Đức Giêsu Kitô,
Vua vũ trụ
(Suy niệm
của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện)
"Lạy
Đức Giêsu, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài
nhớ đến tôi!"
Bài
tin mừng hôm nay (Lc 23,35-43) trích trong trình thuật
thương khó theo Thánh Luca, kể lại những giây phút
cuối cùng trước khi Đức Giêsu chết trên
thập giá. Nhưng chính trong khung cảnh bi thương
đó, dung mạo và tư cách quân vương của Ngài
đã được mạc khải một cách rõ nét.
1. “Nếu hắn là Vua Kitô” (cc.35-39)
Mở
đầu bài tin mừng là ba cảnh nhạo báng
Đức Giêsu, do các thủ lãnh của dân, do lính tráng và do
một tên gian phi cùng chịu đóng đinh vời
Đức Giêsu, thực hiện. Dân (laos) thì đứng nhìn, trong một thái
độ chăm chú mang tính tôn giáo (chứ không chỉ là tò
mò).
Trước
tiên là sự cười nhạo
của các vị thủ lãnh. “Các thủ lãnh buông lời
cười nhạo: "Hắn cứu được
người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu
thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người
được Chúa tuyển chọn!"” (c. 35). Lời
của các vị thủ lãnh ở đây có hai giá trị.
Trước hết, do chỗ Đức Giêsu
được trình bày như một người có tài làm
phép lạ (“cứu được người khác”), nên
lời thách thức “cứu lấy mình đi” trong thực
tế là một lời nhạo báng tương tự
như trong 4,23 “thầy lang ơi hãy chữa lấy mình”.
Thứ hai, đặt trong sự nghi ngờ về tư
cách Mêsia của Đức Giêsu, lời yêu cầu “hãy
cứu lấy mình đi” đồng nghĩa với
lời yêu cầu một dấu lạ chứng thực
tư cách Mêsia.
Sau
lời nhạo báng của các thủ lãnh là sự chế giễu của bọn lính tráng.
Đây chắc chắn phải là những người lính
Rôma (x. 23,47). “Chúng lại gần, đưa giấm cho Ngài
uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu
lấy mình đi!” (cc.36-37). Lời chế giễu của
bọn lính Rôma cũng tương tự như lời
chế giễu của mấy ông lãnh đạo Do Thái,
nhưng tập trung trên khía cạnh chính trị, và như
thế, làm nên đợt sóng thứ hai trong cuộc
cười nhạo Đức Giêsu bị đóng đinh.
Tiếp nối ngay vào lời chế giễu này, tấm
bảng ghi bản án đặt phía trên đầu
Đức Giêsu cũng là một thành phần của
lời chế giễu về phương diện “chính
trị”: “Phía trên đầu Người, cũng có bản
án viết: "Đây là vua dân Do Thái” (c.38).
Lời
nhạo báng thứ ba tiếp ngay sau đó, là của một trong hai tên gian phi
cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu. (Chúng
ta không có cơ sở nào để khẳng định
chắc chắn anh này là một người Do Thái hay
một người dân ngoại). “Một trong hai tên gian phi
bị treo trên thập giá cũng nhục mạ
Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy
tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi
nữa!" (c.39). Lần thứ ba xuất hiện ngữ
đoạn “hãy tự cứu mình đi”, sau đó là một
yếu tố được thêm vào cho phù hợp với
hoàn cảnh của tên gian phi: “và cứu cả chúng tôi
nữa”. Nhưng chính Đức Giêsu, trong thực tế,
lại chỉ chờ đợi ơn cứu độ
đến từ Thiên Chúa, đúng theo lôgích của lời
Ngài đã nói trong 9,24: “Ai đành mất mạng sống
mình… thì sẽ cứu được mạng sống
ấy”.
Nội
dung sự cười nhạo của ba hạng
người trong bài tin mừng hôm nay đối với Chúa
Giêsu, cho chúng ta hiểu thế nào là niềm mong chờ phàm
trần mà người ta đặt nơi vương
quyền của Đức Giêsu.
Là Vua
Mêsia, Đức Giêsu sẽ đem đến cho con
người ơn giải thoát của Thiên Chúa? Câu hỏi
trở nên vô cùng gay cấn khi người ta phải
đối diện với Đức Giêsu đang quằn
quại đau đớn trong những giờ phút cuối
cùng trước khi chết thê thảm trên thập giá.
Kẻ không thể cứu nổi chính mình khỏi thảm
cảnh thập giá, sẽ có thể cứu cả nhân
loại này không? Vua Mêsia đấy ư? Đặt vào trong
một nhãn quan mang tính chính trị, câu hỏi xem ra càng thêm
gay cấn. Những kẻ đặt hy vọng vào Ngài
sẽ không phải tuyệt vọng và buồn tủi hay
sao, khi đối diện với tình cảnh của Ngài
trên thập giá?
Mỗi
năm chúng ta đều mừng lễ Đức Kitô Vua
Vũ Trụ. Nhiều lần chúng ta tuyên xưng
vương quyền của Ngài. Chúng ta vẫn trông chờ
Ngài sẽ tỏ vương quyền của Ngài trong gia đình,
trong nhóm, trong cộng đoàn và trong xã hội mà chúng ta
đang sống, nhưng hình như Ngài có vẻ yếu
thế (vì Ngài vẫn là Đấng chịu đóng
đinh). Thực ra, chúng ta chờ đợi gì nơi Ngài?
Một vị vua sẽ phô trương quyền lực
trong các lãnh vực tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội? Nếu Ngài không phô trương quyền
lực trong các lãnh vực đó cho chúng ta hưởng
thụ và vinh vang, chúng ta sẽ nhìn lên Ngài với cặp
mắt nào? Có lẽ sẽ không phải là nhạo báng,
nhưng chắc sẽ là oán trách và than thở…
Hóa ra
Đức Giêsu vẫn có thể đang bị nhạo
cười theo một nghĩa nào đó bởi chính chúng ta,
những đồ đệ của Ngài.
2. “Hôm nay, anh sẽ được
ở với tôi trên Thiên Đàng” (cc.40-43)
Đối
nghịch với ba lời nhạo báng và nhục mạ
ở phần thứ nhất của bài tin mừng là
một cảnh tượng hết sức ý nghĩa,
bắt đầu bằng một phản ứng của
người còn lại trong hai kẻ cùng chịu đóng
đinh với Đức Giêsu đối với thái
độ nhục mạ vừa diễn ra: “Nhưng tên kia
mắng nó rằng: "Mày đang chịu chung một hình
phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết
sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì
xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm
điều gì trái" (cc.40-41). Người trộm lành
thừa nhận hành vi gian ác mà anh đã phạm và tính chính
đáng của bản án dành cho anh. Đó là dấu hiệu
của sự sám hối.
“Rồi
anh ta thưa với Đức Giêsu: "Lạy Đức
Giêsu, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ
đến tôi!" (c.42). Người trộm lành trực
tiếp thưa chuyện với Đức Giêsu sau khi
đã phê bình tên gian phi đồng bọn. Anh gọi:
“Giêsu!”. Đây là lần duy nhất trong Tân Ước
Đức Giêsu được gọi tên riêng một cách
gần gũi như thế này. Trong một số
trường hợp (không nhiều), Đức Giêsu
được gọi bằng tên riêng nhưng luôn luôn kèm
theo một sự xác định như: “Lạy Thầy
Giêsu…” hay “Giêsu Nadaret”… Người trộm lành đã sám
hối bây giờ không hướng về Thiên Chúa, mà hướng
về Đức Giêsu và công nhận tư cách và vai trò Mêsia
của Ngài. Lời van xin của anh ta rõ ràng mang đậm
tính chất một lời cầu nguyện của
những Kitô hữu gốc Do Thái. Đức Giêsu,
đối với anh trộm lành, là Đấng Mêsia
Phục Sinh mà anh có thể có tương quan thiết thân
với Ngài. Trong lời cầu nguyện này, anh tuyên xưng
lòng tin mạnh mẽ vào vương quyền Mêsia của
Đức Giêsu.
“Và
Người nói với anh: "Tôi bảo thật anh, hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng" (c.43). Trong lời xin của mình, người
trộm lành mong ước một ơn cứu độ
tương lai sẽ được thực hiện vào lúc
cùng tận, khi vương quốc Mêsia được
thực hiện theo cách hiểu của niềm mong
đợi Israel. Nhưng Đức Giêsu lại bảo đảm cho
anh một ơn cứu độ của “hôm nay” với
một lời hứa long trọng. Ngài hứa ban cho
người trộm lành này một sự sống hiệp
thông trọn vẹn với Ngài ngay hôm nay. Trong viễn
tượng Kitô giáo, sự hiệp thông này là sự
sống viên mãn phúc lạc trong vinh quang của Đấng
chiến thắng sự chết và tội lỗi.
Đức
Giêsu chịu đóng đinh đã cho thấy Ngài không
phải là vị Vua Cứu Độ bảo đảm cho
con người ta những sự thiện hảo thế
tạm. Ngài chẳng giải thoát ngay cả chính bản thân
Ngài khỏi cái chết thảm thương trên thập giá.
Ngài cũng chẳng hứa sẽ giải thoát chúng ta
khỏi bệnh tật hay đói nghèo. Quyền bính của
ngài không liên quan trước hết đến những
thực tại trần gian, mà là ơn cứu độ và
sự sống trong Thiên Chúa. Ngài hứa với người
trộm lành một sự hiệp thông trọn vẹn trong
sự sống viên mãn trên Thiên Đàng. Ngài phá bỏ
những rào cản không cho con người hiệp thông
trọn vẹn với Thiên Chúa trong hạnh phúc miên
viễn, cho dù con người ở đây là tên gian phi
đang bị kết án tử hình.
Lời
tuyên bố long trọng của Đức Giêsu dành cho
người trộm lành cho thấy một nội dung quan
trọng của lòng tin Kitô giáo. Tương lai của nhân
loại, cá nhân cũng như tập thể, là chính
Đức Kitô. Thiên Đàng được trình bày ở
đây không phải trong nhãn quan khải huyền, mà là trong
những hạn từ diễn tả sự ở với
Đức Kitô. Đàng khác, ơn cứu độ là
thực tại của “hôm nay” và của cá nhân, chứ không
phải chỉ là thực tại của tương lai và
mang tính tập thể. Đức Kitô thực hiện
vương quyền của Người ngay hôm nay và cho
từng người cũng như cho mọi người.
Trong
viễn tượng của tin mừng theo Thánh Luca,
cảnh người trộm lành hối cải và cầu
xin với Đức Giêsu này tạo nên đỉnh
điểm của trình thuật về sự kiện
đóng đinh Đức Giêsu. Cảnh này kết thúc
chuỗi những lời nhạo báng và tạo ra một
sự đảo ngược quan trọng, trong đó,
người trộm lành không chỉ tuyên bố sự vô
tội của Đức Giêsu, mà xa hơn nữa, anh tuyên
xưng lòng tin vào vương quyền đích thực
của Ngài, vương quyền bị các thủ lãnh, lính
tráng và tên gian phi đem ra nhục mạ. Đức Giêsu
trong đoạn tin mừng này quả thực là một
vị vua, nhưng Ngài là vua theo một cách thức hoàn toàn
khác với những mong đợi mang tính chính trị. Ngài
thật là Đấng Cứu Độ, nhưng không
phải là một nhà giải phóng chính trị và quân sự.
Ba hạng người nhạo báng Ngài đều
đưa ra lời thách thức rằng nếu Ngài là Vua
Kitô thì Ngài hãy tự cứu mình đi và cứu cả
những người khác nữa. Đức Giêsu sẽ
đáp trả với thách thức ấy, nhưng không
phải là theo cách thế mà những người kia mong
đợi. Ngài cứu một con người, ngay khi
ấy, tức là ngay khi Ngài trút hơi thở, nhưng không
phải là cứu khỏi cái chết tạm thời, song là
đưa người đó đi vào sự sống viên mãn
và niềm phúc lạc đích thực. Ngài không làm những
hành động chính trị hay những pha biểu diễn
ngoạn mục. Vương quyền của Ngài là vương
quyền siêu việt và vĩnh cửu.Trong ngày Lễ Chúa
Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta mừng kính vương
quyền đích thực đó và đặt mình đầu
phục vương quyền cứu độ đó,
chứ không phải đi tìm hay khao khát những thực
tại thế trần và mau qua.
|