Thiên Chúa ở cùng
chúng ta
Bản văn này
khơi lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, chúng ta có thể
thắc mắc tại sao Matthêu, ngược lại
với Luca, đã trình bày khuôn mặt của Giuse chứ
không phải của Maria như là người đón
nhận tin báo của Thiên Chúa về cuộc sinh hạ
Đấng Cứu Độ Israel. Chúng ta có
thể tự hỏi đâu là những động lực
thúc đẩy Giuse muốn lìa bỏ hôn thê của mình (vì
bản văn không nêu rõ những động lực này).
Chúng ta một lần nữa có thể đặt vấn
đề (rất phổ biến gần đây) về
sự trình bày các chi tiết lịch sử ở đây
nhằm mô tả cuộc sinh hạ đồng trinh và về
ý nghĩa của cuộc sinh hạ đó đối
với niềm tin của chúng ta. Chúng ta có thể xem xét ý
nghĩa của việc đặt tên và ý nghĩa của
cái tên Giêsu -”Chúa Cứu Thế”-
chúng ta cũng có thể đặt vấn đề đâu
là ý định ban đầu của vị ngôn sứ qua
trích dẫn Isaia 7,14 -một câu trích dẫn mang ý nghĩa
rất gây tranh luận ở đây. Song đó là những
vấn đề không thuộc phạm vi
mà bài suy niệm ngắn này muốn đề cập
đến.
Ở đây chúng ta
dành quan tâm đến cái tên “Emmanuel”
-cái tên công bố rằng “Thiên
Chúa ở cùng chúng ta” nơi con người Giêsu này. Rất đáng
đề cập một hàm nghĩa khác nữa của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”,
một hàm nghĩa không hề vu vơ hay
vô căn cứ. Khi chúng ta nói rằng con người –trong
tư cách là một tạo vật- chắc chắn có
mối quan hệ với Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa là Chúa và
là cùng đích của con người -và nếu gạt Ngài
ra thì cuộc sống của chúng ta sẽ mất hết ý
nghĩa, rằng Ngài là Đấng phù trợ và là
Đấng Cứu Độ của chúng ta- chúng ta ở
trong sự quan phòng hồng phúc của Ngài, rằng Ngài
với lòng nhân hậu sẽ thứ tha tội lụy chúng
ta, rằng chúng ta phải trả lời về trách
nhiệm của mình trước toà phán xét của Ngài,
rằng đối với những ai tin vào Ngài, trông
cậy vào Ngài và yêu mến Ngài, Ngài dọn sẵn cho họ
cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu… Khi nói như
thế là chúng ta đã giải thích “Thiên Chúa ở cùng chúng
ta” theo đúng chiều hướng và
đã vận dụng sự thực ấy vào các chiều
kích khác nhau. Thật hồng phúc tuyệt
vời biết bao nếu tất cả mọi
người có thể nhận ra ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ấy trong cuộc
sống của họ. Tất cả
những giải thích ấy cuối cùng đều
được quy hướng –trong niềm hy vọng-
về một mầu nhiệm thâm sâu hơn nữa của
“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Nhưng không một
giải thích nào trong những giải thích nói trên lột
tả được cảm thức tuyệt đối
Kitô giáo về ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Nếu cho rằng
Thiên Chúa gần gũi chúng ta chỉ trong những ân huệ
hữu hạn của Ngài, chỉ trong việc Ngài
đặt chúng ta –là những hữu thể có năng lực
sáng tạo- vào trong thực tại riêng của mình và trong
việc Ngài hướng dẫn thực tại ấy
tới sự hoàn thành định mệnh của nó xuyên qua
sự thứ tha tội lụy chúng ta và sự chuẩn
nhận chung cuộc tình trạng hiện hữu
trưởng thành của chúng ta; nếu cho rằng Thiên Chúa
gần gũi chúng ta chỉ trong mức độ bởi
vì tất cả những thực tại thụ tạo
của con người đều xuất phát từ Ngài và
quy chiếu về Ngài đồng thời nhắc nhở
chúng ta quy hướng về Ngài trong thái độ nhận
hiểu và biết ơn, trong thái độ cầu nguyện
chan hoà cảm mến… nếu chỉ thế thì quả chúng
ta đã sai lầm về bản chất nền tảng
của nhận thức Kitô giáo về “Thiên Chúa ở cùng
chúng ta”.
Chính Thiên Chúa ở
cùng chúng ta. Ngài ở cùng chúng ta bằng chính bản thân Ngài
chứ không chỉ bằng trung gian của những ân sủng hữu hạn ban cho một
tạo vật hữu hạn. Thánh Kinh và Truyền Thống
làm chứng cho bản chất rất độc đáo
của huyền nhiệm chung cục
của cuộc hiện sinh chúng ta, đó là, Thiên Chúa thông ban
chính bản thân Ngài cho chúng ta trong chính thực tại vô
hạn và bất khả thấu hiểu của Ngài. Ngài
trao ban cho ta Thánh Thần của Ngài, Đấng thể
hiện tư tưởng của Thiên Chúa, Đấng chính
là sự sống nội tại của Thiên Chúa. Vì thế Chúa Cha và Chúa Con đến cư ngụ
trong chúng ta, như Chúa Con là một với Chúa Cha từ
đời đời. Chúng ta tham dự
vào thiên tính, chúng ta không còn chỉ là tôi tớ nhưng
đích thực là con ruột của Thiên Chúa, chúng ta sẽ
nhìn thấy và yêu mến Thiên Chúa –không phải lờ mờ
trong gương kiểu như một trung gian tạo
vật- nhưng là một cách trực tiếp diện
đối diện. Vì thế, thần
học truyền thống –nhằm bảo vệ cho bản
chất nền tảng của giáo huấn Thánh Kinh này
khỏi bị giảm trừ dần về sau- đã nói
về “ơn phi tạo”
của việc cảm nhận trực tiếp Thiên Chúa
không thông qua trung gian một thực tại thụ tạo.
Thần học cổ điển nói về sự cư
ngụ trực tiếp của Thiên Chúa Ba Ngôi trong con
người nhân loại và về sự tự thông
truyền của Ngài.
Tất cả những
điều này thoạt nghe có vẻ trừu tượng. Song đó là sự
thật cuối cùng về con người chúng ta, dù chúng ta
đã đạt đến nó và nhận ra nó trong cuộc
hiện sinh bình dị hằng ngày của mình hay chưa. Là những hữu thể hữu hạn, khi chúng
ta sống đóng kín nơi mình mà thôi, chúng ta dễ hàng
phục một xu hướng bất khả kháng
để suy nghĩ một cách thuần tuý hữu hạn
về chính mình và về sự hoàn thành của mình.
Chúng ta có khuynh hướng đánh giá sai lầm về
tiềm năng nơi mình và từ đó thoả mãn với
những gì mà mình trông thấy và sờ thấy
được. Nếu đây chỉ là
vấn đề quan điểm riêng của mình mà thôi thì
hẳn chúng ta không có gì sai trái khi cảm thấy hài lòng
với một hạnh phúc hữu hạn. Nhưng
mọi tội lỗi trên trần gian đều có chung một đặc tính là tuyệt
đối hoá cái tương đối –do đó cho
thấy sự hài lòng nói trên của chúng ta là một thái
độ sai lầm, một sai lầm ta không dễ gì
bứt ra.
Chúng ta không
được phép dễ dãi hài lòng như thế, đây
không chỉ bởi một quy luật ngoại giới nào
đó không cho phép ta (luật này còn khá xa lạ với chúng
ta), mà còn bởi sự kiện rằng Thiên Chúa –trong
bản tính vô hạn của Ngài và với lòng khoan dung nhân
hậu siêu việt của Ngài, đã tự làm cho chính Ngài
trở thành luật nội tại khắc ghi trong bản
tính chúng ta, trước khi ta ý thức về chính mình và
sợ hãi không dám gieo mình vào cõi vô hạn bất khả
thấu hiểu ấy- cái vô hạn vốn lấp
đầy chúng ta tận trong cốt lõi thâm sâu của
hữu thể mình, rồi chúng ta đi tìm náu ẩn trong
những vành đai hữu hạn của cuộc hiện
sinh và cố tìm kiếm hạnh phúc của mình ở đó.
Tuyên bố rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta (như các Kitô
hữu nhận thức một cách đầy đủ) là
nói rằng chúng ta khao khát mấy cũng không vừa trong
nỗi khát khao mà chính Thiên Chúa đã ban tặng cho ta, trong
khát vọng tự do, hạnh phúc, trong khát vọng gần
gũi thân tình, khát vọng hiểu biết, an bình và khát
vọng thành toàn ở chung cuộc. Ngẫm cho kỹ,
mọi sự thái quá mang dấu ấn tội luỵ trong
đời ta chung quy chỉ là một
tình trạng thiếu kiểm soát dẫn ta đến
chỗ coi một thực tại hữu hạn nào đó là
cái không thể thiếu cho hạnh phúc của mình. Một
người như vậy là một người ở trong
tội, bởi vì người ấy không dám thực
hiện bước nhảy –bước nhảy của
niềm tin, của lòng trông cậy và của tình yêu- vào trong
cõi hạnh phúc đích thực khôn cùng và bất khả
thấu hiểu, là chính Thiên Chúa và chỉ là Ngài mà thôi.
Sự diễn
giải có tính trừu tượng như thế về ý
nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” của bản văn Tin
Mừng hôm nay thật ra không xa xăm như ấn tượng
có thể có lúc ban đầu. Sở dĩ ta cảm
thấy xa xăm bởi vì ta vốn xa xăm với “siêu
nhiên tính” của chính mình, tức xa xăm với chính Thiên
Chúa. Bất cứ khi nào chúng ta nghe trong chính mình
tiếng gào réo bất tận đòi tồn sinh, ta cảm
thấy không chấp nhận điều kiện hay
giới hạn nào nữa ngoài một điều rằng
ta là cái vô hạn đang ở chặng khởi đầu
chứ chưa phải ở mức hoàn thành; bất cứ
khi nào ta khắc khoải muốn yêu thương vô
điều kiện bằng một tình yêu rộng mở
hướng về người khác đến độ
dám liều bỏ mình; bất cứ khi nào đứng
trước thật gần bóng tối mịt mù của
sự chết và ta vẫn tin rằng chính cái chết
cũng chỉ là một cái gì hữu hạn –còn niềm hy
vọng sống vĩnh cửu mới là vô cùng… Trong
những cảm nghiệm như thế về cuộc nhân
sinh, ta cảm nghiệm niềm hy vọng và niềm tin
rằng chỉ có Thiên Chúa –chứ không phải bất
cứ một thực tại hữu hạn nào- mới là
sự lấp đầy cho một kiếp người
hữu hạn.
Đó là ý nghĩa
của “ơn phi tạo”. Ân sủng này
được thông ban nơi Đức Giêsu Kitô, tuy nhiên nó
vẫn hoạt động xuyên suốt giòng lịch sử
thế giới và lịch sử nhân loại –biểu hiện
nơi tiềm năng hiện thực hoá thâm sâu nhất
của chính ân sủng này. Vì thế, nó là
cốt lõi nền tảng của mọi cuộc hiện
sinh. Nhưng giáo thuyết về “ơn
phi tạo” không đóng khung ở chỗ chỉ nói lên
một niềm phấn khích khôn tả về tương
lai loài người. Với ơn sủng này, chúng ta
đạt đến chiều sâu nhất của nhận
thức Kitô giáo về con người. Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không
còn chỉ là một mầu nhiệm mông lung, một mầu
nhiệm cứ mãi còn là mầu nhiệm tuyệt
đối ngay cả trong nỗ lực trực tiếp
nắm bắt Ngài; và con người chỉ có thể
cảm nhận được điều ấy khi chính
nhận thức của họ được đổ tràn
tình yêu. Vâng, chỉ tình yêu mới có thể làm cho chúng
ta hiểu ra rằng Thiên Chúa (Đấng là tình yêu) vĩ đại hơn cả cõi lòng mình,
một cõi lòng luôn luôn bỏng cháy niềm khát khao giác
ngộ.
Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” này
không phải chỉ là Thiên Chúa của sự tự do
tuyệt đối (của những quyết định
không còn có thể bị phủ định, và của
những sự sắp đặt tất yếu phải
được nhận chịu trong sự hàng phục vô
điều kiện của tình yêu –một tình yêu biết
cảm mến sự tự do thần linh này đến
mức đó). Đúng hơn, chính sự gần gũi kỳ diệu của Thiên Chúa là nhân
tố đặt nền tảng căn bản cho nền
“luân lý” Kitô giáo. Với số cuộc đổi thay
diễn ra trong lịch sử loài người và trong
cuộc đời riêng mỗi người được
thấy như là không thích đáng nếu lấy bản tính
của con người và của thế giới hữu
hạn này làm thước đo –vì thế, những
đổi thay ấy bị tẩy chay một cách khách quan
bởi những nguyên tắc đạo đức của
con người, nhưng chúng không thực sự phá
đổ mối tương quan tích cực cuối cùng
với Thiên Chúa là Đấng tự trao ban chính Ngài và –do
đó, gần gũi chúng ta đến mức không ngờ.
(Có nhiều tội “khách quan” không bao hàm chút “sai quấy
chủ quan” nào và do đó không gây cản ngại cho ơn
cứu độ –thần học kinh viện đã
khẳng định như thế).
Tuy nhiên, sự
tự do của con người (là cái tác động
đến cơ cấu những nguyên tắc đạo
đức thế trần) không ngừng chống
cưỡng lại Thiên Chúa là Đấng vô cùng gần gũi, cho dù nó không tự đặc tả
nó như vậy. Thế là chúng ta có tội (“tội
trọng”) theo nghĩa Kitô giáo. Tội
không chỉ là đi ngược lại cơ cấu khách
quan của con người và thế giới và qua đó
đi ngược lại các lệnh truyền của Thiên
Chúa là Đấng muốn có những cơ cấu ấy
(dĩ nhiên ý muốn của Thiên Chúa không mâu thuẫn
với bản tính hữu hạn và có điều kiện
của những cơ cấu này); tội còn là nói “không” với chính Thiên Chúa,
Đấng vô cùng gần gũi chúng ta. Đó là lời nói “không” của sự tự do
của con người, qua đó nó chối từ cuộc
phiêu lưu liều lĩnh của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu
của chính mình.
Sống trong sự
gần gũi kỳ diệu của Thiên
Chúa là một cái gì vừa rất khủng khiếp vừa đầy
sức ủi an. Được chính Thiên Chúa yêu
thương cũng thế –đến nỗi quà tặng
đầu tiên và cuối cùng mà ta nhận được
chính là cái vô cùng vượt ngoài khả năng thấu
hiểu của ta. Nhưng ta đâu còn có
sự chọn lựa nào khác. Vì Thiên Chúa ở cùng chúng
ta đây rồi!.
|