Bị mang đi hay được mang đi?
Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục với lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, từ dấu chỉ Nước Trời ở bài Phúc Âm hôm qua đến sự kiện Nước Trời trong bài Phúc Âm hôm nay theo chiều hướng của câu những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu về thời điểm Nước Trời đến trong bài Phúc Âm hôm qua.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, những lời của Chúa Giêsu nói về ngày tận thế, một thời điểm cho ngày cùng tháng tận của thế giới này, đã xẩy ra như thế nào, được Thánh ký Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu cho biết một cách tổng quan liên quan đến dấu hiệu của nó, đến việc cần phải đối phó với nó, và đến hiện tượng của nó thứ tự như sau:
Ngày tận thế - Dấu hiệu: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người. Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".
Ngày tận thế - Đối phó: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó".
Ngày tận thế - Hiện tượng: "Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại".
Trước hết, về dấu hiệu của mình thì ngày tận thế "xẩy ra như thời Noe" và như "thời ông Lót". Nghĩa là bấy giờ, vào những thời được Chúa Giêsu nêu lên đây, "thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng", "người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất". Tức trong khi con người ta chẳng để ý gì hết, cứ vui vẻ hưởng thụ và làm ăn sinh sống, thì "cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".
Như thế thì quả thực "ngày Con Người xuất hiện" xẩy ra đùng một cái, chứ không từ từ hay được báo trước về ngày giờ chính xác của nó: "Như chớp lóe ra từ đông sang tây thế nào thì Con Người đến cũng như vậy" (Mathêu 24:27), hoàn toàn ngoài dự tưởng của con người, vào chính lúc con người không ngờ và chẳng kịp sửa soạn gì hết, ngoại trừ việc duy nhất là họ cần phải liên lỉ tỉnh thức: "Hãy tỉnh thức vì các con không biết được ngày giờ nào" (Mathêu 25:13).
Nếu vào "thời ông Noe" người ta cùng mọi sinh vật trên mặt đất bị đại hồng thủy hủy diệt (xem Khởi Nguyên 7:4), và vào "thời ông Lót" người ta bị mưa lửa từ trời đổ xuống thiêu hủy (xem Khởi Nguyên 19:24), chỉ vì con người bấy giờ quá ư là hư hỏng tội lỗi, toàn là nhục dục vào "thời ông Noe" (xem Khởi Nguyên 6:3,5), thậm chí còn nhục dục đồng tính nữa vào "thời ông Lót" (xem Khởi Nguyên 19:4-14), thì hiện nay, con người càng văn minh về vật chất lại càng phá sản về luân lý, chắc chẳng cần bị Thiên Chúa ra tay, chính họ sẽ tự hủy diệt mình bằng quyền tự do được phép phá thai thoải mái và đồng tình hôn nhân vô sản lăng loàn của họ, chưa kể đến tình trạng con người bị tiêu diệt bởi chiến tranh và khủng bố cùng tai nạn nhân tạo liên tục xẩy ra chưa từng có trong lịch sử loài người.
Sau nữa, về cách đối phó với ngày tận thế, đối phó với những gì "xảy ra trong ngày Con Người xuất hiện" thì dù bất chợt xẩy ra vẫn còn có thể thoát nạn, vẫn còn có thể cứu vãn. Ở chỗ, đừng tiếc xót gì hết, như "trường hợp vợ ông Lót" trong lúc chạy trốn mà vẫn ngoảnh lại như còn tiếc xót những gì bị mất mát nên đã bị trở thành tượng muối (xem Khởi Nguyên 19:26). Lúc bấy giờ chỉ còn một cách duy nhất là "bỏ của mà chạy lấy người", đúng như lời Chúa căn dặn trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về".
Không biết ở đây có phải Chúa Giêsu muốn nói đến những thành phần Kitô hữu chứng nhân vào thời bấy giờ hay chăng, thành phần "ở trên mái nhà", tức là những con người loan truyền những gì được nói cho biết một cách riêng tư (xem Mathêu 10:27; Luca 12:3), và thành phần "ở ngoài đồng", tức là những người đang gieo rắc hạt giống đức tin hay đang gặt hái mùa màng (xem Gioan 4:35-38). Vì chính lúc "sự dữ gia tăng mà lòng con người hầu hết ra nguội lạnh" (Mathêu 24:12) thì "Tin Mừng về Nước Trời được rao giảng khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới ngày cùng tận" (Mathêu 24:14).
Sau hết, về hiện tượng của ngày tận thế, một thời điểm liên quan đến chết chóc, một thời điểm được biểu hiệu bằng chết chóc, một thời điểm con người đã đi đến chỗ tột cùng băng hoại, như chính Chúa Giêsu đã ám chỉ trong lời cuối cùng của Bài Phúc Âm hôm nay: "Xác chết ở đâu thì diều hâu bâu lại đó".
Như thế thì phải chăng thế giới ngày nay cũng sắp sửa tận thế hay thậm chí đang ở ngày vào thời tận thế, vì họ đang "sống" trong sự chết: trong trận lụt "văn hóa sự chết - culture of death" (thành ngữ của ĐTC Gioan Phaolô II), thậm chí càng ngày nó càng trở thành một "văn hóa tận số - terminal culture" (ĐTC Phanxicô).
Chính lúc con người tự hủy diệt và không thể nào cứu được mình như thế, như một "xác chết" mới lại là lúc xuất hiện của "diều hâu" là loài chim vốn nhậy cảm với mùi chết chóc và thích rúc rỉa những gì là thối rữa. Và vì thế những ai không bị "diều hâu" rúc rỉa là thành phần được cứu rỗi, như được Chúa Giêsu ám chỉ về số phận của kẻ "được" mang đi, tức "được" giải thoát, "được" cứu độ, cũng như của người "bị" để lại cho "diều hâu" xâu xé làm thịt trong bài Phúc Âm hôm nay như sau:
"Trong đêm ấy (đêm ám chỉ chết chóc và quyền lực hoành hành kinh khủng của sự dữ) sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường (hình như ở đây là hình ảnh ám chỉ đến tội đồng tính hôn nhân), thì một người được đem đi, và người kia sẽ bị để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối (phải chăng đây là hình ảnh ám chỉ tội tạo sinh ngoại nhiên xẩy ra cho trường hợp của một người vợ son sẻ không con và một người nữ mang thai mướn thụ thai nhờ tinh trùng của người chồng có vợ không con?), thì một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ bị để lại".
Theo chiều hướng ấy và ý nghĩa được suy diễn như vậy, ở đây người chia sẻ phụng vụ lời Chúa xin phép được tạm chuyển đổi chữ "bị" thành chữ "được" và chữ "được" thành chữ "bị" ở bản dịch của bài Phúc Âm hôm nay.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|