Hãy thống
hối vì Nước Trời đã đến gần
(Suy niệm
của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Bước vào
Chúa nhật II Mùa Vọng với chủ đề: Populus
Sion... (Này hỡi Dân Sion...) làm cho tâm hồn
chúng ta rạo rực chuẩn bị đón Chúa đến.
Sự kiện này đã được ghi
khắc từ lâu trong lịch sử. Một lịch
sử của sự tha thứ và khám phá ra lòng trắc
ẩn của Thiên Chúa đối với con người.
Lịch sử ấy có những đòi hỏi như Gioan
Baotixita mách bảo chúng ta: « Hãy sửa đường Chúa
», nghĩa là: hãy hoán cải tâm hồn. Thiên Chúa đến
với chúng ta dưới hình hài một trẻ thơ, Ngài
mời chúng ta đến gặp gỡ Ngài trong khiêm hạ:
"Này dân Sion hỡi, Chúa sắp ngự đến cứu
độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật
oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy... "
(Ca nhập lễ).
Bài đọc I
vang lên làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ
Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái,
Đấng mà ngôn sứ đã loan báo: "Từ gốc
Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc
ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy,
thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức
thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và
sức mạnh, thần hiểu biết và đạo
đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính
sợ Thiên Chúa. Ngài không xét đoán theo như mắt
thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng
Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những
người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh
đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở... " (x. Is 11, 1-10).
Tin Mừng theo
Thánh Matthêu (3, 1-12) trình bày cho chúng ta nhân vật Gioan Tẩy
Giả, là nhân vật đã được tiền báo trong
một lời tiên tri nổi tiếng của sách ngôn sứ
Isaia (Is 42,3). Gioan Tẩy giả lui vào sa mạc của vùng Giuđêa, dùng lời rao
giảng của mình kêu gọi toàn dân hoán cải để
sẵn sàng đón Đấng Mesia quang lâm. Lời kêu
gọi của Thánh Gioan, vị tiên tri được Thiên
Chúa sai đến như là vị tiền hô của Đấng
Thiên Sai, vang lên trong tuần thứ II của Mùa Vọng, vạch
ra cho chúng ta thái độ cần phải có để
sẵn sàng đón chờ Chúa đến: "Hãy ăn
năn thống hối, vì nước trời gần
đến". Nếu như xưa kia Gioan rao giảng và
kêu gọi người ta ăn năn thống hối,
kết quả là: "Dân thành Giêrusalem, khắp xứ
Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn
đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay
ông trong sông Giođan"; thì ngày nay sứ điệp này
vẫn vang dội qua các thời đại và gửi
đến với chúng ta ngày nay với tính cách thật
cấp bách.
Với giới
biệt phái và văn nhân, Gioan Tẩy Giả bảo họ:
"Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống
hối". Thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng (540 – 610) đã bình
giải rằng: "Gioan Tẩy Giả rao giảng kêu
gọi một Đức Tin chân thật và những
việc làm tốt lành, để nhờ đó sức
mạnh của ân sủng được thấm nhập,
ánh sáng của chân lý được chiếu giãi, và
những nẻo đường hướng về Thiên
Chúa được sinh ra trong những tư tưởng
thành tâm thiện chí, sau khi đã lắng nghe Lời Chúa, là
Lời dẫn đến mọi sự tốt lành".
"Hãy ăn năn thống hối, vì nước
trời gần đến". Công Đồng Va-ti-ca-nô II
dạy rằng: Chúng ta không biết được thời
gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta
cũng chẳng biết cách thức biến đổi
vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh
của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi
sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên
Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và
một đất mới, nơi công bằng ngự
trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và
đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào
dâng trong lòng con người. Khi ấy, sự chết
sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục
sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong
yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không
hư nát; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ
tồn tại và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã
dựng nên cho con người sẽ được
giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân.
Chúng
ta đã được cảnh giác là lời lãi cả
thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi
đất mới không được làm suy giảm, trái
lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái
đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại
mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình
ảnh của thời đại mới. Bởi vậy,
tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ
trần thế với sự bành trướng Vương
Quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở
thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp
phần vào việc tổ chức xã hội loài
người cho tốt đẹp hơn.
Thực
vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa
Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá
trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh
đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt
đẹp do bản tính và hoạt động con
người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại
chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh
tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu
sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn
lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và
đại đồng: "Vương quốc của chân
lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và
diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và
bình an". Vương quốc ấy đã
hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và
sẽ được kiện toàn khi Chúa đến. Trích "Hiến Chế Vui Mừng và Hy
Vọng", 39, 1-3.
Có thể nói
bốn tuần Mùa Vọng là như "tiền
đường" dẫn chúng ta chuẩn bị tinh
thần sẳn sàng tiếp đón Đấng Cứu
Thế ngự đến! "Hãy ăn
năn thống hối". Để gặp
được Đấng cứu thế, con người
cần phải hoán cải chính mình, nghĩa là tiến
đến cùng Chúa Kitô với đức tin tươi vui,
bỏ đi những cách thức suy tưởng và nếp
sống ngăn cản chúng ta sống theo Chúa cách trọn
hảo.
Trước Tin
Mừng của một Vị Thiên Chúa vì yêu thương
chúng ta đã tự hạ chính mình và mặc lấy thân
phận con người, chúng ta không thể nào không mở
rộng tâm hồn ăn năn hối
cải. Để gặp được Hoàng
Tử Bình An, chúng ta phải mở rộng lòng mình, khiêm
tốn và ngay thẳng.
Đó là lý do tại
sao Mùa Vọng là thời gian chờ đợi và hy
vọng. Giáo Hội lấy lại vào chúa nhật II Mùa
Vọng lời tiên tri đầy an
ủi của ngôn sứ Isaisa như sau: "Mọi
người sẽ nhìn thấy ơn cứu rỗi của
Thiên Chúa". Chúng ta hãy đặt tay
chúng ta vào tay Mẹ Maria, Nữ Vương của niềm
hy vọng để Mẹ giúp chúng ta sống Mùa Vọng
này cho xứng. Amen.
|