![](http://thoidiemmaria.net/TDM2015/SN-SD/Vong%20III%20-%20Thu%20Sau.jpg)
Chẳng lẽ Thiên Chúa nhập thể là thực hiện một việc hoàn toàn sai lầm,
bất khôn và thất sách, gây hại hơn là tác lợi hay sao?
Hôm nay, Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Phụng Vụ Lời Chúa bao gồm 2 Bài Đọc 1 và 2 cùng với bài Đáp Ca và bài Phúc Âm như mọi Chúa Nhật khác trong phụng niên. Tuy nhiên, vì Chúa Nhật IV Mùa Vọng thường rơi vào một ngày trong Tuần Bát Nhật tiền Giáng Sinh, từ ngày 17 đến đêm vọng Giáng Sinh 24/12, nên Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm 2016 là ngày 18/12, tức ngày thứ hai trong Tuần Bát Nhật tiền Giáng Sinh. Ngoài ra, chu kỳ phụng niên từ Mùa Vọng năm 2016 thuộc về chu kỳ phụng niên Năm A, năm theo Phúc Âm Thánh ký Mathêu, bởi thế, bài Phúc Âm theo Thánh mathêu cũng chính là bài Phúc Âm cho ngày 18/12, chỉ có Bài Đọc 1 và 2 cùng bài Đáp Ca là khác.
Đúng thế, bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A cũng chính là bài cho ngày 18/12 trong Tuần Bát Nhật tiền Giáng Sinh hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm cho ngày 17/12. Vì bài Phúc Âm 17/12 ghi lại gia phả của Đấng Thiên Sai Cứu Thế, từ tổ phụ Abraham tới dưỡng phụ Giuse của Người, và hôm nay về chính vị dưỡng phụ Giuse này.
"Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: 'Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội'".
Theo gia phả của Đấng Thiên Sai, như chúng ta đã thấy, trong 5 người phụ nữ được liệt kê, có đến 3 người không trong sạch liên quan đến chuyện xác thịt: 1 con điếm dân ngoại và 2 người vợ ngoại tình, còn 1 người nữa là dân ngoại cũng kể như không trong sạch trước mắt dân Do Thái. Trường hợp của người đàn bà thứ năm là Maria, theo con mắt tự nhiên nói chung, nhất là trước con mắt của người chồng đã đính hôn của nàng là Giuse vốn là một "con người công chính" thì kể như nàng thậm chí còn tệ hơn nữa, vì nàng là người vợ chưa cưới nhưng đã "chửa hoang"!
Chính trong trường hợp này, trường hợp thật sự là bất khả chấp trước con mắt thế gian nói chung và những ai "công chính" nói riêng, như người chồng chưa cưới Giuse của nàng Maria, một con người luôn hết mình coi trọng và hết sức tuân giữ lề luật của Chúa với lương tâm chân chính, thì nàng Maria, đáng lẽ theo luật, cần phải bị tố cáo và bị ném đá chết, như trường hợp của người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình ở Phúc Âm Thánh Gioan (xem 8:1-11).
Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan thượng trí đã cố ý muốn, (chứ không phải làm ngơ để xẩy ra như vậy), câu chuyện tình duyên của hai con người phải nói là thánh thiện nhất loài người được Ngài liên kết trong tình nghĩa vợ chồng đây xẩy ra một cách vô cùng oái oăm oan nghiệt như vậy. Để làm gì? Phải chăng chỉ để khách quan cho thấy rằng: Đấy nhé, Đấng Thiên Sai là Con của Ngài được Ngài sai xuống trần gian hoàn toàn được "thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần", chứ "không phải bởi huyết nhục, bởi ý muốn nhục dục, hay bởi ý muốn của nam nhân" (Gioan 1:13).
Ở đây, ngay trong trường hợp này, chúng ta đã thấy được bóng thánh giá của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, ở chỗ, vừa mới được thụ thai được ít lâu, khoảng hơn 3 tháng, tức sau biến cố thai mẫu của Người đi thăm viếng người chị họ Isave về (xem Luca 1:56), đã bị coi như là một đứa "con hoang" trước mắt trần gian, cùng với người mẹ đồng công của Người, cũng bị coi như là một người vợ chưa cưới "chửa hoang" theo cảm nghĩ của người đời.
Thế nhưng, chính vì là việc của Thiên Chúa, mà cho dù nàng Maria có linh cảm được cái nguy hiểm gây ra bởi những bất hạnh theo luật có thể xẩy ra cho nàng, vì trong thời gian đính hôn, có những lúc nàng không thể nào tránh né được chuyện gặp mặt vị hôn phu chưa cưới của nàng, nàng vẫn nhất định không hề đính chính hay tự vệ tí nào, trái lại vẫn tiếp tục hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, như nàng đã tin tưởng đến độ vô cùng liều lĩnh khi đáp lời truyền tin của thiên sứ Gabiên trong việc chấp nhận thụ thai "Con Đấng Tối Cao... Con Thiên Chúa" (Luca 1:32,35).
Quả thật, vì là việc của Thiên Chúa, nên chính Ngài đã ra tay can thiệp cho Con của Ngài cũng là cho người nữ đã được Ngài tuyển chọn từ đời đời làm người mẹ trinh nguyên thụ thai, cưu mang và hạ sinh Con của Ngài trên trần gian, như được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại.
Việc Thiên Chúa can thiệp đây đồng thời cũng là việc Thiên Chúa muốn cứu cả vị hôn phu chưa cưới của người mẹ đồng công và là vị dưỡng phụ tương lai của người con cứu chuộc này, một con người công chính đã có một quyết định, theo chủ quan, thật là bác ái yêu thương, mặc dù, theo khách quan, vẫn có thể nguy hại cho người vợ chưa cưới của ngài, ở chỗ, khi nàng sinh con mà lại không thấy chồng nàng đâu, nàng cũng bị ném đá chết thôi.
Và như thế, tất cả những gì được tiên báo về hai mẹ con được Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã tiền định cùng nhau mang lại Ơn Cứu Độ cho trần gian (xem Khởi Nguyên 3:15) hoàn toàn được ứng nghiệm, chẳng những nhờ lòng tin của người mẹ mà còn nhờ đức công chính theo tinh thần bác ái yêu thương hơn là duy luật của vị dưỡng phụ nữa, một cặp vợ chồng thật lý tưởng của Con Thiên Chúa làm người, như được Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:
"Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: 'Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta'. K hi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu".
Biến cố và sự kiện Đấng Thiên Sai Cứu Thế xuất hiện trên trần gian này không thể nào không xẩy ra, đúng như lời Thiên Chúa đã hứa với hai nguyên tổ ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15). Bởi thế, không có gì có thể gây trở ngại hay làm hỏng chuyện này, như trường hợp được Phúc Âm hôm nay ghi lại ở phần đầu.
"Lời tiên tri phán xưa", được Thánh ký Mathêu là tác giả Phúc Âm thứ nhất viết cho dân Do Thái nên bao giờ ngài cũng dẫn chứng Cựu Ước để cho dân Do Thái thấy rằng Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét quả thực là Đức Kitô Thiên Sai của họ, chính là lời tiên tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: 'Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!' Nhưng vua Achaz thưa: 'Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa'. Và Isaia nói: 'Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta'".
Trong Bài Đọc 2 chính vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô cũng xác tín và loan báo cho Kitô hữu Roma về xuất xứ của một Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế là Đấng đã được tiên báo trước trong Cựu Ước qua "các vị tiên tri", vì Người được hạ sinh theo huyết nhục Do Thái "bởi dòng dõi Đavít", đúng như gia phả của Người được Phúc Âm Thánh ký Mathêu ghi lại trong bài Phúc Âm hôm nay, Đấng "chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi".
Vì "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) nên con người không thể nào biết Ngài nếu chính Ngài không tỏ mình ra cho họ. Mầu nhiệm Nhập Thể là tác động thần linh tỏ mình ra của Thiên Chúa "vào lúc thời gian viên mãn" (Galata 4:4), "vào thời sau hết" (Do Thái 1:2), sau khi "chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh... ngự qua", như câu thưa của Bài Đáp Ca hôm nay, "ngự qua" bằng những cách thức khác nhau cho các vị cha ông trong Cựu Ước (xem Do Thái 1:1). Nếu Ngài không nhập thể thì loài người thấp hèn hữu hình hữu hạn tự mình không thể nào biết được Ngài là ai và như thế nào.
Tuy nhiên, cho dù Thiên Chúa có "hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) chăng nữa, nơi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài, chung loài người và riêng dân Do Thái của Ngài, có thể nói, lại càng khó có thể nhận biết Ngài, nhận ra Ngài nơi một con người thấp hèn như họ: "Ngài đã ở trong thế gian và nhờ Ngài mà thế gian đã đưọc tạo thành nhưng thế gian lại không nhận biết Ngài là ai. Ngài đã đến với dân riêng của Ngài nhưng dân riêng của Ngài không chấp nhận Ngài" (Gioan 1:10-11).
Vậy thì chẳng lẽ Thiên Chúa nhập thể là thực hiện một việc hoàn toàn sai lầm, bất khôn và thất sách, gây hại hơn là tác lợi hay sao? Câu trả lời cho vấn nạn nạn giải này có thể tìm thấy ngay trong Bài Đáp Ca hôm nay, trong đó, Thánh Vịnh gia trước hết đã xác tín và tuyên ngôn về đức khôn ngoan và quyền toàn năng của Vị Thiên Chúa Hóa Công tối cao rằng: "Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả (ám chỉ quyền năng), và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn (ám chỉ khôn ngoan)" (câu 1).
Vì Nhập Thể cho dù bề ngoài có là một biến cố lịch sử có thật, với những nhân vật lịch sử, như được liệt kê trong gia phả của Chúa Giêsu Kitô trong bài Phúc Âm hôm qua 17/12 chăng nữa, nhất là đối với riêng cha mẹ trần gian của Người, nhưng tự bản chất là một mầu nhiệm, được Bài Đáp Ca ám chỉ như là một "cao sơn của Chúa", là "nơi thánh của Ngài" (câu 2), chỉ có thể nhận biết bằng "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) mà thôi: "Ai chấp nhận Ngài thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12).
Chính vì Nhập Thể là một mầu nhiệm vô cùng cao siêu, vượt tầm mức kiến thức hạn hẹp của con người vốn hướng hạ và gian ác mà, theo Thánh Vịnh gia của Bài Đáp Ca hôm nay, muốn cảm nhận và chấp nhận mầu nhiệm nhập thể này, tức là muốn "trèo lên cao sơn của Chúa" và muốn "đứng trong nơi thánh của Ngài", hay nói đúng hơn, muốn "tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp" (câu 3), họ cần phải là những con "người có bàn tay (ám chỉ việc làm) vô tội và tấm lòng (ám chỉ ý hướng) thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa", những con người được tiêu biểu nhất trong thành phần này đó là Mẹ Maria trinh nguyên và Bõ Giuse công chính, cha mẹ trần gian của Con Trẻ Giêsu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL