Tương lai
Ông Khấu Chuẩn
thuở nhỏ tính hay du đãng, không giữ lễ phép,
lại thích chơi chim chơi chó. Bà mẹ vốn là
người nghiêm khắc thấy con như thế thì
quở phạt luôn mà cậu vẫn không chừa. Một
hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận
lắm, cầm quả cân ném trúng chân ông máu chảy
đầm đìa. Từ bấy giờ ông không dám lêu
lổng, phóng túng, chỉ chuyên cần học tập. Về sau ông thi đỗ làm quan đến
chức tể tướng. Lúc ông quí
hiển thì mẹ ông đã tạ thế rồi.
Mỗi khi ông sờ đến vết thương ở
chân thì ông lại nức nở khóc lóc mà nói rằng: “Chính
vết thương này đã làm cho ta nên người”.
Có nhiều dòng nước mắt trong
cuộc đời: Có những nước mắt của
đau khổ, nước mắt của niềm vui,
nước mắt của ly biệt, nước mắt
của tiếc thương. Nhưng chỉ
có nước mắt của sám hối là có giá trị
hơn cả. Nước mắt sám
hối khép lại quá khứ để mở cửa
tương lai. Nước mắt sám hối rửa
sạch tội lỗi để lộ ra ân
sủng. Trong Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy giả đã
khơi lên dòng nước mắt ấy: “Anh em hãy sám hối, vì
Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Chính Chúa Giêsu khi bắt đầu
cuộc đời rao giảng cũng đã gói trọn
sứ điệp nền tảng của Kitô giáo trong
lời kêu gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”
(Mc 1,15).
Sám hối là
bước khởi đầu và là nền tảng của
đời sống đức tin. Một trong
những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo là càng
nhận ra sự nhỏ bé yếu đuối của mình,
con người càng lớn lên trong ân
sủng và tình thương của Chúa. Càng
nhận ra thân phận tội lỗi của mình, con
người càng dễ cảm thông trước vấp ngã
của anh em. Thiên Chúa không mong chờ nơi con
người điều gì khác hơn là tấm lòng sám
hối: “Chúa ở bên những người sám hối, và
cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33,19). Chính lòng sám hối chân thành đã đem
lại niềm vui cho cả thiên đàng: “Trên trời sẽ vui
mừng vì một người tội lỗi ăn năn
sám hối” (Lc 17,7). Toàn
bộ Tin Mừng cao rao Đức Giêsu nhân hậu với
người tội lỗi.
Tuy nhiên, lòng sám
hối đích thực đòi hỏi con người
phải có một quyết định dứt khoát. Sám hối, theo truyền thống Kinh Thánh, chính là quay
trở lại hoàn toàn theo hướng ngược lại.
Sám hối, theo tiếng Hy Lạp
“metanoia” có nghĩa là “thay đổi = Meta não trạng = noia”.
Như vậy, sám hối đòi hỏi người ta
phải triệt để thay đổi: từ tư
tưởng cho đến hành động, từ
hướng đi cho đến cách sống. Cuộc
đời của thánh Phaolô là một kinh nghiệm thật
sâu sắc về lòng sám hối, và ngài có đầy uy tín
để khuyên bảo chúng ta: “Hãy quên đi chặng
đường đã qua để lao mình về phía
trước” (Pl 3, 13b).
Sám hối không
chỉ là công việc của cá nhân mà là của cả Giáo
hội. Đức Thánh Cha Phaolô VI là vị Giáo Hoàng
đầu tiên thay mặt Hội Thánh bày tỏ lòng sám
hối: “Nếu có lỗi lầm nào về sự chia
rẽ giữa các Kitô hữu là do lỗi lầm của
chúng tôi, chúng tôi thành thật xin Chúa tha thứ và chúng tôi
cũng xin anh em bị xúc phạm tha thứ cho chúng tôi”.
Đặc biệt, trước ngưỡng cửa ngàn
năm thứ ba, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã
liệt kê rất nhiều lỗi lầm của Giáo
hội trong hai thiên niên kỷ qua. Ngài đã
công khai cử hành nghi thức sám hối và xin tha thứ hôm
12 tháng 3 năm 2000.
Ngọn lửa sám hối mà Đức Thánh
Cha đã thắp lên trong lòng Giáo hội, không chỉ là ánh
sáng xua tan bóng đêm tội lỗi, mà còn là sức nóng thôi
thúc mỗi người tín hữu Kitô cũng hãy thật
lòng sám hối những lỗi lầm của mình xúc
phạm đến Chúa và anh em.
|