Trung tín – Lm Giuse Trần Việt
Hùng
Truyện kể: Ngày xưa có tên lái buôn
gian xảo dùng mạt cưa pha vào cám đem bán. Nhưng có
tên bán mướp, còn gian hơn. Hắn lấy mướp
đắng, giả làm dưa leo bán giá đắt hơn.
Ngày kia, hai gã gặp nhau. Cả hai người tưởng
hàng của nhau là thật, liền thỏa thuận
đổi cám lấy dưa về dùng. Cả hai
người đều hí hửng. Nhưng tới lúc xài
mới hay là của giả, rõ ràng gian lại gặp tham
Sự
gian manh đã len lỏi đi vào lòng người từ
rất xa xưa. Với lòng gian xảo, nhiều
người tham lam đã dùng đủ mọi cách
để làm lợi cho mình, bất chấp sự thiệt
hại của tha nhân. Tiên tri Amos đã nêu ra những thói
đời xấu xa: Các ngươi bảo: "Bao giờ
qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào
hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi
sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân
giả (Am 8, 5). Xưa cũng như nay, xã hội nào
cũng có những người xấu chuyên môn lường
gạt, gian dối, lừa lọc, xảo trá và dùng
nhiều thủ đoạn để vun đắp
phần lợi về mình. Họ dùng những đồ
giả, đồ nhái hay đồ giả mạo che
mắt người khác để bán kiếm lợi
lộc cách bất công. Làm ít mà muốn hưởng
nhiều, của giả mà đòi bán giá thiệt.
Mỗi
thời đại đều có những tệ nạn xã
hội khác nhau. Nơi đâu cũng có kẻ tốt và
người xấu xuất hiện. Người tiểu
tâm lại khéo nói và dễ gây cảm tình. Họ dùng rất
nhiều mánh khóe để tìm lợi ích cho cuộc sống
riêng tư. Họ khéo xử dụng miệng lưỡi
để mua chuộc nhân tâm. Amos tố cáo âm mưu của
họ. Họ nói: Chúng tôi sẽ lấy tiền mua
người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy
người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục
nát" (Am 8, 6). Đối với họ, đồng
tiền là trên hết. Họ có thể dùng tiền bạc
đổi chác những gì mà họ ưa thích. Của
cải không còn là phương tiện, mà trở thành
chủ nhân và cùng đích cuộc đời. Cũng
thế, khi say mê của cải phù vân ở đời, chúng
ta dễ bị lệ thuộc và làm nô lệ cho của
cải. Vì sự tham lam như chiếc túi không đáy.
Đã có, lại muốn có thêm. Chúng ta chẳng khi nào
cảm thấy đầy đủ.
Qua
bài dụ ngôn Người Quản Lý, Chúa Giêsu vạch rõ cách
cư xử khôn khéo của người đời. Tin
rằng đời sống sẽ không bao giờ bị
bế tắc, vì không ra được cửa này và sẽ
luồn qua cửa kia. Người quản lý gian tham và
bất tín đã tìm ra cách gian dối để cứu vãn
đời mình. Đặt lợi ích đời sống
của mình trước và bất chấp sự thiệt
hại cho người chủ. Anh quản lý đã sửa
đổi văn tự, giảm bớt giấy nợ và
lấy của chủ cho đi để gây phúc cho mình.
Phải nói rằng anh quản lý đã tính toán rất khôn
ranh. Lương tâm của anh trở nên chai lì không còn
nhậy bén về sự công bằng và ngay thật. Khi
học biết sự việc đã xảy ra, ông chủ
cũng thầm cảm phục sự khéo tính toán của anh
ta: Và chủ khen người quản lý bất lương
đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời
này khi đối xử với đồng loại thì khôn
khéo hơn con cái sự sáng (Lc 16, 8).
Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để dạy chúng ta bài học
về sự trung tín và ngay thẳng. Dù việc tư
hay công, một hành động gian dối nhỏ, cũng
sẽ làm thiệt hại lòng tin tưởng. Chúa nói: Ai
trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc
lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian
dối trong việc lớn (Lc 16, 10). Đúng là một
sự bất tín, vạn sự chẳng tin. Hình như
sự gian dối cứ luẩn quẩn quanh cuộc
sống của mỗi người chúng ta. Ở
đời có mấy ai thoát khỏi sự dối trá, gian
lận to hoặc nhỏ. Nói dối hoặc nói lối cách
này hay cách khác để tránh nói sự thật. Có khi nói
dối để tránh sự tò mò, vô thưởng vô
phạt, không hại mình hay hại người.
Người ta thường nói: Ra đường hỏi
già, về nhà hỏi trẻ. Trẻ em thành thật hơn.
Chúng ta ghi nhớ Giới răn Chúa dạy: Thứ Tám là
chớ làm chứng dối.
Qua
câu truyện trong dụ ngôn, Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta dùng
tiền bạc cách khôn ngoan: Phần Thầy, Thầy
bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua
lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền
bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an
nghỉ đời đời (Lc 16, 9). Tiền bạc gian
dối là của cải trần đời. Tiền
được lưu truyền qua tay người này
tới người khác. Đồng tiền lang thang
khắp chốn. Chúng ta chẳng biết tiền sạch
hay dơ. Nhờ tín dụng, của cải tiền bạc
có giá trị trao đổi. Tờ giấy đồng
tiền có giá trị khi chúng ta biết sử dụng
đúng nơi đúng chỗ. Chúng ta có thể dùng tiền
bạc đời này để sắm sửa gia tài
đời sau. Với ý thức, tình yêu và lòng muốn, con
người giúp hoán chuyển những giá trị của
cải tạm thời hư không trở thành những món
qùa vô giá. Những của cải mà chúng ta dâng cúng làm phúc, làm
việc bác ái và giúp đỡ kẻ khó nghèo đã trở
thành gia sản quí báu ở Nước Trời.
Truyện kể: Ngày kia, một cô
hội viên từ thiện chuẩn bị gõ cửa
để vào quyền tiền, thì nghe bà chủ nhà cằn
nhằn cô tớ gái: Chị lại đốt phí một
que diêm rồi đấy. Cô hội viên thầm nghĩ có
lẽ mình sẽ quyên được rất ít. Tuy vậy,
cô gõ cửa và cánh cửa mở ra. Bà chủ nhà tươi
cười nói: Thưa cô, chắc cô vừa nghe tôi cằn
nhằn, nhưng nếu tôi không tiết kiệm từng que
diêm, thì ngày nay đâu có 500 quan tiền để giúp Hội
Từ Thiện.
Tiền
bạc của cải gắn liền với chúng ta
suốt quãng đời trần thế. Của cải
chỉ buông tha khi chúng ta nhắm mắt lìa đời.
Biết rằng, cho dù chúng ta có gắng công làm giầu, gom
góp và tích trữ của cải thật nhiều nhưng khi
ra đi, chỉ có hai bàn tay trắng chẳng mang theo
được gì. Khi đó của cải của chúng ta
sẽ để lại cho người khác hưởng
dùng. Nên biết cuộc đời của con người
là một hành trình đi về cùng đích. Khởi đi
từ trần thế và lữ hành về cõi sau. Cuộc
sống trần gian chỉ là tạm thời đang
hướng về cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta
không thể dừng lại bám víu vào của cải phù hoa
thế trần. Chúng ta cần dứt khoát chọn lựa
thái độ sống để hưởng hạnh phúc. Chúa
Giêsu nhắc nhở: "Không đầy tớ nào có
thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và
mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ
nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi
tiền của được" (Lc 16, 13). Dĩ nhiên,
chúng ta chọn làm tôi Thiên Chúa. Tiên vàn hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho.
Có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả. Thiên Chúa quan phòng yêu thương
mọi loài thụ tạo. Kìa xem hoa qủa đồng
nội, Thiên Chúa luôn chăm sóc thiên nhiên cho mưa thuận
gió hòa tưới gội. Muông thú nơi rừng xanh và chim
trời cá biển chẳng cần phải gieo vãi thu
hoặch, Thiên Chúa vẫn nuôi chúng hằng ngày. Sự
sống của con người đáng giá hơn chim sẻ
bội phần. Chúng ta cần nhận biết sứ
mệnh làm người rất là cao cả. Thiên Chúa an bài
cho con người cuộc sống an vui đời này và
hạnh phúc đời sau. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho
Timôthêo viết: Đó là điều tốt lành và
đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên
Chúa. Người muốn cho mọi người
được cứu rỗi và đến nhận
biết chân lý (1Tm 2, 3-4). Cùng đích của cuộc đời
là lãnh nhân ơn cứu rỗi và chung hưởng hạnh
phúc quê trời. Chính Chúa Giêsu đã mở lối dẫn
đường. Chúng ta không thể chọn lựa con
đường nào khác. Một con đường duy
nhất là chọn Thiên Chúa làm chủ và làm gia nghiệp
đời chúng ta. Vì chỉ có một Thiên Chúa và một
Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là
Đức Giêsu Kitô, cũng là con người (1Tm 2, 5).
Lạy Chúa, rất nhiều khi chúng con
đã xả thân tìm kiếm những của cải phù vân.
Chúng con bán lương tâm để gom góp những của
nợ hay hư nát của trần đời. Xin cho chúng con
biết tỉnh ngộ, biết buông bỏ và nhận
biết chân lý. Xin Chúa dủ thương dẫn dắt
chúng con đến cùng Chúa và chọn Chúa làm gia nghiệp.
|