Tạ ơn là một biểu hiệu của lòng tin
(Suy niệm của Lm. Đỗ Bá Công)
Một thi sĩ
đã tả lại một giấc mơ thế này: Thiên
Chúa mở đại hội “trăm hoa đua nở”. Tất cả
các loại hoa trên mặt đất đều gởi
đại biểu đến tham dự. Thật là
một rừng hoa tươi thắm muôn màu, xông
hương khoe sắc trước nhan Chúa. Các đại
biểu hoa, tay bắt mặt mừng
chào hỏi thăm nhau, duy chỉ có hai loại hoa không
buồn giáp mặt nhau. Đó là hoa Thi ơn và
hoa Nhớ ơn.
Giấc mơ chỉ vắn vỏi chừng
ấy, nhưng thật có ích cho ta, vì nó mô tả trung
thực sự kiện xảy trong bài Tin Mừng:
mười người phong hủi đã được
Chúa chữa lành, nhưng chỉ một người trở
lại tạ ơn Chúa. Cũng như ở đời có
lắm người thi ân mà có ít
người nhớ ơn. Ta hãy cùng nhau suy niệm:
- Con số thống kê một trên mười
nói lên những điều gì?
- Khi ta đã ý thức tạ ơn là một
biểu hiệu của lòng tin, ta phải tạ ơn
thế nào?
“Chỉ một trên mười
người phong hủi được lành đến
tạ ơn, nói lên chẳng những là sự vô ơn, mà
một cách sâu xa hơn, là sự thiếu lòng tin”.
Với câu hỏi của Chúa Giêsu trên người phong
hủi biết ơn đang sụp dưới chân Ngài:
“Ngươi hãy đứng dậy mà về, vì lòng tin
của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Cha
Féder giải rằng: “Chúa ngạc nhiên khi thấy chỉ có
một người quay trở lại mà lên tiếng tôn vinh
Chúa, nên Ngài cảm phục lòng tin tưởng đầy
biết ơn của người Samari đó.”
Vâng, chính đức tin đã
thúc giục người phong hủi trở lại tạ
ơn Chúa. Bởi lẽ, việc Chúa
chữa mười người phong hủi này khác hẳn
với trường hợp khác. Khi thấy Chúa đi
qua, mười người phong hủi đứng xa và la
lớn rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót
chúng con”. Chúa không đến với họ, nhưng Ngài
cũng từ xa lớn tiếng trả lời: “Các ngươi
hãy đi trình diện với các tư tế”.
Thế là vâng theo lời Chúa dạy, mang
thương tích mà đi. Và chỉ khi đã
đi một đoạn đường xa, họ mới
thấy mình lành mạnh. Như thế,
Chúa Giêsu đã khuất bóng họ và có lẽ họ có
cảm tưởng rằng, việc họ được
sạch là một việc tình cờ chăng? Hơn nữa, có tạ ơn hay không, họ
cũng đã sạch phong hủi rồi. Vì thế, việc đầu tiên của họ là
đi trình tư tế, hầu được cấp
giấy trở về với làng họ, với bà con.
Duy chỉ người Samaria nghĩ
khác mà trở lại cảm tạ Chúa.
Vâng, chỉ để ra một giây phút suy
tư, một nháy mắt quan sát, ta có thể thấy
đời ta tràn ngập hồng ân Thiên
Chúa: Đây bầu không khí trong lành ta đang thở. Đây bát cơm ta đang ăn, chén nước ta
đang uống. Đây tiếng chim thánh thót ta đang
nghe, hương sắc những cánh hoa ta đang
hưởng, tất cả đều nói cho ta hay tình yêu vô
biên của Chúa chan hoà đời sống chúng ta.
Khi ta đã ý thức tạ ơn là một
biểu hiệu của lòng tin, ta phải tạ ơn
thế nào? Cái nhìn đức tin ấy có hướng chúng
ta tới Thánh Thể để tạ ơn Chúa không?
Ta hãy đưa con người tướng
quân Naaman được mô tả trong bài đọc I
để làm gương sáng cho chúng ta. Khi Naaman đã
xuống tắm bảy lần ở sông Giođan theo
lời tiên tri dạy, da thịt ông lại trở nên
hồng hào như da thịt đứa trẻ, thì việc
trước tiên là ông và đoàn tùy tùng trở lại
gặp người của Thiên Chúa. Ông không
cảm tạ Elisê, nhưng ông lớn tiếng và
ngước mắt lên trời tuyên xưng đức tin
vào Thiên Chúa và tạ ơn Ngài. Nói xong
Naaman mới lấy của lễ dâng Elisê. Elisê không nhận, Naaman cố nài ép nhưng tiên tri
nhất định từ chối. Sự từ
chối của Elisê đã mạc khải cho Naaman rằng:
Chúa không muốn nhận của lễ vật chất và
chỉ nhất thời, nhưng phải là một của
lễ thiêng liêng và trường tồn hơn. Chính trong lúc
ấy, Naaman nảy ra một sáng kiến. Ông nói: “Vậy
xin ngài ban phép cho tôi được chở một xe đất
đem về nước tôi, để dựng tế
đàn trên đất ấy mà dâng lễ tế cho Yavê, vì
tôi tớ ngài đây sẽ không còn dâng thượng hiến
và tế lễ cho một thần linh nào khác.” Sáng kiến ấy được tiên tri Elisê tán
thành.
Như thế, nếu việc tạ ơn
đẹp lòng Chúa hơn hết trong Cựu ước là
mỗi ngày dâng lễ toàn thiêu hoặc hy lễ lên Yavê Thiên
Chúa, thì ngày nay trong Tân Ước việc tạ ơn
đẹp lòng Chúa hơn hết cũng phải
hướng về Thánh Thể – tức là Thánh lễ Misa,
một của lễ cao quí dâng lên hằng giây phúc
“để từ Đông sang Tây có một hiến lễ
trong sạch dâng lên Chúa” (Kinh nguyện Thánh Thể III).
Vậy Thánh lễ có một
tầm quan trọng như thế bởi vì chỉ trong
Thánh lễ, chúng ta mới tìm được một Tư
tế xứng đáng, một bàn thờ trong sạch và
một của lễ vẹn toàn. Vị
Tư tế ấy, bàn thờ ấy, của lễ ấy
chính là Chúa Giêsu. Nói đến đây, xin
mọi người hãy tự vấn lương tâm coi
thử chúng ta có thấy triệt cái tầm quan trọng
của Thánh Lễ chăng? Ta có hối hận
chăng vì đã bỏ lễ ngày Chúa Nhật? Chúng ta
nghĩ xem: ai sẽ thay thế chúng ta để cảm
tạ Thiên Chúa về những ơn lành mà Ngài đã ban cho
chúng ta trong bảy này qua? Bởi vì “nhận
ơn thì đừng quên ơn”. Rồi
ai sẽ thay thế chúng ta để xin ơn Chúa cho
bảy ngày tới? Bởi vì không có Chúa,
ta không làm gì được”.
Như thế, hôm nay đây trước nhan
Chúa, chúng ta hãy cùng nhau đoan hứa quyết dốc lòng
luôn cảm tạ Thiên Chúa với một niềm tin chân
thành.
|