Emmanuel: Thiên Chúa Ở
Cùng Chúng Ta
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Ngày xưa, có một chú bé Phi Châu tên là Emmanuel.
Chú ta luôn tò mò thắc mắc. Ngày nọ,
chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng
nào?”. Thầy giáo chỉ biết gãi
đầu và nói: “Nói thực là thầy không biết”. Sau
đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng
như các vùng lân cận: “Thiên Chúa nói bằng thứ
tiếng nào?”. Nhưng
họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.
Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc có
người biết được điều ấy. Vì
thế chú lên đường đến các quốc gia và
cả những lục địa khác để tìm hỏi,
nhưng ở đâu chú cũng chẳng nhận
được câu trả lời. Một
đêm nọ sau khi bị kiệt sức vì đi quá
nhiều nơi. Chú cố tìm một chỗ nghỉ
đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả các nơi
đều không còn chỗ. Vì thế chú quyết
định tìm một cái hang ngoài trời để trú
đêm. Cuối cùng quá nửa đêm chú mới tìm
được một cái hang. Nhưng khi
bước vào hang, chú nhận ra đã có một đôi
vợ chồng và một hài nhi đang
trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “Hân
hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.
Chú bé quá sửng sốt: Làm sao bà này biết
tên mình? Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà ấy nói:
“Đã từ lâu, con đi tìm kiếm khắp thế
giới để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ
tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con
kể như đã đến đích. Đêm nay chính
mắt con đã thấy được Thiên Chúa nói bằng
thứ tiếng nào. Ngài nói bằng “ngôn ngữ của tình
yêu” – “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian
đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một
của Ngài” (Ga 3,16).
Trái tim Emmanuel trào dâng
niềm xúc động, chú vội quỳ gối xuống
trước Hài nhi và mừng rỡ khóc lên. Giờ đây
chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ
tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi
người thuộc bất cứ dân tộc hay thời
đại nào cũng đều có thể hiểu
được. Và thế là Emmanuel ở
lại đó vài ngày để giúp đỡ Đức
Maria và Thánh Giuse. Sau đó đến lúc chú phải chia
tay để đi loan báo cho mọi
người Tin Mừng về ngôn ngữ Chúa dùng: “Thiên Chúa
nói bằng thứ tiếng của tình yêu”.
Lủi thủi một mình, Emmanuel vừa
rảo bước vừa suy nghĩ: “Nếu tôi muốn
kẻ cho mọi người biết Thiên Chúa dùng thứ
tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải nói
bằng thứ tiếng Chúa nói, tức là ngôn ngữ
của tình yêu. Bởi vì đó chính là thứ
tiếng nói duy nhất mà mọi người trên thế
giới đều hiểu được”.
Thưa anh chị em,
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Khi
trao ban cho thế gian Con Một của Ngài, Thiên Chúa đã
muốn dạy cho mọi người nói chung
một thứ ngôn ngữ tức là ngôn ngữ của tình
yêu. Chính vì thế mà Ngài đã mang tên gọi là EMMNUEL,
nghĩa là “Thiên -Chúa - ở
–cùng – chúng - ta”, tên gọi được báo
trước qua lời Ngôn sứ Isaia cũng như qua
lời Thiên Sứ báo tin cho ông Giuse: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ
con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel,
nghĩa là Thiên- Chúa – ở – cùng – chúng - ta”. Ngài
đến ở cùng chúng ta để làm gì, nếu không
phải là để nói cho chúng ta về tình yêu vô biên
của Thiên Chúa bằng cả cuộc sống yêu
thương đến tột cùng của Ngài, từ lúc
sinh ra trong hang đá Bêlem đến cái chết treo trên
thập giá. Đó là tất cả tiếng nói
của tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu
thương chúng ta, nên đã làm người như chúng ta. Ngài
đã đến tận nơi chúng ta sinh sống, trong nhà,
trong làng mạc, trong xứ sở, trên trái đất
của chúng ta, để chung sống, đồng hành, chia
sẻ cuộc đời với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em
với nhân loại. Ngài đã nhập
cuộc liên đới với toàn thể nhân loại
để đưa cả loài người chúng ta lên
với Thiên Chúa.
Hơn nữa, Ngài
còn muốn làm người nghèo giữa những
người nghèo khổ, bị áp bức và bỏ rơi. Ngài muốn cho ngày
Giáng Sinh trở thành ngày trời đất giao hoà,
để cho Thiên Chúa và loài người gặp gỡ yêu
thương, cho hoà bình chớm nở trên trái đất.
Ngài muốn cho ngày Giáng Sinh trở thành ngày Đấng
Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu
của loài người, để kêu gọi loài
người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu. Ngài
muốn cho ngày Giáng Sinh trở thành ngày Đấng giàu sang
khôn sánh trở thành người nghèo khó, để cho
người nghèo khó nhất cũng được trở
nên ngang hàng với Con Thiên Chúa. Và như
vậy để loài người biết yêu thương
và tôn trọng người nghèo, như yêu thương và
kính trọng chính Thiên Chúa.
Vì vậy, thưa anh
chị em, vấn đề quan trọng không phải là
ăn lễ Giáng Sinh hay là mừng lễ Giáng Sinh, cho dù là
sốt sắng đến đâu đi nữa, mà là hiểu
sống và thực hiện bài học Giáng Sinh: đó là cùng
với Chúa nhập cuộc liên đới với những
anh em nghèo hèn trong nhân loại. Và một khi chúng ta biết
mở rộng tâm hồn đón tiếp và yêu thương
những ai bé nhỏ, khó hèn, coi họ ngang hàng với Con
Một Thiên Chúa, thì khi ấy, chính tâm hồn chúng ta sẽ
trở thành hang đá Bêlem, và ánh sao Noel sẽ bừng lên
trong ánh mắt chúng ta.
Anh chị em thân
mến, EMMNUEL, Thiên Chúa đã làm người và ở cùng
chúng ta.
Ngài đã nói với loài người chúng ta
bằng ngôn ngữ của tình yêu và Ngài muốn dạy cho
mọi người nói chung một ngôn ngữ của tình
yêu này. Ngài còn biết rằng một khi người
ta bắt đầu nói bằng ngôn ngữ của tình yêu
thì những điều kỳ diệu sẽ lập
tức xuất hiện khắp nơi: các quốc gia
sẽ chia sẻ nguồn lợi và tài nguyên cho nhau, mọi
chủng tộc sẽ tôn trọng nhau, mọi gia đình
sẽ hoà thuận thương yêu nhau, khắp nơi
mọi người sẽ xiết chặt tay nhau trong tình
thân hữu. Và như thế, “vinh quang Thiên Chúa trên trời, hoà bình dưới
thế cho loài người Chúa yêu”.
|