Lời công
bố của Gioan Tẩy Giả
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Gioan, có biệt danh là Tẩy giả. Mátthêu
trích dẫn Isaia 40,3 để giới thiệu: Gioan
Tẩy giả chính là tiếng kêu trong hoang địa mà ngôn
sứ Isaia tiên báo, có nhiệm vụ dọn
đường cho Đấng Cứu Thế. Sống trong
hoang địa từ thời niên thiếu (Lc 1, 80), Gioan xa
lánh mọi tiện nghi (Mt 11,8; Lc 7,25), xa lánh những khuôn
khổ đạo đức Dothái, đặc biệt
của đền thờ và hội đường. Ông
gần những người Esseniens ở Qumrân. Mátthêu khi
phục sức cho Gioan Tẩy giả giống Êlia, mang
một bộ áo da lông, ngang lưng thắt dây da (2V 1,8).
Mátthêu mặc nhiên bảo, Gioan Tẩy giả chính là Êlia.
Theo truyền thống, ÊLia đã được đưa
lên trời, không chết, sẽ trở lại làm Tiền
hô cho ngày cánh chung, ngày Đấng Messia đến (Mt 3,23).
Trong hoang địa, Gioan lấy châu chấu
và mật ong làm thức ăn. Mátthêu không quả quyết
Gioan chỉ sống bằng hai thức ăn đó. Châu
chấu chẳng phải thức ăn lạ
thường. Người Bédouins hiện thời
thường ăn châu chấu chiên hoặc ướp
muối. Tài liệu Damas ở Qumrân có bảo phải chiên
hoặc luộc chúng mà ăn. Còn mật hoặc mật ong
tìm trong các hốc đá, hoặc nước rỉ của
cây Tây hà liễu.
Bởi cuộc sống đơn sơ
đạm bạc, Gioan không có vấn đề béo phì,
nhồi máu cơ tim, tiểu đường hay dư
cholesterone. Gioan, một con người với thân hình
khoẻ mạnh và khắc khổ, nhưng nơi ông toát ra
một tâm hồn thánh thiện. Hữu xạ tự nhiên
hương, người ta từ Giêrusalem và khắp
miền Giuđêa, cùng khắp vùng ven sông Giođan kéo
đến với ông.
Thi hành sứ vụ trong hoang địa, có
lẽ Gioan muốn gắn liền với truyền
thống khá phổ biến trong Israel.
Theo truyền thống, thời Israel lang thang trong hoang
địa, từ Ai cập vào đất hứa,
được xem như một thời kỳ chứa chan
ân sủng, tuyển dân sống thân tình với Thiên Chúa,
được Ngài đối xử nhân hậu (Đnl
2,7). Vì thế, người ta tin, thời cánh chung,
nước Thiên Chúa sẽ khởi đầu trong hoang
địa và Đấng Messia sẽ xuất hiện
tại đấy (Mt 24,26). Do đó, một vài thủ lãnh
các phong trào thiên sai thường dẫn đồng
đảng của mình vào hoang địa (Cv 21,38).
Ở hoang địa Gioan rao giảng gì? Gioan
kêu gọi: "Anh em hãy sám hối, vì Nước trời
đã gần đến". Sám hối hay hối cải,
tiếng Latinh "conversio", tiếng hy lạp
"metanoia", có nghĩa thay đổi não trạng,
ăn năn trở lại, canh tân đổi mới. Trong
Cựu ước, từ này có nghĩa bỏ tà thần
trở về với Đức Giavê. Trong Tân ước, nó
giả thiết một sự thay đổi toàn diện
bao hàm cả về phương diện tiêu cực bỏ
đàng tội lỗi, lẫn phương diện tích cực
hướng con người về Thiên Chúa.
Với Gioan, chốn hoang địa không còn
là nơi cô tịch, nó đã trở thành trung tâm khơi
động một phong trào sám hối, đầy nghịt
những người. Thấy nhiều người
thuộc phái Pharisiêu và Sađốc đến chịu phép
rửa, Gioan nói với họ: "Nòi rắn độc
kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh
nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?"
Tại sao Gioan gọi họ như thế? Có lẽ Gioan
thấy nơi họ có sự gian dối, giống con
rắn trong sách Sáng thế. Họ đến chịu phép
rửa không để được tha tội, nhưng
để dò xét ông (Ga 1,19-28).
Tuy gọi là "nòi rắn độc",
nhưng Gioan vẫn cho họ một lời khuyên: "Các
anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối,
đừng nghĩ: Chúng ta đã có tổ phụ
Abraham." Người Dothái thường tự hào là con
cháu Abraham. Họ quan niệm: Ngày cánh chung, ngày Giavê sẽ
biểu lộ cơn thịnh nộ của Người.
Cơn thịnh nộ ấy sẽ giáng trên lương dân,
những kẻ tội lỗi. Còn toàn thể con cái Israel
được tham dự vào thế giới tương
lai, bởi lời Thiên Chúa hứa cho Abraham và các tổ
phụ vẫn có giá trị cho hậu duệ. Theo lối
cắt nghĩa của các giáo sĩ, hậu duệ ấy
là những người con xác thịt của Abraham. Bởi
đấy, trong Dothái có câu châm ngôn quả quyết, ai thuộc
dòng máu Dothái, chắc chắn sẽ được cứu
rỗi. Một châm ngôn kiểu đó dễ làm cho một
số người Dothái sống phóng túng về mặt luân
lý và làm cho những người Pharisiêu và Sađốc
tự mãn kiêu căng. Đối với Thiên Chúa là con cháu
Abraham hay không, điều đó không quan trọng.
Điều quan trọng là có giữ giao ước, có yêu
mến và thực thi ý Người hay không. Nếu Israel
không trung thành với Thiên Chúa, không tin vào Đấng Người
sai đến, Người sẽ làm cho những hòn đá
trở nên con cháu Abraham, nghĩa là loại trừ Israel và kêu
gọi lương dân làm thành một Israel mới phát sinh
hoa trái (Mt 8,11-12).
Bởi thế, Gioan đã kêu gọi họ
sám hối. Nếu họ không sinh quả phúc đức
để chứng tỏ lòng sám hối, họ không thoát
khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Theo Gioan
điều đó cần thiết và cấp bách, không trì hoãn
được, vì Nước trời đã đến:
"Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây
nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và
quăng vào lửa". Cũng như không gì có thể
cứu cây khô khỏi lửa đốt, cũng chẳng có
gì cứu nổi Israel
chai đá khỏi cơn oán phạt.
Đấng sáng lập đến sau ông,
quyền thế hơn ông. Sánh với Người ông
chẳng là gì. Phép rửa ư? Phép rửa của Gioan là
phép rửa tạm thời, phép rửa bằng nước,
giục lòng sám hối. Phép rửa của Người là
phép rửa bằng Thánh Thần và lửa, là sự thanh
tẩy tuyệt đỉnh, ban ơn tha tội và sự
sống mới. Con người ư? Ông chỉ là Tiền
hô, là người dọn đường không đáng xách
dép cho Người. Người là Đấng Messia, là
Đấng thẩm phán đầy quyền năng: tay
Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa
trong sân, thóc mẩy thu vào kho lẫm, thóc lép bỏ vào
lửa không hề tắt mà đốt đi.
Thật tuyệt vời, Gioan Tẩy giả
đã khiêm nhường tự xóa mình đi trước
Đấng mà ông đã nhận nhiệm vụ dọn
đường. Đức Giêsu phải lớn lên, ông
phải nhỏ đi. Đức Giêsu bắt đầu
sứ vụ là lúc ông vào nhà tù Macheronte, ở đó ông đã
bị chém đầu. Với cái chết, Gioan đã hoàn
thành sứ vụ Tiền hô dọn đường. Ông là
người vĩ đại. Jean Perron viết: "Thu tóm
trong chính mình tất cả những ngôn sứ từ
thời Êlia, đấng Tiền hô rõ ràng là ngôn sứ sau
cùng đồng thời cũng là người thứ
nhất trong các tông đồ Kitô giáo, kết thúc ngôn sứ
và mở đầu Phúc âm, ông là bản lề nối
Cựu ước và Tân ước". Đức Giêsu
quả quyết: "Trong các người nam không ai
trọng hơn Gioan Tiền hô".
|