Tiền bạc
Qua thái độ đền bù rộng
rãi của ông Giakêu tôi muốn chia sẻ một vài ý
tưởng nhỏ mọn về vấn đề
tiền bạc.
Người xưa đã nói: của đồng
lần thiên hạ tiêu chung. Thực ra
tiền bạc có mục đích là để phục
vụ con người. Nó được dùng để nuôi
sống và thăng tiến con người toàn diện. Vì
thế của cải phải được phân chia công
bằng, và mọi người phải chung
tay đóng góp vào đó. Kẻ giàu phải biết mở
rộng con tim và bàn tay cứu giúp
người nghèo túng. Còn người nghèo,
không có gì phải mặc cảm khi nhận lãnh sự giúp
đỡ của họ, dù giá nào mình vẫn sống khiêm
hạ và công chính. Nào có ai giàu ba họ khó ba đời
đâu mà lo!.
Trên thực tế, chúng ta thấy có
điều đáng buồn, đó là số người
nghèo quá đông, chiếm tới 3/4 nhân loại. Còn
kẻ giàu lại làm giàu trên sự túng cực của
người nghèo. Kẻ giàu thì như chuột sa chĩnh gạo, còn người nghèo thì
lại bị chó cắn áo rách. Giàu nghèo mãi mãi trở thành
hai phe chống đối nhau, gieo tai
họa cho nhau. Kinh Thánh đã lên án
những kẻ giàu bất công và ích kỷ. Đồng
thời tục ngữ Việt Nam cũng xác quyết:
- Của thiên trả địa.
- Của phù vân thì vần xuống biển.
Của cải dành cho một số người
có nghĩa là nó sẽ loại trừ hạnh phúc của
một số đông. Của cải sẽ làm cho chúng ta xa
lìa Thiên Chúa là Đấng ban phát cho chúng ta. Một
xứ đầy vàng bạc sẽ chóng biến thành
ngẫu tượng. Vì khi đã mãn
nguyện rồi, họ sẽ kiêu căng mà lãng quên Thiên
Chúa. Và chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo: Không ai có
thể làm tôi hai chủ, hoặc yêu chủ này mà ghét chủ
kia, cũng vậy không ai có thể làm tôi
Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền bạc. Con lạc đà
chui qua lỗ kim còn dễ hơn
người giàu có vào Nước Trời.
Bởi đó, vấn đề là
phải biết san sẻ cho nhau, bởi vì không ai có thể
tự sống tự lập một mình, không cần
nhờ cậy ai. Ngay như kẻ giàu có, cũng phải
nhờ vào người nghèo túng mà trở nên khấm khá.
Cho nên chia sẻ là điều hợp tình và
hợp ý. Trước hết là cùng nhau chia sẻ những
gì mình có. Chẳng hạn cùng là người Việt Nam, chúng ta hãy chia
sẻ gia tài quí giá cũng như phúc lộc do tổ tiên
để lại về luân lý và văn hóa. Cùng là con cái Thiên
Chúa, chúng ta hãy chia sẻ với nhau trong Giáo Hội những
việc lành thánh và ơn cứu rỗi. Còn
về của cải, chúng ta thấy các tín hữu
đầu tiên ở Giêrusalem đã chia sẻ cơm áo cho
nhau không để của mình là của riêng. Tiếp đến là chia sẻ cái mình hơn cho
người kém, cái mình có mà người khác không có và
ngược lại người khác cũng làm như
thế. Đó là lá lành đùm lá rách, có
đi có lại, chị ngã em nâng.
Thật ra chúng ta luôn luôn có những cái
để chia sớt và luôn có những người
để lãnh nhận, vì chính chúng ta cũng đang ở
trong tình trạng như thế. Cùng là chi thể của một
thân thể, chúng ta có trách nhiệm lẫn nhau như câu nói:
‘Môi hở răng lạnh, một con ngựa đau cả
tàu không ăn cỏ’.
Và sau cùng, chúng ta phải sống
thế nào để đem lại hạnh phúc cho
người khác, nhất là những người túng
thiếu hơn mình. Chúng ta phải coi
hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của mình.
Khóc cùng kẻ khóc, vui cùng kẻ vui.
Sự chia sẻ cho người khác
hàm ý cho đi mà không đòi lại, cho đi thì có phúc hơn
là nhận lãnh. Hãy coi sự cho đi của tre già cho
măng mọc, của cha mẹ cho con cái được
phát triển. Chúng ta hãy nối rộng vòng tay tình thương đến những ai
đang cần tới chúng ta để họ thuộc
về gia đình của Chúa sớm hơn. Hãy
coi Chúa Giêsu, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó
để nhờ Ngài mà chúng ta được trở nên
giàu có, thì đến lượt chúng ta, chúng ta không có
quyền sống ích kỷ hưởng thụ cho riêng mình.
Tất nhiên cho đi là tiếc xót và thiệt
hại, nhưng khi chúng ta đã chọn Chúa làm gia nghiệp
thì Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
|