Chờ
đợi Chúa đến
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Mùa Vọng đối với người
Kitô hữu chúng ta là mùa Xuân, vì nó khởi đầu một
niên lịch Phụng Vụ. Trong mùa Xuân, cây cối đâm
chồi nẩy lộc, kết nụ đơm hoa,
chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Như vậy, mùa
Xuân cũng là mùa vọng, là thời gian trông chờ, mong
đợi…
Nhưng,
thưa anh chị em, chúng ta mong đợi gì?
Sống là phải có
hy vọng, đợi chờ. Còn hy vọng, con
người còn nỗ lực, phấn đấu
để sống. Mất hy vọng, con
người sẽ không còn động lực nào để
sống, để làm việc, dù bất cứ ở lãnh
vực nào. Khoảng thời gian từ
lúc bắt đầu đến khi hy vọng
được thành tựu, là lúc người ta phải
chờ đợi, ngóng trông. Làm sao
tả hết được những tâm trạng chờ
đợi? Vì nó đa dạng và có nhiều mức
độ thao thức khác nhau:
-
Với một em bé,
chắc không còn nôn nóng nào hơn khi mong mẹ đi chợ
về, mua cho bé gói bánh, món quà.
-
Một học sinh đi thi, chắc
hẳn không một việc gì có thể làm cậu gián
đoạn sự trông chờ kết quả với
đầy hồi hộp, bồn chồn.
-
Với một thanh niên, còn gì thú vị
hơn lúc chờ đợi người yêu.
-
Trong lãnh vực nghề nghiệp,
người ta cũng mong ngóng, đợi chờ:
Người buôn bán thì mong trúng mối, đắt hàng,
nhiều lời. Người nông dân chẳng mong gì hơn
là mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi, hoa
quả đầy vườn.
Ai cũng ôm một
mối hy vọng, chờ mong. Đó là động cơ của
cuộc sống con người. Hy vọng với những
kết quả đạt được là hạnh phúc
của con người: được mùa, thi đậu,
là những món quà hạnh phúc của tuổi trẻ. Người yêu đến thăm, đến
đón, người chồng đi xa trở về, là
những hạnh phúc êm đềm, dịu ngọt.
Được mùa, làm ăn phát
đạt, là những hạnh phúc ấm no… Tất cả
đều là những hạnh phúc nho nhỏ của con
người.
Nhưng, thưa anh chị em,
Phải chăng con người chỉ mong
đợi có những hạnh phúc nho nhỏ đó thôi sao?
Con người không còn gì lớn lao
hơn để đợi chờ sao? Bởi vì, những
hạnh phúc cỏn con đó không thỏa mãn được
khát vọng của con người: Trong cuộc sống,
rất nhiều lúc chúng ta cảm thấy buồn chán,
lạc lõng, không biết mình muốn cái gì và ước
mơ điều gì nữa. Đó chính là một cảm
nghiệm thiếu vắng tình thương, thiếu
một “ai đó” có thể thỏa mãn được
mọi khát vọng của chúng ta.
Hoặc có những người, sau khi đã
hưởng thụ tất cả, bỗng cảm thấy
chán chường mọi giàu sang phú quý và sống vất
vưởng, tuyệt vọng. Nhưng họ
không biết đó chính là tiếng réo gọi thiêng liêng
đang đòi hỏi một cái gì có giá trị vô cùng so
với mọi thứ hạnh phúc trần gian tổng
hợp lại. Một hạnh phúc
đích thực và vĩnh cửu. Thật vậy, có
một đối tượng hy vọng, một
đối tượng trông đợi hạnh phúc
nhất, tuyệt vời nhất đối với con
người mà qua bao nhiêu thế hệ, con người
vẫn mang khát vọng sâu xa tìm kiếm: đó là Thiên Chúa.
Thật vậy,
đời người là cả một thời gian nôn nóng
chờ đợi ngày giáp mặt Thiên Chúa tình thương. Chỉ có Thiên Chúa
mới lấp đầy mọi khát vọng của con
người. Vũ trụ, tạo vật, nhất là con
người là kết quả của tình thương vô biên
đó, nên con người luôn có những khao khát vượt
thoát trần gian, mong được giải thoát khỏi
những ràng buộc vật chất, thể xác và những
đau khổ phiền muộn để sống với
tình thương viên mãn, bất diệt. Nhưng con
người lại gắn chặt vào thân xác, vào mặt
đất. Vì vậy, con người luôn bị giằng
co, ray rứt giữa trời và đất, giữa
ước mơ siêu nhiên và thực tại vật chất,
nhu cần thể xác.
Với người tín hữu, đối
tượng mong chờ của chúng ta đã cụ thể:
chúng ta mong chờ Chúa đến. Lẽ tất nhiên không
phải mong chờ Chúa đến như một cuộc
Giáng Sinh ở hai ngàn năm trước, nhưng là Chúa
đến trong vinh quang, Chúa đến khi Nước
Trời được hoàn tất. Chắc chắn Chúa
sẽ đến, nhưng ngày nào, giờ nào, thì chúng ta không
biết được vì vậy, “phải tỉnh
thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ
đến… Phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con
Người sẽ đến”. Phải sẵn sàng luôn,
đừng để bị bất chợt như dân chúng
trong thời ông Noê đóng tàu, đã không ngờ nên bị
Lụt Đại Hồng Thủy cuốn trôi đi; hay
như chủ nhà đã không tỉnh thức để
bị trộm vào nhà vét sạch tiền của.
Giờ Chúa
đến chỉ mình Thiên Chúa biết, chúng ta đi tìm tòi
có ích gì. Điều hệ trọng là sống
cho có ý nghĩa ở ngày hôm nay, sống để tạo
điều kiện cho Nước Trời mau đến.
Như thánh Phaolô đã dạy: “Anh em biết rằng
thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ
đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc
chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần
đến, chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta
hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không
ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không
tranh chấp ganh tỵ. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu
Kitô và chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng
xác thịt.
Anh chị em thân mến,
Mùa Vọng là
những ngày Giáo Hội giúp chúng ta ý thức đến ý
nghĩa cuộc sống của mình, ý nghĩa đó nối
kết chặt chẽ với tương lai, với ngày
Chúa đến. Tuy nhiên, chờ đợi Chúa đến,
không làm cho chúng ta xa rời cuộc sống, trái lại,
đòi hỏi chúng ta sống triệt để hơn, hoàn
thành nhiệm vụ chu đáo hơn, bởi vì Thiên Chúa phán
xét là tùy ở chỗ chúng ta sống trung thành với Ngài và
yêu như Ngài yêu chúng ta, thì chúng ta có thể chờ
đợi Chúa như đứa con chờ mẹ như
người yêu chờ người yêu.
|