4.- Thứ
tư là Ơn Sức Mạnh (fortitudo).
Khi nhận được
Sức Mạnh từ trời cao, chúng ta có can đảm
vượt qua mọi chướng ngại và khó khăn,
chịu đựng đau khổ và cực nhọc xảy
tới lúc phải tuân giữ luật Chúa, lúc thi hành các
bổn phận người Kitô hữu ;
và có sức mạnh lướt thắng các tấn công
của kẻ thù ; tránh mọi cám dỗ của thế gian
và mưu ma chước quỉ hằng rình chực sập
bẫy các linh hồn.
Ơn ấy ban cho ta bền
chí kiên trung trong đời sống đạo đức;
thi hành cho đến cùng những gì ta phải làm chứ
không bỏ cuộc ; chu toàn chức vụ hay nghĩa
vụ của đấng bậc mình : chẳng hạn một
giáo viên hay giáo sư, sẽ được ơn sức
mạnh để giảng dạy cho tốt ; học sinh
hay sinh viên sẽ được ơn để học
hành chăm chỉ ; vợ chồng, để sống
đạo nghĩa phu thê cho tròn ; người góa chồng
hay góa vợ, để biết sống hoàn cảnh mới
cô đơn và khó khăn của mình ; v.v…
Và ơn này cũng sẽ giúp
ta làm chủ các dục vọng, không sống theo
những thúc đẩy của bản năng, thắng
những xu hướng xấu của xác thịt mình,
khiến ta sẽ tránh được biết bao ân hận
day rứt vì đã làm những việc lỗi lầm…
đưa đến những hậu quả đắng
cay, nghiệt ngã…
Ơn Sức Mạnh làm cho ta
kiên nhẫn chịu đau khổ, bệnh hoạn, tật
nguyền, nâng đỡ ta trong những lúc thất bại,
vui lòng chấp nhận những thử thách của
đời sống, chẳng hạn khi bị mất
người thân yêu do cái chết xảy đến hay do
bị phụ bạc, song biết coi những đau
khổ, thử thách đó như những quà tặng
của Thiên Chúa.
Ơn ấy làm ta lướt thắng sự thờ
ơ trong việc phục vụ Thiên Chúa, và nhất là ban
cho ta có khả năng thực hành các nhân đức một
cách anh hùng. Chẳng phải Sức Mạnh thần linh
đã làm cho Kitô hữu có thể “ghét
mạng sống mình ở đời này” như Chúa Giêsu
đòi hỏi (Ga 12.25) ? Và có thể : “đừng chống cự
người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên
phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai
muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì
hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người
bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với
người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho
; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh
mặt đi.” (5.39-42).
Th.Phaolô mô tả ơn Sức Mạnh
thần linh ấy :
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu
của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân,
khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ,
gươm giáo ? […] Nhưng
trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ
Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi
tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự
sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực,
hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức
mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ
một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách
được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa
thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm
8.35-39)
Đặc biệt, Ơn
Sức Mạnh đây khiến các tín hữu thà chết
chẳng thà bỏ đạo hay chối Chúa :
“Có những người bị
tra tấn mà không muốn được giải thoát,
để được hưởng một sự
sống lại tốt đẹp hơn.
Có những người phải chịu nhạo
cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng
xích và bỏ tù ; họ bị ném đá, bị cưa
đôi, bị chết vì gươm ; họ phải lưu
lạc, mặc áo da cừu da dê, chịu thiếu thốn,
bị áp bức và hành hạ. Thế gian chẳng xứng
với họ ! Họ đi lang thang trong hoang địa, trên núi
đồi, trong hang hốc và hầm hố...” (Dt 11.35-38)
Ơn Sức Mạnh cách riêng
giúp ta dạn dĩ làm chứng cho Chúa, hăng hái
bước đi lo việc tông đồ truyền giáo…
và nếu cần, dám hy sinh mạng sống đổ máu
mình ra, giống như các thánh Tông đồ ngày xưa, sau
khi được Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ban
sức mạnh cho vậy (Cv 1.8).
Ngày nay, ơn Sức Mạnh
giúp ta can đảm không vì nể mà dám phản
đối những ai chủ trương sai lầm,
gieo rắc tà thuyết hay tệ nạn xã hội, dù có
thể vì thế bị mất quyền lợi hay mất
tiếng tăm, nhớ lời Th. Phaolô tuyên bố
: “Nếu tôi còn muốn
làm đẹp lòng người đời, thì tôi không
phải là tôi tớ của Đức Ki-tô.” (Gl
1.10).
5.- Thứ năm
là Ơn Suy biết (scientia)
Nhờ ơn huệ này
của Chúa Thánh Thần hướng dẫn, trí khôn nhân
loại có khả năng suy xét đúng đắn
những chân lý đức tin, phê phán đúng mức về
những sự vật trần thế, và biết chúng có
liên hệ gì với sự thánh thiện và với cuộc
sống đời đời. Nhờ sự soi sáng
của Chúa Thánh Thần, ta mới nhận thấy sự
trống rỗng hay tạm bợ mau qua của những
vật thụ tạo, nhờ vậy, ta sẽ biết
sử dụng các sự vật thụ tạo cách đúng
đắn và thánh thiện ; thay vì coi
những sự vật ấy là những chướng
ngại, ta lại sử dụng chúng như những khí
cụ giúp kết hiệp với Thiên Chúa.
Ơn Suy
Biết cho phép ta nhìn mọi hoàn cảnh của đời
ta một cách như Thiên Chúa nhìn. Nhờ ơn này, ta có thể biết
được Thiên Chúa nhắm mục đích gì trong
đời ta, và Người đặt ta trong những hoàn
cảnh riêng biệt vì lý do nào. Ơn Suy Biết mà Chúa Thánh
Thần ban cho ta rất thực tế. Cụ
thể là biết chính xác cái gì mình phải làm ở đây,
giờ này, để Thiên Chúa được vui lòng. Biết điều gì Thiên Chúa đòi hỏi và
điều gì Người ghét bỏ, biết tìm kiếm
cái gì và chạy trốn cái gì.
Không có ơn huệ này,
tầm nhìn của ta sẽ có nguy cơ lệch lạc, vì
bóng tối che mờ trí khôn ta.
Những bóng tối ấy từ đâu đến
?
–
Từ
bản chất suy đồi của bản thân ta.
–
Từ
những thành kiến cũng như những tư
tưởng phàm tục của thế gian xúc xiểm,
dễ làm lung lạc những đầu óc ngay thẳng song
thiếu kinh nghiệm.
–
Từ
tác động lén lút song quỷ quyệt của Satan là Trùm
bóng tối và lường gạt.
Ơn huệ này giúp cho đức tin
được có thêm ánh sáng để biết tránh
những sai lầm ; được soi
sáng và giải tỏa những hoài nghi để sự
thật được tỏ rõ, và được thấy
rằng thế gian đang ở trong tối tăm và
vướng mắc vào những sai lầm thảm hại,
đã lôi cuốn biết bao nhiêu tâm hồn vào trong lầm
lạc của nó.
Thánh Phaolô ám chỉ ơn huệ này khi viết :
“Xưa
anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em
lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái
ánh sáng ; mà ánh sáng đem lại tất
cả những gì là lương thiện, công chính và chân
thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp
lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô
ích của con cái bóng tối…” (Ep 5.8-11)
Ơn
Suy Biết ấy phát sinh những hiệu quả có giá
trị rất lớn cho việc thánh hóa linh hồn : nào sự biết nhìn vào tình
trạng tâm linh của linh hồn, nào khả năng phân
biệt đâu là những soi sáng của ơn Chúa, đâu là
những thôi thúc của ma quỉ; được lòng
dứt khỏi mọi quyến luyến những sự
vật chất, biết hối hận vì đã để
cho những sự vật ấy cản bước
tiến đến Thiên Chúa.
Cuối cùng, ơn ấy ban
cho người ta một cảm thức đức tin
(sensus fidei), nghĩa là một sự bén nhậy
gần như một bản năng thần linh để
cảm thấy điều gì đó có phù hợp với
đức tin và luân lý của đạo hay không, mặc dù
người đó chưa từng trải qua một
trường lớp thần học nào.
Lấy ví dụ :
trước một cuộc hiện ra của Đức
Trinh Nữ Maria, khi nhìn thấy biết bao kết quả
tốt lành như là : hàng triệu người hối
cải ăn năn, cải thiện đời sống,
còn người lành thêm đạo đức thánh thiện,
hăng hái làm việc tông đồ truyền bá đức
tin, rồi hàng hàng lớp lớp các bạn trẻ nam
nữ từ bỏ các hứa hẹn của tương
lai để theo đuổi ơn thiên triệu linh
mục, tu sĩ v.v…, thì người có cảm thức
đức tin bén nhậy nhận thấy đúng như Chúa
Giêsu dạy : “Xem quả
biết cây, cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt
7.18,20), liền nhìn nhận tính cách siêu nhiên từ
trời của sự kiện hiện ra ấy ngay, thay vì
thái độ lừng khừng, nhút nhát, thụ
động, chỉ biết đợi khi nào Hội Thánh
công nhận thì cúi đầu vâng lời chấp nhận. Đã hẳn việc nhìn nhận nói đây chỉ
là chuyện riêng tư của cá nhân, không hề dám đi
trước phán quyết của giáo huấn quyền
Hội Thánh.
|