Ta chân nhận rằng Mẹ Maria phải cầu xin Chúa mới ban ơn. Nhưng ta cũng phải chân nhận rằng Mẹ cầu xin với uy quyền của một người Mẹ, cho nên chúng ta phải gạt bỏ hết mọi hoài nghi mà tin chắc rằng Mẹ đạt được tất cả những gì Mẹ ước nguyện, tất cả những gì Mẹ xin cho chúng ta. Cha Gôđêphiđô viết: “Chúa Giêsu xuống thế làm người, Người đã tiếp nhận hữu thể nhân loại từ Đức Thánh Trinh Nữ, cho nên hết mọi giáo hữu đều tin thật rằng Mẹ Maria cầu xin Con Mẹ với uy thế của một Người Mẹ để được những gì Mẹ muốn”.
Sử gia cổ Rôma Valêriô Maximô (1) thuật truyện tướng Côriôlanô1 rằng: khi ông đem lực lượng hãm thành Rôma, tất cả các bạn hữu cũ của ông cũng như toàn dân đều hoài lời van vỉ, không sao làm ông kích cảm khỏi gieo rắc thảm họa cho quê hương mình. Họ đành bó tay thúc thủ, để mặc ông xua quân phá thành. Nhưng khi mẹ ông là bà Veturia ra xin, thì nhà tướng gan góc đó đã không sao cưỡng lại được lời xin của bà, lập tức ra lệnh giải vây Rôma. Lời cầu xin của Mẹ Maria còn có mãnh lực hơn lời xin của bà Veturia nhiều. Chúa Giêsu càng là một Người Con hiếu nghĩa tri ân, càng mến yêu Mẹ rất mực, thì lời Mẹ xin càng có mãnh lực khiến Chúa nghe theo. Cha Giutinô Miêchovitch viết: “Một ước nguyện của Mẹ Maria có giá trị hơn lời cầu xin của tất cả các thánh hợp một”. Đến ngay ma quỉ, theo cha Paciucchelli thuật lại, một hôm bị lệnh thánh Đaminh cưỡng bách, cũng phải thú thật, qua miệng một người nó ám nhập rằng: chỉ một ước nguyện của Mẹ Maria cũng có uy thế trước mặt Chúa hơn tất cả các lời nài van chung lòng của các thánh.
Thánh Antôninô cũng nói tương tự rằng: “Những lời cầu xin của Mẹ Maria, vì là lời của một người Mẹ, có tính cách như một mệnh lệnh, cho nên những lời cầu xin ấy không thể không được chấp nhận”. Và thánh Germanô, để khuyến khích các tội nhân tin tưởng vào vị Nữ Trạng sư này, đã kêu lên cùng Mẹ: “Ôi Maria, đối với Thiên Chúa, Mẹ sử dụng uy thế của một Người Mẹ, nên Mẹ xin được Chúa tha thứ cho cả những tội tầy trời nhất, vì, lúc nào cũng xử với Mẹ như với Mẹ thật tinh tuyền của Chúa, Chúa không thể không nhận lời Mẹ”. Thánh Brigita nghe thấy các thánh trên trời ca tụng Mẹ Maria rằng: “Vinh danh Mẹ, lạy Nữ Vương chúng con, chẳng có gì vượt được trên quyền Mẹ! Mẹ chỉ muốn đã đủ cho vạn sự tựu thành”. Câu thơ phổ biến sau đây cũng cùng ý nghĩa đó:
Lời cầu của Mẹ làm nên
Những gì Thiên Chúa phán truyền làm ra (2).
Thánh Âutinh sốt sắng hỏi: “Sao? Chúa đã tuyên bố Người xuống trần không phải để hủy diệt luật pháp; luật pháp đó đòi chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vậy tôn kính Mẹ Maria lại chẳng là điều thích đáng với lòng nhân từ của Chúa sao?” Hơn nữa, đức cha Gêôgiô, tổng giám mục Nicômêđia thêm: Nếu Chúa Giêsu Kitô chấp nhận hết mọi lời Mẹ cầu xin như vậy, thì chỉ là một cách trả xong món nợ tri ân, vì Mẹ đã bằng lòng cung cấp cho Chúa một hữu thể nhân loại. “Ưng nghe lời Mẹ cầu xin, là Con Mẹ đã trả xong Mẹ một món nợ”. Thánh Mêthôđô tử đạo cũng cảm động cao lời: “Vui lên, Maria Mẹ ơi, vì Mẹ được hân hạnh có một khách nợ là chính Con Thiên Chúa, Người đã cho cả thế giới vay nợ, chứ không phải nhờ vả ai. Chúng con hết thảy đều là loài người nặng nợ, chẳng có gì chúng con có mà chẳng phải là một ân tứ Chúa ban, nên chúng con tất cả đều là con nợ của Chúa. Nhưng Mẹ thì không thế, Thiên Chúa đã muốn làm con nợ của Mẹ khi nhận được nơi Mẹ một thân xác để trở nên Con Người”. Thánh Âutinh nối lời: “Rất Thánh Đồng Trinh Maria đã có công trong việc trao tặng Ngôi Lời một xác thể nhân loại, chuẩn bị giá chuộc chúng ta, nên Mẹ có dư khả năng giúp đỡ chúng ta hơn hết thảy các thánh, để xin cho linh hồn chúng ta được giải cứu”. Và thánh Thêôphilê, thượng phụ giáo chủ Alêxanria, người đồng thời với thánh Giêrônimô, cũng viết: “Ôi! Mẹ Maria cầu xin thì vui lòng Chúa biết mấy! Vì Chúa chỉ muốn tùy lời Mẹ xin mà ban ân huệ cho chúng ta; làm như vậy, Chúa mới nhận rằng đã trao trả Mẹ món nợ mà Chúa đã mượn khi mặc xác thể trong lòng Mẹ”. Rập theo những lời trên, thánh Gioan Đamát tán tụng: “Ôi Maria, lời cầu xin của Mẹ giải thoát được hết mọi người, vì lời cầu ấy là lời cầu có mặc uy thế của một người Mẹ”.
Sau cùng, để chấm dứt tiết này, chúng tôi xin trích ra đây những lời thánh Bonaventura thân thưa cùng Mẹ, để suy niệm xem chúng ta đã được Chúa ban bao ân huệ, khi đặt Mẹ Maria làm trạng sư biện hộ cho ta: “Ôi Chúa nhân từ đại lượng đáng thán phục biết bao! Mẹ là Mẹ Người và là Nữ Vương thiên quốc, mà Chúa lại tuyển nhiệm Mẹ làm Trạng sư biện hộ cho lũ tội nhân rủi phận chúng con, để Mẹ dùng quyền can thiệp vạn năng mà xin cho chúng con hết mọi ân sủng Mẹ muốn”. Rồi tưởng đến tình thương của Chúa, thánh nhân lại tiếp: “Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con”.
Thánh Anphong Ligouri
-------------------------------------------------------------------------------
(1) Exempla romana, n. 4. Coriolan là viên tướng bách chiến bách thắng của cổ Lamã. Ông vì kiêu căng với sự nghiệp mỉ mà bị dân thành ghét bỏ, trục xuất vĩnh viễn khỏi thành. Ông sang dân Volsques vốn là thù địch của Lamã, và chỉ huy người Volsques kéo về hãm vây quê hương cũ.
(2) Quod Deus imperio.
(Trích sách Vinh Quang Đức Mẹ Maria, của thánh Alphonso Ligouri, chuyển ngữ: Phạm Duy Lễ, CMC)
Thánh Alphonso Ligouri
|