Chúa Kitô Vua – ĐGM.
Giuse Vũ Duy Thống
(Trích từ ‘Nút
Vòng Xoay’)
Trên báo Tuổi Trẻ cách đây khá lâu,
tôi gặp một chuyện ngắn của nhà văn
Nguyễn Quang Sáng, mang tựa đề “Tôi thích làm vua”,
truyện kể về một đội kịch khi đã
dàn dựng xong một vở xoay quanh vai chính là một ông
vua. Nhưng đến lúc trình diễn, người thủ
vai ông vua đã không có mặt. Đang còn lúng túng thì may sao tác
giả chuyện ngắn lù lù dẫn xác tới. Bằng
sức ép của tình thân người ta xếp ngay ông vào vai
ông vua với lời trấn an: “Làm vua dễ lắm!
Chỉ cần áo mão cân đai, trong ngai bệ vệ thị
oai xong liền”. Tác giả đã làm như thế và
buổi diễn được xem là thành công. Truyện
chỉ có thế, nhưng qua mạch kể, dẫn tới
kết luận: làm vua quá dễ và xét cho cùng, làm vua cũng
có nghĩa là chẳng phải làm gì cả.
Phụng
vụ hôm nay cũng đặt tín hữu đối
diện với một vị vua: Đức Kitô. Nhưng
Người là vị Vua thế nào? Đường lối
làm vua của Người có nhàn hạ không?
1.
Đức Kitô khởi đầu sự nghiệp bằng
việc tự hiến.
Ngay
từ đời đời, Đức Kitô đã là vua trên
cả tạo thành, nhưng vì không muốn cho con
người chỉ thấy nơi Người tự
bản tính đã là vua, mà còn muốn tỏ bài cho họ
hiểu để “là vua” Người phải “làm vua”
nữa. Vì loài người chúng ta và để cứu
rỗi chúng ta, Người đã trở thành Vua muôn vua.
Dẫu
là Vua Trời, Người đã chấp nhận từ
bỏ tất cả để bước xuống với
đời sống con người. Sự bước xuống
ấy chẳng phải là một chuyến vi hành như
kiểu những ông vua trong truyện “Nghìn lẻ một
đêm”, ban ngày thì thét ra lửa, nhưng ban đêm lại
cải trang giả dạng thường dân len lỏi vào
những ngõ ngách cuộc sống để nắm bắt
tình hình dân chúng, rồi bước sang ngày mới, lại
áo mão nghêng ngang ra dáng đức vua oai vệ.
Sự
bước xuống ấy cũng chẳng phải là
những chuyến du hành như những chuyến đi
lại của những ông vua hiện đại luôn
được bao vây bởi những vệ sĩ cận
kề hoặc những fan hâm mộ cuồng nhiệt, có
muốn quan sát sự tình cũng khó mà thấy sự
thật. Nhưng sự bước xuống ấy là
một chuyến đồng hành theo nghĩa mạnh
nhất của từ ngữ này, nghĩa là Vua Trời
đã làm người thực thụ giữa muôn
người trần gian để đồng hành với
con người trong cuộc phiêu lưu cứu độ.
Từ
trời cao hạ cố bước xuống với con
người, chưa đủ; từ Thiên Chúa tự
nguyện bước xuống làm người vì chúng ta,
cũng chưa đủ; từ con người vô danh
tiểu tốt lại khiêm nhường bước
xuống làm một tội nhân dẫu chẳng mang tội
gì, cũng chưa đủ. Qua Phúc Âm hôm nay, người ta
còn thấy Người bước xuống nữa, từ
một tội nhân lại nhận vào mình cái án của tên
tử tội.
2.
Đức Kitô xưng vương bằng việc tận
hiến.
Đọc
kỹ trang Tin Mừng hôm nay, người ta sẽ vô cùng
sửng sốt, bởi vì hình ảnh vị vua thì quá
nhạt nhòa trong khi hình ảnh của người tử
tội lại thật đậm nét, đến nỗi cái
chết của người ấy cũng không thể
gọi là một cái chết bình thường nếu không
muốn nói là “cái chết dữ”, theo ngôn ngữ Việt
Nam. Thay vì triều thiên là một vòng gai, thay vì long ngai là
một Thánh Giá, thay vì xa giá oai phong lẫm liệt lại
chỉ là những tiếng nhục mạ thách thức
của đủ mọi thành phần dân chúng. Kỳ
mục ghen ghét nên nhục mạ đã đành, lính tráng liên
quan gì mà phải lên tiếng, đến như anh trộm
dữ chết đến nơi rồi mà vẫn không
hết cay xè cà cuống độc mồm độc
miệng.
Nhưng
người ta càng sửng sốt hơn nữa khi biết
rằng người tử tội ấy là Chúa Kitô, và cái
chết của Người chính là đỉnh cao tận
hiến, đi đến cùng trong lựa chọn hiến
thân cho loài người. Nếu sinh thời Người
đã nói “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của
người hiến thân vì bạn hữu” thì câu nói đó
trước hết đã ứng nghiệm nơi
Người. Người chết thay cho nhân loại mà
Người hằng yêu mến, Người chết cho
họ được sống. Nhưng chính lúc Người
chết lại là lúc Người tỏ mình là Vua như hàng
chữ trên Thánh Giá đã ghi rõ.
Người
làm Vua bằng con đường tận hiến. Như
hạt lúa phải thối đi mới sinh nhiều bông
hạt; như cỗ máy phải chấp nhận hao mòn
đi mới phát sinh công suất; như bông hoa phải
chịu ngắt đi mới trang hoàng đẹp bàn
thờ; và cũng như cây nến phải chấp nhận
hao mòn đi mới có thể đem cho ngày lễ ánh sáng lung
linh.
3. Chúa Kitô
cai trị bằng thánh hiến.
Nếu
toàn cảnh Phúc Âm hôm nay là một bầu khí ảm
đạm thì câu kết thúc lại là một cảnh hoàn
toàn khác. Từ đỉnh cao Thập Giá, Chúa Kitô hứa
Thiên Đàng cho anh trộm lành. Trong lời hứa,
người ta đã thấy tỏ hiện vương
quyền trời cao; trong cách hứa, người ta đã
thấy vinh quang rạng ngời vương quốc; và
vượt trên tất cả, trong tương quan của
người trao và người nhận lời hứa, là
sáng lên dung mạo của vị Vua bao dung thánh hiến
tất cả để đặt vào tình trạnh sống
mới.
“Hôm
nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta”. Trong bảy
lời Chúa Giêsu phán ra từ Thập Giá, đây là lời oai
phong nhất, không là lời của người tử
tội, mà là lời của một vị Vua quyền uy
trong Vương quốc của Người là Thiên đàng.
Đây cũng là lời đậm màu cứu độ
nhất vì anh trộm khi chẳng còn hy vọng nào khác đã
biết bám víu vào Chúa Giêsu, nên anh đã nhận được
ơn cứu rỗi, tức là được thánh hiến
để sẵn sàng tháp tùng Người bay thẳng vào
chốn Thiên Đàng không cần qua một trạm trung
chuyển nào. Sướng thật. Rõ trộm chuyên
nghiệp nên phút cuối cùng còn trộm được
cả Thiên Chúa. Có lẽ cũng nên nói một chút về hai
chữ “hôm nay” của lời hứa đặc biệt
này, một chữ nhiều gợi ý, nhưng gắn
liền với việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên
Thánh Giá, nên chữ ấy cũng liên quan đến việc
thánh hiến của vì Vua cứu độ. Ngay từ lúc
Chúa Giêsu chịu chết, Vương quốc Thiên Đàng
của Người đã tỏ hiện, vương
quyền thánh hiến của Người đã phát huy,
để chữ “hôm nay” trở thành chữ hiện
thực muôn đời của tấm lòng vị Vua Cứu
Thế.
Qua
việc thánh hiến lòng cậy trông của ông trộm lành,
Đức Kitô đã khẳng định đường
lối làm vua của Người mãi mãi. Người thánh
hiến trọn vẹn mỗi người và mọi
người, như kiểu nói của thánh Phaolô:
“Người thâu họp tất cả trong một đầu
mối chính là Người, để mà dâng lên Chúa Cha”.
Tóm
lại, Đức Kitô là một vị Vua rất khác
lạ, Người làm tất cả chỉ vì muốn
cứu độ muôn người: Người tự
hiến cúi xuống với con người; Người
tận hiến mạng sống cho con người, và
Người thánh hiến để con người được
sống muôn đời với Người trong vương
quốc vĩnh cửu. Vấn đề còn lại là hãy
tôn vương Chúa Kitô ngay trong cuộc sống hôm nay.
Có
lần đến một xứ đạo vùng Hố Nai
dâng Thánh Lễ, tôi không xác định được
phương hướng, phải nhờ một bác tài
xế chỉ cho. Bác bảo: tới ngã ba thấy
tượng Chúa Kitô giang tay, hãy đi về phía tay phải,
sẽ gặp địa chỉ muốn tìm. Rõ ràng chỉ
là một câu nói, nhưng đầy gợi ý: hãy đi
về phía tay phải Chúa Kitô bằng một cuộc
sống tốt lành, người ta sẽ gặp
được địa chỉ mong ước, đó là
Nước Chúa Kitô, là quê hương hạnh phúc.
|