Đấng
phải đến
Tác giả sách
“Gương Chúa Giêsu” viết như sau: “Bao lâu chúng ta
sống trong thế giới này, chúng ta không thể tránh
được đau khổ và cám dỗ”. “Tại
sao lại đi tìm kiếm sự nghỉ ngơi trong khi
chúng ta đã được sinh vào nỗi khốn khổ”.
Tác giả biết không ai có thể tránh được
đau khổ vì con người đã bị mất ơn
sủng. Đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng
thế giới này không phải là nơi ở vĩnh
viễn của con người. Trong đau khổ chúng ta
học cách tin tưởng vào những lời hứa
của Thiên Chúa, những lời hứa cho tương lai,
không phải ở hiện tại. Những
lời hứa chỉ được hoàn thành trong Chúa Giêsu
Kitô.
“Chúa Giêsu, dù là Con,
nhưng đã nhờ sự chịu đau khổ mà
học được đức vâng lời”, phương
chi chúng ta, những tạo vật và những tội nhân,
đã được nhận làm những nghĩa tử
ở trong Ngài”.
Trong đau khổ,
thử thách và gian nan, Chúa Giêsu Kitô chính là niềm hy vọng,
là những dấu hiệu chứng tỏ sự hiện
diện của Thiên Chúa mà Gioan tẩy giả đã mong
đợi. Chính Ngài sẽ giúp chúng ta định
hướng cho cuộc đời: “Người mù
được thấy, người què đi
được, người phong hủi được
khỏi, người điếc được nghe,
người chết sống lại, và Tin Mừng
được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không
vấp ngã vì Ta”.
Chúa nhật thứ 3
Mùa vọng, màu của phụng vụ là màu hồng. Mầu
hồng biểu tượng cho niềm vui và hy vọng.
Giáo Hội gọi Chúa nhật này là “Chúa nhật gaudete”, Chúa
nhật Vui mừng”. Vui mừng vì Đấng
Cứu Thế đã đến gần. Tôi biết
sẽ có người nói rằng: “Tôi chẳng cảm
thấy vui chút nào!” “Đúng, ngay cả Gioan
Tẩy giả ở trong tù cũng không cảm thấy vui!”
Niềm vui tôn giáo, nhất là sự vui mừng của Tin
Mừng không phải là một cảm giác, hay một
cảm xúc, nhưng là một niềm xác tín của
đức tin, đức cậy và đức mến
nơi Chúa Giêsu Kitô. Sách Giáo lý Công giáo dạy: “Đức tin
cho ta nếm trước niềm vui và ánh sáng của sự
hưởng kiến diễm phúc trên trời…”
Vị thầy vĩ đại đã cảm nghiệm
được niềm vui đích thật chính là thánh
Phanxicô thành Assisi. Khi còn là một
thanh niên trẻ, ngài đến viếng thăm Rôma, quì
gối cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô, và
trong sự biết ơn đối với thánh cả,
Phanxicô đã quăng vài đồng tiền kẽm vào, qua
những chắn song sắt. Nhưng khi vừa bước
ra ngoài đường ngài liền gặp một
người ăn xin. Trong giây phút xúc
cảm, Phanxicô đã yêu cầu người ăn
xin đổi chiếc áo choàng của anh cho ngài. Phanxicô đang làm việc cho cha là một
thương gia giàu có, chiếc áo choàng của ngài rất
đắt tiền và quí phái. Người ăn xin rất sung sướng, và còn
sướng hơn nữa vì có những đồng
tiền cắc sót lại trong túi áo. Rồi sau đó,
Phanxicô đã ngồi ở góc đường, làm công
việc rất nhục nhã: xin ăn
những người qua lại bên đường. Nhưng ngày hôm đó ngài đã cảm nghiệm
được một niềm vui không tả xiết.
Nguồn vui ấy đã hình thành nền
tảng cho một trong những dòng tu lớn nhất
của lịch sử Kitô giáo.
Chỉ nhờ vào
niềm tin cậy mến nơi Đức Giêsu Kitô,
Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa sẽ ngự
đến trong tâm hồn chúng ta trong suốt mùa vọng và
Giáng sinh để ban cho ta khả năng chịu
đựng những đau khổ, gian truân, thử thách và
cảm nghiệm được niềm vui cũng
giống như thánh Phaolô và thánh Gioan tẩy giả khi
xưa ngồi trong tù.
|