Giuse, người công chính
(Suy
niệm của Lm. JB.
Hoàng Văn Khanh)
Mở
đầu sách Tin Mừng bằng bản gia phả (Mt 1,1-17), thánh sử Mátthêu muốn giới
thiệu nguồn gốc lai lịch của Chúa Giêsu:
Người là người con của nhân loại, thuộc
dòng tộc vua Đavít, được sinh ra bởi
Đức Maria. Nhưng do đâu mà Chúa Giêsu thuộc dòng
tộc Đavít, vì theo phong tục Do Thái,
người ta không kể phụ nữ để xác
định gia phả. Vậy Maria thụ thai
bởi đâu và đâu là vai trò của Giuse. Trình thuật
truyền tin cho Giuse nhằm minh tỏ Đức Maria
thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần và Đức
Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, con vua Đavít, ứng
nghiệm sấm ngôn Isaia (Is 7,14). Giuse có
nhiệm vụ nhận Đức Giêsu vào tông tộc
của mình, nhờ đó Chúa Giêsu thuộc dòng vua Đavít.
Qua trình thuật này, Mt cũng giới thiệu cho ta một
mẫu gương sống tinh thần vâng phục trong
đức tin : Giuse, người công
chính.
1. Giuse,
người công chính
Giuse đính hôn với Maria như các
thanh nam nữ từ thời bấy giờ. Theo phong tục Do Thái, khi hai
người nam nữ đính hôn, thì đã thành vợ
chồng trước luật pháp, nhưng chưa sống chung; một năm sau đính hôn, chồng
rước vợ về chung sống. Thời
gian đính hôn, muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị.
Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.
Sự
kiện xảy ra là trước khi về sống chung, Maria đã có thai. Giuse
thật khó xử. Tin Mừng viết: “Giuse, chồng
bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên
định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Giuse được
Tin Mừng gọi là “người công chính” theo nghĩa nào ? Trước hết, công chính có nghĩa
là vâng phục lề luật (Rm 4,2; Gl
3,6). Công chính còn được hiểu là lòng xót
thương nhân hậu (St 12,19; Tv 37,21;
Tv 112,4). Theo luật, Giuse phải tố cáo
Maria. Nhưng Giuse lại là người nhân hậu, có
lòng thương xót, không muốn làm nhục người
phụ nữ mà ông rất tin tưởng, mến yêu và kính
trọng; ông không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm
thầm ra đi.
Thứ đến, công chính là hành
động phù hợp với ý Thiên Chúa. Giuse không hề hồ nghi Maria, nhưng
không thể nhận bào thai. Một
mặt, giả như ông chưa biết là Maria thụ thai do quyền năng Thánh Thần, thì
cũng nghĩ rằng đây là một mầu nhiệm. Do
đó lời sứ thần nhằm thông tin sự thật
về bào thai và trao phó cho ông trách
nhiệm đặt tên và làm cha đứa trẻ trước
pháp luật. Mặt khác, giả như ông đã biết là
Maria thụ thai do Thánh Thần, ông
cảm thấy mình bất xứng để đón
nhận hài nhi, nên muốn âm thầm rút lui. Và như
thế, lời sứ thần nhằm xác nhận là
thật điều ông đã biết (dĩ nhiên qua tâm
sự của Maria) và trao cho ông trách nhiệm đón nhận
hài nhi vào dòng tộc của mình.
Dù
giải thích cách nào thì lời truyền tin của sứ
thần cũng nhắm mục đích giải thích cho
biết Chúa Giêsu được thụ thai do quyền
năng Chúa Thánh Thần; Giuse được trao sứ
mệnh đón nhận Người vào dòng tộc vua
Đavít; và Người là Đấng Thiên Sai con vua
Đavít, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã
từng loan báo: “ Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và
sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên
con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt
1,23).
Trước lời truyền của
sứ thần, Giuse chỉ biết vâng phục. Ông không nói lời nào mà chỉ tuân theo cách triệt để. Tin
là vâng phục và dấn thân hành động. Giuse,
cũng như Maria với lời xin vâng, đã hành
động theo mẫu gương của tổ phụ Abraham : vâng phục trong đức tin.
2. Chúa
Giêsu, Đấng Thiên Sai cứu độ
Sứ
thần trao cho Giuse quyền đặt tên cho hài nhi là Giêsu. Quyền đặt
tên đồng nghĩa với việc đón nhận Giêsu
vào dòng tộc của mình và trở nên cha của đứa
trẻ trước pháp luật. Giuse
trở nên bạn trăm năm của Maria và dưỡng
phụ của Chúa Giêsu.
Tên “Giêsu” có nghĩa là Thiên Chúa cứu
độ. Danh xưng này
bao hàm căn tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Người được Chúa Cha sai đến
trong thế gian như là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta,
để thi hành chương trình cứu độ nhân loại.
Đây chính là sợi chỉ đỏ
chạy dài suốt Tin Mừng Mátthêu. Cuối cùng, Mt
tuyên xưng Người đã chết và sống lại
để chu toàn sứ mệnh cứu thế, và
Người hằng hiện diện mỗi ngày với Giáo
Hội cho đến tận thế (Mt 28,20).
Các
nhà chú giải Kinh Thánh còn nhận thấy một
tương đồng trong cấu trúc giữa trình
thuật về nguồn gốc lai lịch Chúa Giêsu với
hai chương đầu Sáng thế (St 1,1-2,4a
// Mt 1,1-17; St 2,4b-25 // Mt 1,18-24). Sự tương
đồng ấy nhằm cho thấy việc xuất
hiện của Chúa Giêsu như một Ađam mới,
khởi đầu một sáng tạo mới.
Kết luận
Hãy đến với thánh Giuse với
tất cả niềm tôn kính mến yêu và học tập
dưới mái trường của ngài tinh thần vâng
phục ý Chúa, lòng khiêm tốn, tính tự chủ và tâm
hồn nhiệt thành quảng đại phục vụ.
Tin
Mừng nói rất ít về Giuse. Tuy nhiên, qua ít
đoạn vắn vỏi ấy, ta cũng cảm nhận
được một tương đồng giữa Giuse
và Đức Maria. Nếu Thiên Chúa đã
chọn Đức Maria làm mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa nhập
thể, Ngai cũng đã tuyển chọn Giuse làm
dưỡng phụ để chăm nom săn sóc.
Trước đề nghị của Thiên Chúa, Giuse và Maria
đã sẵn sàng vâng phục ý Chúa. Cũng
như Maria, Giuse sống thánh thiện, khiêm tốn, yêu
thương và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn
cảnh.
|