Thứ nữa, chắc chắn được vĩnh phúc cũng làm cho cái chết được tràn trề dịu ngọt vui mừng. Ta thường gọi cái chết là một cuộc vượt qua, đưa ta từ cõi đời ngắn ngủi này sang một cuộc đời vô tận. Thế nên, những người bước vào những phút giây chót cùng của cõi đời tạm này, mà không chắc mình sẽ được cứu độ, lại phải sợ hãi vì sắp gieo mình và chỗ chết đời đời, biết còn hoảng hồn kinh hãi nào mà họ không phải da diết? Trái lại, các thánh đã hoan hỉ biết bao khi nhìn thấy cõi đời ngắn ngủi của mình sắp hết, vì có một hy vọng êm đềm là sẽ được hưởng Chúa trên Thiên Đàng!
Một nữ tu Dòng Camêlô được viên y sĩ báo cho biết là bà sắp chết, bà cảm thấy nguồn vui dào dạt này:
“Ồ, thưa bác sĩ, bác sĩ báo một tin vui như thế mà không đòi tiền công ư?”
Trên giường hấp hối, thánh Lorensô Justinianô, thấy bạn hữu than phiền chung quanh đã bảo họ:
“Xin các bạn đi chỗ khác mà khóc. Nếu các bạn muốn ở bên tôi bây giờ, thì phải vui lên, như tôi đang hớn hở đây. Tôi thấy cửa Thiên Đàng đang mở rộng đón tôi vào hợp nhất cùng Thiên Chúa của tôi kia rồi.”
Thánh Phêrô Ancantara, thánh Luy Gonxaga và rất nhiều vị thánh khác nữa cũng đã hỉ hoan như vậy, và thấy chết đến đã hớn hở tươi cười. Ấy là các Đấng vẫn chưa chắc mình được nghĩa cùng Chúa, chưa chắc mình đã tới được cao độ trọn lành được kêu gọi tới đó.
Nhưng Rất Thánh Đồng Trinh Maria, ôi, đứng trước cái chết, Mẹ đã khoái thú dường nào, vì Mẹ ý thức rõ ràng, rất rõ ràng rằng Mẹ được sống thân tình chí thiết cùng Chúa, nhất là ngày Sứ Thần mà Chúa sai đến đã tuyên dương Mẹ là Mẹ đầy ân sủng, là Mẹ được Chúa ở cùng:”Kính chào Trinh Nữ đầy ân sủng: Chúa ở cùng Trinh Nữ... Trinh Nữ đã được ơn nghĩa cùng Chúa.”(Luca 1, 28).
Hơn nữa, Mẹ lại từng cảm thấy trái tim Mẹ hằng bừng bừng lửa mến yêu Thiên Chúa. Cha Bênađitô Busti quả quyết: nhờ một đặc ân độc nhất vô nhị, không một vị thánh nào được hưởng, Mẹ Maria đã yêu mến Thiên Chúa hằng giây, hằng phút trong trót cuộc đời Mẹ. Thánh Bênađô thêm:
“Mẹ mến yêu Thiên Chúa với một nhiệt tâm rừng rực, phải có một phép lạ liên tục mới giữ được Mẹ sống giữa bấy nhiêu ngọn lửa mến yêu nồng cháy.“
(Trích sách Vinh Quang Đức Mẹ Maria, của thánh Alphonso Ligouri, chuyển ngữ: Phạm Duy Lễ, CMC)
Thánh Alphonso Ligouri
|