Thống hối- Lm. Cao Vũ Nghi
Đứng trước tình
trạng của một quốc gia không còn nhận biết
hồng ân Thiên Chúa, Tổng thống Abraham Lincoln đã
chỉ định ngày 30 tháng 4 năm 1863 là Ngày Toàn Quốc
Chay Tịnh, Hãm Mình, và Cầu Nguyện. Trong dịp này,
Tổng thống Lincoln
đã nói: “Chúng ta đã được lãnh nhận biết
bao ơn phúc của trời cao. Qua nhiều năm, chúng ta
được sống trong bình an và
thịnh vượng. Đất nước
chúng ta đã phát triển về dân số, thế lực,
và kinh tế, như chưa từng có trong lịch sử
nhân loại. Nhưng chúng ta đã quên Thiên Chúa...
Với một trái tim đầy ắp
tự mãn, chúng ta mộng tưởng rằng những gì
chúng ta có là do sự khôn ngoan vượt mực của mình.
Say sưa trong sự thành công của mình, chúng ta không còn
thấy sự cần thiết của ơn thánh Chúa, và
trở nên kiêu hãnh đến nỗi không còn cảm thấy
nhu cầu phải cầu nguyện với Đấng
đã tác thành nên mình. Vì vậy, chúng ta cần phải
hạ mình xuống trước Đấng mà chúng ta đã
xúc phạm, phải xưng thú tội chung của quốc
gia, và cầu xin ơn thương xót và tha thứ.”
Đó cũng là
lời kêu gọi của Thánh Gioan Tẩy giả
đối với mỗi người chúng ta trong những
ngày chuẩn bị mừng kỷ niệm ngày Ngôi Hai Thiên
Chúa nhập thể làm người: “Hãy ăn
năn thống hối, vì Nước Trời đã gần
đến.” Nhưng phải chăng, cũng
như các tiên tri trong thời Cựu Ước, chúng ta không
muốn nghe những lời kêu gọi này. Chúng ta không
muốn nghe là vì chúng ta đã quá chán ngán khi nghe những
lời này, hay cũng có thể vì chúng ta không muốn
phải bỏ đi nếp sống thoải mái, bỏ
đi những đam mê, tật xấu, và phải ép mình
để tuân theo những điều Chúa dạy, và
cũng có thể vì chúng ta thấy chúng ta có tội lỗi
gì đâu mà phải ăn năn thống hối.
Mới đây,
khi nhìn vào hiện trạng của thế giới, mục
sư Billy Graham đã có nhận xét sau đây: “Chúng ta
đang mắc phải một chứng bệnh trầm
trọng. Chứng bệnh này không liên quan
đến vấn đề chủng tộc, không phải
là cảnh nghèo khó, và cũng không phải là chiến tranh.
Chứng bệnh trầm trọng này liên quan đến trái
tim của chúng ta. Chúng ta cần một
trái tim đổi mới.” Chúng ta cần
một tấm lòng dám nhìn thẳng vào sự thật về
con người của mình. Nhưng đối với con
người, đây là một vấn đề thật khó
khăn. Người Rôma có những cách xử tử
tội nhân thật man rợ, như đóng đinh vào
thập giá, dùng người để làm đuốc,
hay...nối kết người sống với
người chết. Họ lấy giây buộc
người bị xử tử dính liền với một
người đã chết: mặt đối mặt, tay liền tay. Sức sống
của người tử tội tiêu hao một cách mau
chóng, để rồi cũng đồng hóa với
người chết. Con người chúng ta có lẽ
phần nào cũng vậy. Khuyết điểm tội
lỗi đã ăn liền với con
người của mình, đến nỗi cho dù muốn
thoát ly, chúng ta cũng không thể tự giải thoát mình
được. Nhưng chúng ta đã có ơn
phù trợ của Thiên Chúa. Ngài đã kêu gọi chúng ta
hãy ăn năn thống hối trở
về với Ngài, thì chắc chắn Ngài sẽ ban ơn
cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta
muốn.
Lời Chúa
đến với chúng ta hôm nay là cơ hội để
chúng ta trở về với tâm hồn mình, để chúng
ta ý thức rõ ràng hơn những lỗi tội nào đang
làm cho chúng ta xa cách Chúa, để chúng ta bắt đầu
con đường trở về với Thiên Chúa trong tâm
tình ăn năn thống hối, và nhất là để
chúng ta có một thái độ khác đối với Thiên
chúa. Ngày nay, nhiều người nhận mình
là Kitô hữu, nhưng trong hành động họ lại
sống như Thiên Chúa không hiện hữu. Những người này tỏ ra họ không cần
ơn phù trợ của Chúa và bất chấp những giáo
huấn của Ngài. Một cách nào đó, có lẽ
cũng có những lúc chúng ta sống như vậy, và vì
thế, với tấm lòng ăn năn thống hối,
chúng ta hãy bỏ đi thái độ tự kiêu, tự mãn,
và thay vào đó, là tấm lòng thảo hiếu tin tưởng
vào tình thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên
trời. Ngài đã tạo dựng chúng ta, đã cứu
chuộc chúng ta, và đã ban tràn đầy ơn phúc cho chúng
ta. Trong thời gian qua, chúng ta đã bội
bạc với tình yêu thương của Ngài, thì giờ
đây chúng ta hãy đền bù bằng tấm lòng thảo
hiếu mến yêu. Chíng tấm lòng thảo hiếu
mến yêu này sẽ giúp cho chúng ta có được một
tấm lòng ăn năn thống hối
thật, và giúp chúng ta bền vững trong ơn nghĩa
Chúa.
|