Sự công chính của Thánh Giuse
(Suy niệm của
Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Chúa
nhật hôm nay, trước lễ Giáng Sinh, Giáo hội
đề nghị chúng ta nghe "loan báo việc sinh
Đức Giêsu cho Giuse". Mátthêu viết: "Mẹ
Người là bà Maria đã đính hôn với Giuse"
Đính hôn hay thành hôn có nghĩa là "đến với,
phối hợp với một người nào đó,"
chỉ việc chung sống vợ chồng. Cô
thiếu nữ Dothái được đính hôn vào khoảng
tuổi 12, thoát khỏi quyền giám hộ của
người cha để ở dưới quyền giám
hộ của người chồng vào lúc 13-14 tuổi.
Theo phong tục và hôn nhân của người
Dothái, đính hôn đã là thành vợ chồng trước
pháp luật, nhưng việc rước dâu thường
cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời.
Thường thì hai người không chung
sống trước khi rước dâu, nhưng giả
thiết có con với nhau trong giai đoạn này,
đứa con vẫn là con hợp pháp.
Maria đã đính hôn với Giuse,
nghĩa là cả hai như các cặp hôn nhân khác, có dự
tính thành vợ chồng.
Nhưng trước khi hai ông bà về chung
sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
Người ta đặt câu hỏi: Ông Giuse có biết
việc Đức Maria thụ thai bởi quyền năng
Thánh Thần, trước khi Thiên thần báo tin không? Sự công chính của Giuse ở chỗ nào? Theo
nhiều nhà chú giải, Giuse công chính không theo
nghĩa vâng lời lề luật. Vì chẳng có luật nào
buộc phải ly dị người mới đính hôn
(Đnl 22,13-21; 23-27), luật chỉ
dạy ly dị khi hôn nhân đã hoàn hợp (Đnl 24,1). Đàng khác âm thầm ly dị, Giuse lại càng
bất tuân lề luật. Vì chứng thư
ly dị chỉ có giá trị pháp lý, khi mang tính cách chính
thức công khai. Vả lại, ly dị âm thầm như
thế không thể giữ bí mật được lâu,
trong một ngôi làng nhỏ bé như Nadarét. Đàng
khác, nếu Giuse coi Maria vô tội, ta không thể hiểu
được tại sao ông lại nghĩ đến
chuyện ly dị bà, vì pháp luật đâu cho phép. Xét như là hôn phu, ông có bổn phận bảo
vệ hôn thê vô tội, chống lại mọi nghi ngờ
vô bằng cứ của kẻ khác.
Hơn nữa, trong Tin mừng của
Mátthêu, chỉ duy nhất Giuse được gọi là công
chính, tựa như Abel người công chính. Abel công chính không phải theo
luật, vì lề luật chỉ được công bố
với Maisen, nhưng vì kính sợ Thiên Chúa. Vì thế, không
thể cắt nghĩa đức công chính của Giuse " theo luật" được,
nhưng công chính vì kính sợ Thiên Chúa. Nhiều nhà chú
giải cho rằng: Trước khi Thiên sứ loan báo, Giuse
đã biết Maria có thai bởi quyền năng Thánh
Thần, có thể do chính Maria tiết lộ, tâm sự
với người mình đính hôn, hay đúng hơn mẹ
của Maria, theo tập quán Đông phương. Vì thế,
điều làm cho Giuse băn khoăn, không phải vì
tiết hạnh của Maria, song là sự thụ thai huyền nhiệm của nàng.
Trước mầu nhiệm ấy, Giuse nghĩ: Ông không có
quyền đem về nhà một kẻ, Đức Giavê
đã dành riêng cho Người, ông không có quyền làm cha
đứa con không phải là của ông. Ông
nhận ra quyền làm Cha của Trẻ này là chính Thiên Chúa,
còn ông, không được coi như cha của đứa
con đó.
Thật
thiêng thánh! Trước mầu nhiệm ấy, Giuse muốn
rút lui và cẩn thận không muốn tiết lộ mầu
nhiệm thiên linh ấy nơi Maria (Theo Origène và Eusèbe,
từ "deigmatisai" = tiết lộ, không bao hàm ý
nghĩa xấu: tố giác, bêu nhục như từ
Paradeigmatisai; Touon cũng dịch là tiết lộ, bầy tỏ).
Giuse phản ứng như hết thảy mọi kẻ
công chính trong Kinh thánh, trước việc Thiên Chúa can thiệp
vào đời họ: như Maisen cởi giầy
trước bụi gai rực cháy, như Isaia khiếp
đảm trước việc xuất hiện của
vị Thiên Chúa ba lần thánh (Is 6,3-4), như Êlisabét hỏi
tại sao mình được Mẹ Thiên Chúa đến
thăm (Lc 1,39-45), như Phêrô cúi mình thưa: "Lạy
Chúa, xin hãy xa con vì con là kẻ tội lỗi". Tuy nhiên,
"đang khi Giuse toan tính lìa bỏ Maria, thì kìa sứ
thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:
"Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón
bà Maria vợ ông về". Giuse kính sợ
Thiên Chúa, không phải vì lề luật.
|