Đổi đời
Câu chuyện trong bài Tin Mừng do thánh Luca kể
lại. Ngài được mệnh danh là “Thư ký của
lòng thương xót”, vì trong Tin Mừng của ngài đã
kể lại nhiều giáo huấn và công việc Chúa Giêsu
làm để bày tỏ lòng Chúa xót thương loài
người tội lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay là một
bằng chứng điển hình rõ ràng. Trên
đường lên Giêrusalem, khi đi ngang qua thành Giêricô, Chúa
Giêsu đã gặp một người tội lỗi,
nhưng đầy thiện chí, là ông Giakêu. Chúa đã
ghé vào trọ nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả
gia đình ông, bất chấp mọi lời dị
nghị, gièm pha.
Ông Giakêu không những là một người thu thuế, mà còn là thủ lãnh những
người thu thuế, tức là một chủ thầu
thuế má, nên ông cũng là một người rất giàu
có. Dân Do thái rất ghét những người thu
thuế, coi họ là những người tội lỗi,
không thể ăn năn hối cải, không thể tha
thứ, làm tay sai cho ngoại bang: thu thế cho nhà
nước bảo hộ, tức đế quốc Rôma.
Trong nghề đó, người ta có thể bày rất
nhiều trò ma giáo để ăn
hối lộ những kẻ muốn trốn thuế, hay
muốn giảm thuế phải đóng. Bởi đó,
người Do thái ghê tởm những người thu thuế. Ông Giakêu là
người như thế. Không những
ông bị thiên hạ khinh dể mà còn có thân hình thấp lùn.
Ông muốn tìm cách để xem Chúa
Giêsu là người như thế nào. Nhưng dân chúng chen chúc chung quanh Chúa đông quá. Ông
quyết không bỏ lỡ cơ hội. Một
người chủ thầu phải có nhiều sáng
kiến. Ông chạy tới trước và leo
lên một cây sung bên đường. Ông yên tâm
chờ đợi, vì Chúa Giêsu sắp đi ngang qua đó.
Lòng ước muốn của ông thật là
mãnh liệt, vì ông không sợ đám đông chế diễu.
Ông chỉ còn biết một điều là làm
sao thấy được mặt Chúa Giêsu. Quả thực, ông đã có thiện chí. Bấy nhiêu đã đủ để Chúa
trọng thưởng tấm lòng chân thành của ông.
Chúa Giêsu đi tới, Ngài nhìn lên và
gọi đích danh ông. Điều quan trọng là Chúa không
chỉ đi ngang qua cho ông Giakêu nhìn Chúa, chính Chúa nhìn lên và
gọi ông đúng như có lần Chúa đã nói: “Ai tìm thì
thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”. Ông
Giakêu đi tìm và ông đã thấy, ông đã gõ cửa và Chúa
đã mở cho ông, bằng cách xin ông mở cửa nhà ông
cho Ngài vào. Chúa muốn đến với
ông và đến tận nhà ông.
Được đáp ứng quá
sự trông mong. Ông muốn thấy Chúa thì Chúa
đến tận nhà để ông nhìn cho đã. Chúa quảng đại vô cùng. Ông
vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón
rước Ngài. Nhưng đám đông
lại sầm xì với nhau. Họ khó
chịu với Chúa Giêsu, vì Chúa vào trọ nhà một
người tội lỗi. Ông Giakêu
đã tìm ra giải pháp để vượt qua cái giới
hạn của tấm thân lùn. Liệu ông có tìm
được giải pháp cho thân phận tội lỗi
của ông để thắng được lời xì
sầm kia không? Ông không sợ đám
đông chế diễu khi leo lên cây sung
để nhìn mặt Chúa, thì Chúa đã đáp lại, Ngài
không sợ đám đông sầm xì khi yêu cầu ông đón
Ngài về ở nhà ông.
Đứng trước tình
thương của Chúa, ông đã mở rộng tâm hồn. Ông sẵn sàng
chuộc lại tội lỗi, ông thưa với Chúa là đem
nửa gia tài phân phát cho người nghèo. Không những
thế, ông thấy mình còn phải thực hiện sự
công bình nữa: làm thiệt ai ông sẽ đền gấp
bốn. Lòng quảng đại của ông sánh với lòng
quảng đại của người đàn bà tội
lỗi: ông yêu mến nhiều vì đã được tha
nhiều. Lòng yêu mến của ông đối
với Chúa Giêsu diễn tả thành lòng yêu mến
người nghèo và những người đã bị ông bóc
lột.
Sau khi ông Giakêu tuyên bố quyết định của
ông, thì Chúa Giêsu nói: “Hôm nay nhà này được cứu
độ, bởi người này cũng là con cháu tổ
phụ Abraham”. Ông Giakêu trở thành kiểu mẫu đón
nhận ơn cứu độ và là cơ hội
để Chúa Giêsu khẳng định sứ mạng
của Ngài: “Con Người đến để tìm và
cứu những gì đã hư mất”. Ông
Giakêu đã bị đám đông loại trừ, vì thân ông
lùn và phận ông tội lỗi. Nhưng Chúa đã
rời đám đông kiêu hãnh kia
để đi tìm ông và đem ơn cứu độ cho
ông. Chúa đã nhìn ông và cứu ông. Cái nhìn của Chúa, cái nhìn chinh phục, cái nhìn
của tình thương muốn cứu vớt. Ông Giakêu đã tìm cách nhìn thấy Chúa, nhưng ông
cũng đã để cho Chúa nhìn ông và chinh phục ông.
Ông được cứu độ.
Qua những điều trên, chúng ta hãy ghi nhớ hai
điều sau đây: Thứ nhất, những tội
bất công hay tham nhũng mà ông Giakêu phạm, đã làm cho
ông mất tước hiệu là con cái Abraham. Nhưng
với sự ăn năn sám hối, muốn làm lại
cuộc đời, sửa lại những lỗi lầm,
ông Giakêu đã được chính Chúa Giêsu tha tội và
trả lại cho ông tước vị đó. Tước
vị con cái Abraham là một vinh dự của người
Do thái. Nhưng người Công giáo, ngoài
tước vị đó ra, chúng ta còn là con cái Thiên Chúa.
Người Do thái rất hãnh diện về
tước vị đó. Còn chúng ta, chúng
ta có hãnh diện về tước vị làm con Thiên Chúa
không? Nếu làm mất danh hiệu con cái Thiên Chúa, chúng
ta cũng cần bắt chước Giakêu mà sửa lại
những lỗi lầm gây nên sự mất mát kia, để Chúa cũng trả lại danh
hiệu nghĩa tử Thiên Chúa cho chúng ta và tuyên bố
về chúng ta rằng: “Người này cũng là con cái Thiên
Chúa”.
Thứ hai, nhiều người Công giáo quên mất
rằng: Đạo Chúa là đạo cứu thế chứ
không phải đạo phán xét. Do đó, người Công
giáo cũng phải có tinh thần cứu thế, không phán
xét, khinh dể những người tội lỗi… Chúa
Giêsu đã không hùa theo người Do thái
mà khinh dể, loại trừ ông Giakêu. Trái
lại, đã đến với ông để cứu ông và
cả gia đình ông, làm cho họ trở thành con cái thực
thụ của Abraham. Thế thì người Công giáo
cũng vậy, phải yêu thương tội nhân,
đến với họ, mang ơn cứu độ cho
họ và làm cho họ lấy lại tước vị “con
cái Abraham” trong đức tin và “con cái Thiên Chúa” trong tình yêu
thương bác ái.
|