Mười
người
phong cùi
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Vào thời Đức Giêsu, phong
cùi là bệnh truyền nhiễm ghê tởm và đáng sợ
nhất, không thuốc nào chữa được.
Người mắc bệnh coi như đã chết, bị
loại ra khỏi cộng đoàn không chỉ vì lý do vệ
sinh, nhưng còn vì lý do thiêng liêng nữa. Sách Đệ
Nhị Luật viết: "Nếu ngươi không nghe
lời Giavê, Thiên Chúa của ngươi, mà tuân hành mọi
giới luật Ngài ban... Giavê sẽ giáng xuống
ngươi bệnh lở lói kinh khủng nơi
đầu gối và chân, ăn từ bàn chân đến
đỉnh đầu không sao chữa nổi" (Đnl
28,15-35).
Giavê đã trừng phạt,
cộng đoàn cũng xa cách. Người phong cùi
được phép vào các làng, nhưng không được
đi vào đô thị có tường thành chung
quanh. Do đó, họ càng không được vào thành
Giêrusalem, không được đến gần các
người khác. Người mắc bệnh phong cùi
phải mặc quần áo rách rưới, râu dài tua tủa,
phải sống biệt lập trên bãi tha ma, đi
đến đâu phải cầm chuông lắc cho
người ta tránh và phải la lên: Ô uế! Ô uế! Bao lâu còn mắc chứng bệnh ấy, bấy
lâu còn bị ô uế.
Sách ký sự ghi lại Osias, vua
Giêrusalem, bị phong cùi, thầy tư tế tức tốc
trục xuất ông ta khỏi thành và chính ông cũng vội
vã ra đi, vì thấy mình bị Thiên Chúa ruồng bỏ (II
Ký sự 26, 19-21).
Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Luca kể:
"Đức Giêsu từ Galilê tiến về Giêrusalem, khi
đến Samaria, lúc
Người vào một làng kia, có
mười Người phong cùi đón gặp
Người". Trong miền đất
bị chúc dữ này, đây là những ngời bị chúc
dữ nhiều nhất. Thật lạ
lùng khi nhóm này gồm cả người Dothái lẫn
người Samaria. Đau khổ và bệnh tật làm con
người xích lại gần nhau, quên đi mối thù
truyền kiếp giữa người Dothái và người Samaria.
Biết thân phận mời người phong cùi đứng
đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy
Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi". Họ
gọi Đức Giêsu bằng tên Người, một
sự kiện tương đối hiếm trong Tin
mừng.
Trong ngôn ngữ Aramêen, Jeshouah có
nghĩa là Thiên Chúa cứu. Kitô hữu gọi kinh
cầu Chúa Giêsu, chính là lời cầu xin ấy
được lặp lại nhiều lần: Lạy Chúa
Giêsu xin thương xót chúng con... Trong thánh lễ chúng ta cũng
lặp lại kinh này lúc đầu lễ Kyrie Eleison: Lậy Chúa xin thương xót.
Thay vì chữa họ lành ngay
tức khắc, Đức Giêsu muốn thử thách lòng tin
của họ. Cũng như ngày xưa ngôn sứ Êlisê
sai môn đệ nói với quan Naaman người Siri :"Quan hãy đi tắm ở sông
Giođan bảy lần". Đức Giêsu cũng bảo
mười người phong cùi: "Hãy đi trình diện
với các tư tế".
Vào thời đó, các Thầy
tư tế có quyền chẩn đoán và quyết
định người nào bị mắc, người nào
khỏi. Ai mắc bệnh được thầy
tư tế công bố là khỏi, người ấy
sẽ được tái nhập vào cộng đoàn (Lv 14,3).
Khi truyền cho mười
người phong cùi đi trình diện các thầy tư
tế, Đức Giêsu đòi họ phải biết vâng
lời trong đức tin. Ngài muốn hành vi tín thác đó phải được
thể hiện bằng việc tuân phục lề luật.
Đối với Đức Giêsu lề
luật và ngôn sứ là khuôn vàng thước ngọc giúp
người ta thực hiện ơn cứu rỗi, như
Người đã đề cập trong dụ ngôn
người phú hộ xấu bụng và Ladarô nghèo khó.
Khác với vị tướng lãnh Siri,
mười người phong cùi tức tốc thi hành, không
mảy may chần chừ. Đang khi đi,
họ được sạch. "Một
người trong bọn thấy mình được
khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn
vinh Thiên Chúa." Thật kì lạ,
Người quay lại cám ơn Chúa lại là một
người ngoại, một người Samari. Nhưng đó chẳng phải là điều
vẫn thường xảy ra đó sao? "Kẻ
ở ngoài" coi mọi sự như quà tặng,
"kẻ ở trong" coi mọi sự đều là
hiển nhiên.
Người Dothái cho, mình
thuộc tuyển dân có quyền đòi Thiên Chúa thi ân, không
cần tỏ lòng biết ơn Người. Họ
quên, cám ơn là một trong những tính nhân bản của
con người. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Biết
ơn là kí ức của tâm hồn". Lời đầu
tiên người Mỹ dạy con: "Thank You – Cám
ơn".
Mỗi khi nhận được
ơn từ ai, ta phải biết nói lời cám ơn.
Đó là điều tốt đẹp cho ta,
nó thúc dục ta nhận ra sự hàm ơn người khác
và làm cho người cho cảm nhận rõ giá trị của
việc họ làm. Người không
biết ơn trong việc nhỏ, sẽ không biết
ơn trong việc lớn. Điều
quan trọng là phải có lòng biết ơn.
Thánh Inhaxiô nói : "Tội
lớn hơn cả là tội vô ơn". Chín
người Dothái không biết cám ơn, chỉ
được khỏi bệnh phong cùi thể xác.
Người Samaria biết cám ơn, khỏi phong cùi cả
phần hồn là tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, anh
đã sấp mình dưới chân Đức Giêsu tạ
ơn Người, một cử chỉ người ta
chỉ dành cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần ta cám ơn, ta phải cám
ơn Chúa vì mọi sự trong cuộc đời:
Hồng ân Thiên Chúa bao la.
Muôn đời
con sẽ ngợi ca danh Người.
|