Lời nói thật thì
khó nghe – Lm. Đam Trần Đình Nhi
(Suy niệm
của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)
Lắng
nghe sứ điệp của bài Tin Mừng
Ngôn sứ Isaia đã nói trước
về ông Gioan Tẩy Giả, gọi ông là “tiếng
người hô trong hoang địa”. Hôm nay tiếng hô ấy không lọt tai chút nào, trái lại ít ra làm cho nhiều
người thuộc phái Pharisêu và Xa-đốc phải khó
chịu hoặc choáng váng mặt mày. Tại
sao thế? Vì ông Gioan thẳng thắn
sửa sai họ. Vậy chúng ta hãy xem
tiếng hô đã nói gì về nhóm người ấy và có
lẽ cả về chúng ta hôm nay nữa.
Chúng
ta thử hình dung khung cảnh bờ sông Gio-đan, khuôn
mặt ông Gioan Tẩy Giả, nhóm người Pharisêu và
Xa-đốc. Nét mặt ông Gioan không dữ dằn hay
đỏ gay vì nóng giận, nhưng nghiêm nghị và
đượm một chút thất vọng. Ông
nhìn thẳng vào họ và cất tiếng nói. Ông không
nói bóng gió hay rào đón, nhưng đi thẳng vào vấn
đề của họ. Họ đến xin
ông làm phép rửa như bao người thì đâu là vấn
đề? Theo lời ông Gioan, đây là
vấn đề thứ nhất của họ.
Họ đến xin ông làm phép rửa chỉ là “cách
trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng
xuống” thôi, chứ họ đâu có thực lòng sám
hối. Họ coi phép rửa của ông Gioan là một
thứ nghi thức hay phù phép để giữ cánh tay trừng phạt của Thiên Chúa lại.
Cái chứng đặt nặng hình thức bề ngoài
vẫn là căn bệnh trầm kha của nhóm người
tự cho mình là công chính! Nhưng thực ra
phép rửa của ông Gioan chỉ là dấu hiệu mời
gọi họ hãy thay đổi cuộc sống mà “sinh hoa
quả để chứng tỏ lòng sám hối”.
Vấn đề thứ hai của nhóm
Pharisêu và Xa-đốc là tính tự tôn, dựa vào gốc gác
là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Quả thực họ mang cái vỏ là con cháu tổ
phụ Áp-ra-ham, nhưng trong lòng họ đâu còn chút tinh
thần nào của tổ phụ Áp-ra-ham nữa! Tổ phụ Áp-ra-ham là cha của đức tin.
Còn họ thì sẽ chẳng tin vào Chúa Giêsu và
sứ mệnh cứu độ của Người (xem
Gioan 8:31-41). Tổ phụ Áp-ra-ham “đã hớn hở vui
mừng vì hy vọng được thấy ngày của
[Chúa Giêsu]”. Còn họ thì “lượm
đá để ném Người” (8:56-57).
Để
sửa sai các “vấn đề” của họ và cũng là
vấn đề của chúng ta hôm nay, ông Gioan Tẩy
Giả kêu gọi tất cả hãy thực lòng sám hối và
tin vào Đấng sẽ đến sau ông, tức là Chúa
Giêsu, Đấng “sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần
và bằng lửa, tay cầm nia rê sạch lúa trong sân”. Nói
khác đi, chúng ta phải tin vào sứ mệnh của Chúa
Giêsu là làm cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa
và sẽ tiếp tục thanh tẩy chúng ta thành “thóc mẩy”
để được thu vào kho lẫm đời
đời của Thiên Chúa.
Sống
sứ điệp Tin Mừng
Có lẽ chúng ta tự hào mình không
giống như những người nhóm Pharisêu và
Xa-đốc, và những lời cảnh báo của ông Gioan
Tẩy Giả không nhắm vào chúng ta. Không phải vậy đâu! Cách sống
đạo của chúng ta nhiều khi không khác gì “cách
trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, làm mọi
sự vừa đủ để khỏi bị xuống…
hỏa ngục! Chúng ta đi lễ Chúa Nhật vì luật
buộc, đọc kinh hạt theo
số lượng mà không có lòng. Chúng ta cứ tưởng
hễ mình mang danh Công giáo là mai sau sẽ ung dung bước
vào thiên đàng. Chúng ta không cần để ý phải “sinh
quả tốt” là đời sống Kitô hữu đích
thực với đức tin sống động ngay ở
đời này.
Sứ
điệp của ông Gioan Tẩy Giả thuộc loại
“sự thật mất lòng”! Nó đòi chúng ta phải can
đảm nhìn thẳng vào cuộc sống mình, để
nhận diện những “vấn đề” trong
đời sống thiêng liêng cũng như gia đình và xã
hội của chúng ta. Sứ điệp
của ông Gioan không đe dọa, nhưng thành thực
giới thiệu với chúng ta Đấng cứu
độ là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu cũng mời
gọi chúng ta “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Vậy thì
mùa Vọng cũng là thời gian để chúng ta thay
đổi lối sống và theo Chúa Giêsu
làm môn đệ Người.
|