Tinh thần truyền giáo
(Suy
niệm của ĐGM.
Giuse Vũ Duy Thống)
“Không
biết khi Con Người đến, liệu còn gặp
thấy niềm tin trên mặt đất nữa không?”. Trang Tin Mừng hôm nay
được kết thúc như thế. Có thể đó là câu hỏi một thoáng bâng khuâng
Chúa Giêsu thốt lên cho riêng mình Người. Cũng có thể đó là câu hỏi dự báo
một tình huống không vui Chúa Giêsu cảnh giác cho các môn
đệ. Có khi câu hỏi đó
đợi chờ một lời đáp tích cực mở
ra cho lối sống đức tin lạc quan. Và biết đâu, câu hỏi đó lại chẳng
tố giác một thực trạng tiêu cực đang
dần dà bào mòn niềm tin tôn giáo?
Nhưng
đặt trong bối cảnh của Chúa Nhật cầu
cho việc truyền giáo, theo tinh thần
của các bài đọc, câu hỏi ấy đã ẩn
chứa một lời giải đáp. Đó là: để
lòng tin còn mãi trên mặt đất, mọi thành phần
của Dân Chúa cần phải sống tinh thần truyền
giáo.
1) Tinh
thần truyền giáo ấy được nuôi
dưỡng bằng sự dung hòa giữa cầu nguyện
và hoạt động.
Nói đến truyền giáo người
ta thường nghĩ là phải dấn thân làm việc
truyền giáo, và ai càng làm được nhiều,
người ấy lại càng được xem là nhà
truyền giáo lớn.
Thực ra, quan niệm ấy cũng đúng, nhưng không
đủ, bởi dù không phủ nhận những kết
quả lớn lao trong lịch sử Giáo Hội do hoạt
động truyền giáo mang lại, nhưng bao giờ
cũng thế, bên trong những hoạt động ấy
còn là cả một tinh thần cầu nguyện tích cực
của bản thân các nhà truyền giáo cũng như của
mọi thành phần Dân Chúa. Thiếu cầu nguyện,
hoạt động sẽ không kết quả, hoặc
sẽ lái kết quả sang một hướng khác có nguy
cơ “sáng danh tôi, tối Danh Chúa”. Vắng cầu
nguyện, hoạt động có thể trở thành nguy
hại, nó đồng nghĩa với náo động
nếu không muốn nói là khua động ầm ĩ
hoặc khuấy động ồn ào. Quên
cầu nguyện, hoạt động chỉ là hời
hợt mang tính phong trào bùng lên đó nhưng rồi cũng
lịm tắt đó. Bạo phát bạo tàn, mau xộp
mau xẹp! Bỏ cầu nguyện, hoạt động coi
chừng chỉ còn là một việc cá nhân, dẫu bỏ
ra nhiều công sức, nhưng vẫn không phải là
hoạt động của Hội Thánh vốn luôn
được nuôi dưỡng phong phú bởi nguồn
ơn Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện là linh hồn
của hoạt động truyền giáo. Nó
đem đến cho những hoạt động một
sức sống kín múc tận nguồn sứ mạng.
Bài
đọc thứ nhất kể lại một hình ảnh
sống động cho thấy mối tương liên không
thể tách rời giữa việc Môsê giơ tay
cầu nguyện và việc Giosuê đánh bại quân
Amalếch. Khi Môsê hạ tay xuống,
sức mạnh của ông Giosuê không còn nữa, nhưng khi
ông giơ tay lên, phần thắng đã nghiêng về phía
Giosuê. Chiến thắng ấy không riêng của Môsê hay riêng
của Giosuê, mà là của Môsê cùng với Giosuê, là dung hòa
của cầu nguyện và hoạt động, là tổng
hợp của ơn thánh Chúa và nỗ lực con
người.
Thánh
nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được
mừng kính vào đầu tháng mười này cũng là
một hình ảnh khác minh họa cho sự dung hòa giữa
cầu nguyện và hoạt động truyền giáo. Chín
năm khuôn mình trong nhà kín Lisieux, chưa hề làm việc
truyền giáo bên ngoài, thế nhưng chỉ bằng hy sinh
cầu nguyện cho các vị thừa sai và cho công cuộc
rao giảng Tin Mừng, thánh nữ đã được
Giáo Hội đặt làm Bổn Mạng các xứ
truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê một
đời bươn chải giảng giải đạo
Chúa đến tận miền xa Châu Á.
Bản chất của Giáo Hội là
truyền giáo, nên có thể nói được rằng không
bao giờ Giáo Hội thôi truyền giáo. Bốn phần năm dân số
địa cầu chưa biết Chúa, nên Giáo Hội
phải truyền giáo đã đành, nhưng ngay cả
một phần năm đã biết Chúa, Giáo Hội cũng
phải tái truyền giáo nữa. Xem như
thế, truyền giáo vừa là sứ mạng, vừa là
số mạng, tức là sự sống còn của Giáo
Hội. Và tinh thần truyền giáo
ấy một khi được hun đúc đều
đặn bằng cầu nguyện và hoạt động,
ta có quyền hy vọng khi Chúa Kitô đến, Người
vẫn thấy niềm tin trên mặt đất.
2) Tinh
thần truyền giáo ấy được thể hiện
khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.
Được
nuôi dưỡng bằng cầu nguyện dung hòa với
hoạt động cây truyền giáo nhất định
sẽ vươn lên, nhưng không thể không biết
đến yếu tố thời tiết, mưa thuận
gió hòa, hoặc nắng hạn mưa giông. “Nhất
nước nhì phân tam cần tứ giống,” đó là kinh
nghiệm trồng cây. Song một cây lành
như cây truyền giáo phải biết chứng minh
bằng phẩm chất của mình. Nói khác đi, tinh
thần truyền giáo cũng phải được
chứng minh bằng chí bền sứ mạng, nghĩa là
vừa kiên tâm thực hiện những điều tốt,
vừa kiên gan chịu đựng ngay cả những
điều xấu nữa (thánh Augustinô), phải bền chí
khi thuận tiện cũng như khi không thuận tiện.
Khi thuận tiện là khi chí bền truyền giáo giúp ta
tỉnh táo đừng để mất mình trong hoạt
động đến nỗi quên đi cầu nguyện,
giúp ta phân biệt rõ ràng đâu là đóng góp nhỏ nhoi của
mình và đâu là ơn ban vô cùng to lớn của Thiên Chúa, và
còn mãi giúp ta không chạy theo những thành công trước
mắt để sau này khỏi phải trả giá
đắng cay trắng tay thất vọng. Trong một
chừng mực nào đó, biết đâu lối sống
của ông thẩm phán bạo ngược “chẳng kính
sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì” trong bài Phúc Âm
lại chẳng có vài tương đồng với quan
niệm háo thắng hoặc đắc thắng của cách
truyền giáo thời Trung cổ, vốn xem Kitô giới
như một xã hội lý tưởng, nên cố mà
đưa người ta vào bằng chinh phục (truyền
giáo) hoặc gắng mà ép người ta về bằng
cả chinh phạt nữa (thập tự chinh)?
Xem ra kiên tâm thực hiện những
điều tốt trong truyền giáo vào thời thuận
tiện cũng không ít vấn đề. Khi không thuận tiện
là khi chí bền truyền giáo không chỉ giúp ta chịu
đựng những khắc nghiệt thường xuyên, mà
còn giúp ta biết tận dụng hoàn cảnh để mà
thanh luyện tâm hồn. Nếu những hoạt động
phải chấp nhận giới hạn ngoài ý muốn, thì
chí bền như một mạch điện tự
động “kiểm soát lợi suất” sẽ bù lại
những giới hạn ấy bằng một thao thức
phong phú của lời nguyện cầu. Và nếu như
hoàn cảnh cụ thể không cho phép có một hoạt
động bên ngoài nào nữa, thì vẫn còn đó mênh mông
một phương tiện truyền giáo bằng
gương sáng tình mến, bằng chứng tá đức
tin và bằng cách sống tốt đẹp đời Kitô
của mình.
Điều đáng sợ không phải
là hoàn cảnh khắc nghiệt, mà là chính mình không
đủ chí bền mà vượt qua những khắc nghiệt
ấy. Trong ý
tưởng này, có lẽ rất thích hợp khi đặt
hình ảnh người đàn bà góa bụa của bài Phúc
Âm, nhiều lần đến quấy rầy ông thẩm
phán mong được minh xét minh định minh oan, ở
đây như một cổ võ sống động cho chí kiên
bền. Và dầu hoàn cảnh thuận tiện hay không (bài
đọc thứ hai), chí truyền giáo thiết
tưởng cũng là biểu tỏ của niềm hy
vọng, là tình mến khởi đi từ một
đức tin sống động vào Thiên Chúa là Cha nhân ái
luôn muốn sự tốt lành trong ơn cứu độ
cho tất cả mọi người. Được
như thế, chắc chắn khi Chúa Kitô trở lại
vẫn thấy niềm tin còn trên mặt đất trong chí
bền của Giáo Hội là thân mình Người.
Ước mong rằng suy nghĩ trên
sẽ trở nên ý lực cho cuộc sống và trở nên ý
nguyện trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo hôm nay.
|