người sinh ra trong cõi
đời này. Ngài muốn nói với chúng ta rằng
sự sống của con người là một giá trị
thánh thiêng bất khả nhân nhượng, bất khả
xâm phạm. Ngài muốn nói với chúng ta rằng mỗi con
người sinh ra trong thế gian này dù xấu xa, thấp
hèn, mạt rệp đến đâu cũng đều
được đóng ấn tình yêu của Thiên Chúa,
cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng
đều là con cái của Thiên Chúa. Phẩm giá cao cả
ấy, Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta
qua cuộc sống thinh lặng, lam lũ,
nghèo hèn của Ngài, cũng như qua những kết thân
của Ngài với những người bị xã hội
đẩy ra bên lề.
Chúa Giêsu đã sinh ra
cách đây hơn 2,000 năm. Sự hiện hữu
của Ngài là sự hiện hữu có giới hạn.
Giới hạn trong một không gian, một
thời đại, giới hạn trong một cách
sống. Chúa Giêsu đã không hề là
một người chồng, Chúa Giêsu không hề là một
người cha trong gia đình. Chúa Giêsu
cũng chưa từng sống trong một xã hội
thuộc xã hội chủ nghĩa. Thế
nhưng, cuộc nhập thể làm người của Ngài
không hề chấm dứt với cái chết của Ngài.
Như một bản nhạc bất hủ,
mầu nhiệm Ngôi Lời hóa thành nhục thể vẫn
tiếp tục tái diễn trong lịch sử nhân loại.
Lễ Giáng sinh không chỉ đến mỗi
năm một lần, nhưng tiếp tục
được cử hành trong từng giây phút của
cuộc sống chúng ta.
Thật thế, có
lễ Giáng sinh là khi chúng ta để cho Ngài được
sinh ra và lớn lên trong tâm hồn chúng ta. Có
lễ Giáng sinh, là khi chúng ta để cho Lời của Ngài
thấm nhập vào cuộc sống của chúng ta và
biến đổi chúng ta. Có lễ Giáng
sinh, khi chúng ta tiếp nhận ra ý nghĩa cuộc
đời này cho dẫu chúng ta phải trãi qua biết bao
nhiêu đắng cay, chua xót trong cuộc sống này. Có lễ Giáng sinh, khi chúng ta nhận ra hình ảnh
cao quý của Thiên Chúa trong mỗi một người anh em
của chúng ta. Và có lễ Giáng sinh, khi
chúng ta làm một nghĩa cử cho anh em của chúng ta.
Bài thánh ca hát mừng Chúa Giáng sinh đó không
chỉ được cất hát lên mỗi năm một
lần, mà phải là khúc hoan ca trong từng phút giây cuộc
sống chúng ta.
Nguyện xin Lời
của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể cũng
tiếp tục nhập thể trong từng tâm tư, suy
nghĩ, hành động và cư xử của chúng ta
để mỗi người chúng ta bằng lời nói
cũng như bằng chứng tá thinh lặng, chúng ta
trở thành lời cho mọi người, chúng ta trở
thành âm nhạc cho mọi người.
|