Xin cho con biết
lắng nghe-
Lm. Bùi Quang Tuấn
“Tiếng của người hô
trong sa mạc: Hãy dọn
đường Chúa, hãy bạt lối Người đi”
(Mt 3:3)
Tại sao
tiếng hô lại được cất lên trong sa mạc mà không phải là thành thị,
phố xá hay phòng trà, chợ búa, nơi người ta
đang quây quần đông đúc hay vui chơi tội
lỗi? Tiếng hô phải được
cất lên chính những nơi này mới có người
nghe, mới mong có kẻ hồi đầu qui chánh, sửa
đường bạt lối, làm nên nẻo chính
đường ngay cho Đấng Thiên Sai chứ.
Gioan sống
trong sa mạc. Tiếng hô
của ông vang lên giữa vùng hoang vắng.
Không biết
chốn trời không mông quạnh thế kia
thì tiếng hô được mấy ai chú ý. Tiếng hô
vang. Vang lên mãi. Nhưng trong nơi
trống vắng thì ai nghe cho!
Phải
chăng Gioan đã hô lên cho chính mình? Nếu thế thì
lời kêu gọi “Hãy dọn đường Chúa, hãy
bạt lối Người đi” trước tiên phải
là lời nói với chính mình.
Nhờ biết
hô với chính mình trước hết nên Gioan đã có
sức lôi kéo từng đoàn người từ khắp
xứ Giuđê đến với ngài, để nghe
tiếng ngài hô, và chịu làm theo lời
răn dạy. Nhờ hô với chính mình mà tiếng hô đã
vang đến tận khắp các vùng Giêrusalem, xâm nhập
tới cõi lòng của bao kẻ sa
đoạ khô khan.
Không phải
chỉ sau khi nghe tiếng hô của Gioan mới bắt
đầu có người ăn ăn
hối cải, chịu thanh tẩy để dọn
đường cho Chúa đến. Đúng hơn, từ
hoang vắng của sa mạc và trong
nơi tịch liêu của cõi lòng, Gioan đã nghe tiếng hô “hãy
dọn đường cho Chúa đến” phát ra. Lời đó vang đi dội lại trong lòng ông,
thúc bách ông nối dài tiếng hô bằng cách ra đi “dọn
lòng người cho Chúa đến.”
Cho
nên, Gioan chính là người đã dọn đường
lòng mình trước nhất. Vì biết lắng nghe những
điều mình hô nên tiếng hô của mình có người
đáp lại. Sự lắng nghe không
chỉ bằng thính giác, nhưng còn bằng tâm hồn.
Và từ tâm hồn mới phát sinh những
thái độ sống. Một
đứa trẻ “biết nghe” không cứ phải là
một đứa trẻ có thính giác tốt, song là một
đứa trẻ biết ghi tâm lời nói của bố
mẹ, thầy cô, và thực thi.
Những gì phát
xuất từ con tim cũng đều
mang sắc thái của tình yêu và sự sống.
Thế ra, không
biết lắng nghe bằng con tim thì con
tim sẽ không thể cất lời. Và nếu lời
cất lên không phát xuất từ con tim,
lời đó sẽ chẳng mang hiệu quả gì. Thomas
Merton đã từng nhận xét:
“Nếu
đời ta cứ phun ra những lời vô ích
Chẳng bao
giờ ta nghe được bất cứ điều gì,
Chẳng bao
giờ ta trở nên bất cứ điều gì,
Chẳng
bao giờ ta trở nên bất cứ cái gì.
Thế rồi,
Vì cứ nói mãi trước
khi có cái gì để nói,
Ta trở thành
người không biết nói.”
Không
biết nói hoặc nói điều vô ích mà cứ bắt
người khác lắng nghe thì chỉ tạo nên những
cực hình, phản kháng.
Nhiều
gia đình bất an, nhiều cộng đoàn bất
thuận, nhiều quốc gia bất hoà chỉ vì có kẻ
không biết nói.
Nguyên do là thiếu lắng nghe, sự lắng nghe của
tâm hồn. Tâm hồn không nghe được vì còn ngổn
ngang đây đó nhiều chướng ngại của
tự ái, ích kỷ, kiêu căng, tự mãn...
Lắm khi ta
than thở: Chúa không chịu nghe tiếng tôi. Nhưng
thử hỏi: Chúa không nghe tiếng tôi hay vì tôi không nghe
được tiếng Ngài? Rồi khi nghe
được tiếng Chúa, liệu tôi có chấp nhận
để tiếng ấy nhồi nắn biến
đổi đời mình chăng?
Nhiều
lúc tôi buồn vì người ta không chịu nghe điều
tôi muốn nói.
Nhưng thử hỏi: họ không nghe tiếng lòng của
họ? Mà nghe tiếng lòng người khác sao
được khi chính tôi lại bịt tai
tâm hồn? Âm thanh của lời tôi nói sẽ chẳng
truyền lan nếu nó không phải là
Lời đã vang dội lại trong sa mạc lòng mình.
Có
nghe được tiếng nói nơi lòng mình mới mong
đổi được đời mình. Có đổi
được đời mình mới làm thẳng
đường cho Chúa đến. Chúa
đến trong đời tôi để rồi qua tôi Ngài
đến với người khác.
“Hãy
dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người
đi.” Tôi muốn hô vang lời ấy cho mọi
người nghe. Nhưng trước hết, tôi
bắt chước thánh Gioan, đi vào sa mạc cuộc
đời, tức là bước vào nơi thanh vắng và
tĩnh lặng của nguyện cầu, nơi đó tâm
hồn tôi sẽ nghe được tiếng nói của
trời cao. Tiếng ấy sẽ dần
dần lớn mạnh, cho đến khi oà vỡ và tuôn
chảy đến muôn tâm hồn.
Phải
chăng đó chính là thái độ sống mà Tin Mừng mùa
Vọng năm nay muốn tôi mặc lấy.
|