Sức mạnh vạn năng-
Lm. Vũ Minh Nghiễm
Năm nào đây, tờ Guidepost có
đăng một câu chuyện đáng ghi nhớ như sau:
Cô Mary là một giáo viên Trung học
trẻ. Cô hằng mong ước được thành công
trong nghề nghiệp của mình. Nhưng trong lớp, có
một cậu học sinh rất bướng bỉnh,
nghịch ngợm, hay phá phách, làm cho cả lớp nên ồn
ào xáo trộn như rạp xiếc. Cô Mary buồn bã vô cùng.
Một buổi sáng kia, trước giờ học, cô
ngồi vào bàn viết lấy giấy viết một câu gì
đó bằng tốc ký (tức là chữ viết bằng
những dấu tượng trưng). Bỗng cậu Bill
xuất hiện. Cậu lại nơi bàn cô giáo, hỏi:
- Cô đang viết gì vậy?
- Cô đang viết một lời
cầu nguyện đây em ạ. Cô giáo trả lời...
Cậu Bill nhạo lại liền:
- Chứ Thiên Chúa có đọc chữ
tốc ký được không?
- Ngài có thể hiểu được
hết mọi sự. Ngài có thể nhậm lời cầu
nguyện của cô nữa.
Nói xong cô gấp tờ giấy kinh
đó lại, bỏ vào trong cuốn Kinh Thánh cô để trên
bàn, rồi đứng dậy, lên bảng đen viết
bài làm cho học trò. Bill liền rón rén đi lên, lén mở
cuốn Kinh thánh, lấy tờ giấy cô giáo vừa
để trong đó, và bỏ vào cuốn tập của
mình.
Thời gian trôi qua... Hai mươi
năm về sau. Một hôm chàng lên gác nhà, gặp thấy
cái hộp đựng các đồ đạc của chàng
xưa khi còn cắp sách đi học. Cái hộp nầy
mẹ chàng cất giữ trên đó đã lâu lắm. Mở
ra, chàng thấy trong đó có cuốn tập của chàng
hồi trước. Cầm lên, chàng giở trang nầy sang
trang nọ, trang nọ sang trang kia. Kìa! Tờ giấy kinh cô
giáo Mary viết xưa, mà chàng đã lấy trộm từ
cuốn Kinh Thánh cô để trên bàn, đang nằm gọn
trong đó, tuy đã úa vàng. Chàng liền lấy ra, nhìn đi
ngắm lại những giòng cô Mary viết bằng tốc
ký ngoằn ngoèo, chẳng hiểu gì cả. Chàng xếp
tờ giấy lại, bỏ vào ví mình. Hôm sau, đến
sở làm việc, chàng đem tờ giấy ra, xin cô thư
ký cắt nghĩa cho những giòng viết trong đó có
nghĩa gì. Xem xong, cô thư ký đỏ mặt, nói: “
Đây là chuyện riêng tư của ông. Tôi sẽ đánh
máy, rồi chiều nay,khi tan sở ra về, tôi sẽ
đem để trên bàn giấy cho ông.”
Chiều đó, Bill đọc câu kinh
của cô giáo Mary xưa, cách đây 20 năm như sau: “Lạy Chúa, xin đừng
để con phải thất bại trong nghề nghiệp
của con. Trò Bill quá bướng bỉnh, phá phách, con không
điều khiển nổi lớp học của em. Xin
Chúa đánh động tâm hồn em. Nó có thể trở nên
một nguời thật tốt, mà cũng có thể trở
nên một người thật xấu. Một thiên thần
hay một tướng quỉ.”
Câu kinh sau cùng bổ vào tâm hồn chàng
như một nhát búa tạ! Tôi có thể trở nên một
người hoặc thật tốt, hoặc thật
xấu, một thiên thần hay một tướng quỉ!
Chính lúc đó, chàng đang tính toán làm một việc mà
nếu thực hiện, thì đời chàng sẽ là một
đời đại gian đại ác. Tâm hồn chàng
đầy hoang mang giao động. Chàng xếp bản kinh
kia, bỏ vào ví lại, rồi đóng cửa ra về.
Trong những ngày sau đó, chàng rút bản kinh ra đọc
đi xem lại nhiều lần. Cuối cùng chàng
đổi ý, cương quyết gạt bỏ công
việc tối tăm gian ác dự định. Sau đó,
chàng đi tìm gặp cô giáoMary xưa. Với lòng đầy
biết ơn, chàng thuật lại cho cô nghe: nhờ câu kinh
của cô mà chàng đã xoá bỏ được một
việc đại gian ác như thế nào.
Câu
chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu được
những gì Chúa Yê-su muốn dạy các môn đồ qua bài
Phúc Âm hôm nay về sự cầu nguyện.
Thứ nhứt:
Sức mạnh của lời cầu nguyện.
Thứ hai: Sự kiên
trì trong việc cầu nguyện.
Trước
hết, sức mạnh của lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện có ảnh hưởng mãnh liệt
trên thành quả của công việc chúng ta làm. Lời
cầu nguyện có thể thay đổi hẳn cuộc
đời của con người ta, như lời cầu
nguyện cô giáo Mary đã thay đổi hẳn cuộc
đời anh Bill.
Bàn
về sức mạnh của sự cầu nguyện, bác
sĩ Carrel, một người được giải
thưởng Nobel, nói: “Lời kinh cầu nguyện là
một nguồn sinh lực mạnh mẽ nhứt mà con
người ta có thể sản xuất được.
Lời kinh cầu nguyện có ảnh hưởng mạnh
mẽ trên tâm hồn và thể xác của chúng ta giống
như các hạch tuyến trong cơ thể chúng ta vậy.
Lời kinh cầu nguyện là một sức mạnh
thiết thực như hấp lực (sức hút) của
trái đất.”
Thứ
hai, để thực nghiệm được sức
mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta phải kiên
trì. Trong bài đọc thứ nhứt, chúng ta thấy ông
Mô-sê đã kiên trì trong sự cầu nguyện như thế
nào. Trong khi quân Israel giao chiến với quân cướp
đường Amalec, ông lên đỉnh núi cầu
nguyện. Bao lâu ông giơ tay lên cầu nguyện, thì quân Israel thắng thế, quân giặc lùi. Khi ông
bỏ tay xuống, thì quân giặc lại thắng thế,
quân Israel lùi. Mấy người bạn phải
vực ông ngồi lên một tảng đá, nâng hai cánh tay
ông lên, giúp ông cầu nguyện cho đến khi mặt
trời lặn xuống, và tướng Yo-su-ê dẹp tan
quân địch. Chúng ta cũng vậy, phải kiên trì trong
việc cầu nguyện, mãi cho đến khi mặt
trời của cuộc đời chúng ta lặn xuống,
mới có thể kết thúc được trận
chiến của chúng ta với ba thù ma quỉ, thế gian và
xác thịt. Chúng ta chỉ có thể buông tay súng một khi
nằm xuống và được Chúa gọi về.
Trong
bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Yê-su nói về một vị thẩm phán
lì lợm, dưới không nể người, trên không
sợ Trời. Thế mà ông đã chịu thua một bà góa
nghèo hèn. Ngày ngày bà cứ kêu gào mãi trước cửa nhà
ông, xin ông minh oan cho bà. Sau cùng, vì không chịu nổi
được sự quấy rầy đó mà ông phải
chiều ý, xử minh oan cho bà. Nghe qua, chúng ta có cảm
tưởng như Chúa dạy chúng ta gây áp lực với
Cha trên trời, như bà góa kia đã gây áp lực nơi ông
thẩm phán bất lương?
Không!
Ông thẩm phán kia bất lương, còn Cha trên trời thì
đại lượng và khôn ngoan. Một người con
bướng bỉnh có thể hành động như
vậy đối với cha mẹ ít khôn ngoan. Chúng ta thì
không thể làm áp lực với Cha trên trời, là đấng
khôn ngoan vô cùng, biết chọn sự lành để ban cho
chúng ta, biết chọn thời buổi để nhậm
lời chúng ta. Khi nói dụ ngôn trên, Đức Yê-su chỉ
nhằm dạy chúng ta điều này: Phải dùng lời
cầu nguyện để kết hợp cùng Chúa khi
buồn cũng như lúc vui, ban đêm cũng như ban
ngày, trời mưa âm u, cũng như trời nắng sáng.
Chúng ta phải tạo cho sự đọc kinh cầu
nguyện thành một tập quán, một nhu cầu như
ăn cơm uống nước vậy.
Hiểu
được ý nghĩa sự đọc kinh cầu
nguyện là như thế, chúng ta mới ưa thích sự
cầu nguyện, mới kiên trì trong sự cầu
nguyện được. Nhược bằng hiểu
sự cầu nguyện chỉ là cầu xin, chúng ta sẽ
không thể ưa thích sự cầu nguyện, sẽ chán
ghét sự cầu nguyện, việc dâng lễ cầu kinh. Đã
bao lần chúng ta cầu xin mà đâu có được Chúa
nhậm lời? Cầu xin Chúa cho được khỏe
mạnh, mà cứ nay yếu mai đau! Cầu xin cho một
người bạn đang mắc ung thư,
được lành mạnh, mà thấy bạn nằm
xuống chết như thường! Cầu xin
được trúng số, đỡ vất vả, mà
mất bao nhiêu tiền rồi, chỉ được cái
không thôi! Phải, nếu hiểu sự cầu nguyện
chỉ có nghĩa là cầu xin mà thôi, thì chúng ta sẽ không
thể kiên trì trong sự cầu nguyện, không thể
ưa thích đi dâng lễ cầu kinh lâu được.
Đức
Yê-su thì hiểu sự cầu nguyện một cách khác. Phúc
âm đã nói đến việc Chúa cầu nguyện, ít
nhứt là 20 lần. Phần lớn sự cầu
nguyện của Ngài là những lời chúc tụng, tán
tạ ngợi khen Thiên Chúa Cha. Lần cuối đời,
trong vườn Cây Dầu, trước viễn ảnh
thập giá, Ngài đã cầu xin:
“Lạy Cha, xin cho con
được qua chén đắng nầy.”
Nhưng
rồi Ngài vội thêm liền:
“Con xin vâng theo ý Cha,
không phải theo ý con.”
Và
Ngài đã không được Chúa Cha chấp nhận. Ngài
vẫn bị quân dữ bắt treo lên thập giá. Ngài
đã được một ơn cao trọng khác. Ngài
được can đảm và bình tĩnh, rất bình
tĩnh, để nộp mình cho quân dữ.
Để
tóm lược, chúng ta hãy trở lại với câu
chuyện cô giáo Mary và cậu học trò tên Bill nói lúc ban
đầu.
Ù Trước
hết, lời cầu nguyện quả là một sức
mạnh vạn năng. Nhờ lời cầu nguyện
của cô, mà cậu học trò bướng bỉnh kia
đã thay đổi đời sống hoàn toàn, và trở
nên ngưởi lương thiện.
Ù Thứ
đến, ơn cô xin, Chúa đã không ban cho ngay. Đợi
20 năm sau, Ngài mới nhậm lời, mở con mắt
linh hồn cho chàng Bill được nhìn thấy con
đường chính trực. Vậy khi cầu nguyện,
chúng ta phải biết kiên trì, phó thác mà cầu nguyện.
Cha trên trời đại lượng và khôn ngoan vô cùng. Ngài
sẽ nghe lời con cái kêu cầu. Nhưng cách nào và lúc nào?
Điều
đó hoàn toàn tùy thuộc vào thánh ý Ngài, vào sự khôn ngoan
của Ngài. Nếu chúng ta biết cầu nguyện như
vậy, tức là cầu nguyện như Đức Yê-su
đã cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu
nguyện, chúng ta sẽ ưa thích sự cầu nguyện,
sự đọc kinh dâng lễ. Và dầu gặp hoàn
cảnh nào đi nữa, tâm hồn chúng ta cũng sẽ
gặp được bình an và thư thái.
|