Hãy biết lo cho
tương lai
(Suy niệm của
Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Ngày
nay, chúng ta nhận thấy rất nhiều người dùng
tiền để mua chuộc, để thăng quan
tiến chức; hay có những người giàu vì làm ăn
bất chính, nên họ thường rửa tiền
để tránh sự dòm ngó của người khác.
Những người như thế thường bị xã
hội lên án vì hành động bất nhân của họ. Bài
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu kể dụ ngôn "Người
quản gia bất trung" đã làm thiệt hại cho ông
chủ, nên đã bị ông chủ thải hồi. Nhưng,
mặt khác, Chúa Giêsu lại khuyên họ hãy học theo
gương người quản gia, vì ông ta đã biết
dùng tiền của bất chính để mua chuộc
bạn hữu, đã biết lo cho tương lai vận
mệnh của mình. Phải chăng Chúa khen và cổ súy cho
hành vi sai trái này của người quản gia? Vậy,
nếu điều đó là tốt thì tốt ở chỗ
nào? Và, nếu sai thì sai ở đâu? Chúng ta cùng nhau suy
niệm.
1.
Người quản gia bất trung là ai?
Thoạt
đầu, mới nghe dụ ngôn này, chúng ta rất dễ
bị hiểu lầm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải
đặt mối tương quan của chúng ta vào toàn
bộ tổng thể bản văn, cũng như văn
hóa của người Dothái thời bấy giờ, thì
mới hiểu được ý Chúa muốn dạy chúng ta
điều gì!
Với
người Dothái thời bấy giờ, có nhiều
người giàu có, họ thường lắm đồn
điền ở nhiều nơi. Ông chủ không thể
hiện diện cùng lúc tại nhiều chỗ
được, vì thế, họ thường đặt
những quản gia để trông nom kho lẫm và thay
mặt mình để quản lý, điều hành mọi công
việc.
Như
vậy, người quản gia có một thế giá rất
đặc biệt trong e kíp lãnh đạo. Ông chỉ
đứng đằng sau chủ của ông; và có quyền
thay mặt cũng như đại diện ông chủ khi
ông vắng nhà; đồng thời có toàn quyền sắp
xếp công việc cho những người làm công. Tuy nhiên,
ông ta không có lương như những người làm công
bình thường, ông ta chỉ có quyền thu xếp công
việc và tìm cách làm lợi cho ông chủ. Khi không có
lương như vậy, ông ta tìm cách cắt xén và ghi
tăng thêm số lượng để lấy những
nguồn lợi bất chính đó về cho mình. Quả
thật, người quản gia trong bài Tin Mừng hôm nay
đã tận dụng cơ hội "quyền huynh
thế phụ" để làm ăn bất chính, hầu
thu tích của cải cho mình. Nhưng thật không may, ông ta
đã bị chủ phát hiện và quyết định
đuổi việc: "Tôi nghe người ta nói gì về
anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ
đi, vì từ nay anh không được làm quản gia
nữa!" (Lc 16,2).
Trong
hoàn cảnh này, ông ta suy tính: "Cuốc đất thì không
nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải
làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia,
sẽ có người đón rước mình về nhà
họ!" (Lc 16, 3-4). Quả thật, không lẽ từ
một người quản gia mà nay lại đi cuốc
đất, hay đi ăn mày? Ông ta không thể làm
được những chuyện đó vì những mâu
thuẫn với con người và vai trò của ông! "Cái
khó ló cái khôn", trước khi bị đuổi chính
thức, ông vẫn còn đủ tư cách là đại
diện cho ông chủ, và trong thời gian chờ đợi
để bàn giao sổ sách, giấy tờ, ông ta tìm cách
lấy lòng và tạo bạn hữu bằng việc
giảm nợ cho cho những con nợ: "... 'Bác nợ
chủ tôi bao nhiêu vậy?' Người ấy đáp:
'Một trăm thùng dầu ô-liu.' Anh ta bảo: 'Bác cầm
lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau,
viết năm chục thôi.' Rồi anh ta hỏi
người khác: 'Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?'
Người ấy đáp: 'Một ngàn giạ lúa.' Anh ta
bảo: 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết
lại tám trăm thôi'" (Lc 16, 5-7). Một cách giải
quyết hết sức khôn khéo. Ông vừa được
tiếng là tốt bụng, lại còn thêm được
rất nhiều bạn bè, hòng khi bị đuổi
việc, ông được người ta đón
rước mình như một vị đại ân nhân
của họ. Và cuối cùng, ông chủ đã khen người
quản lý bất lương đó hành động thật
khôn ngoan.
Như
vậy, Chúa Giêsu có phải khen người quản gia
bất lương vì sự bất lương của
hắn ta không? Thưa không! Ngài khen là khen cái tài khôn khéo,
biết tính trước cho tương lai vận mệnh
của mình, và biết dùng tiền của bất chính
để tạo nên bạn hữu. Qua câu chuyện này, Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết lo cho tương lai
của mình, bởi vì "sinh hữu hạn, tử bất
kỳ". Cuộc sống là một cái gì mong manh, ta có
thể ra đi bất cứ lúc nào, nên: "không biết lo
xa, ắt phải rầu gần". Phần cuối
của dụ ngôn, như một mệnh lệnh, Chúa Giêsu
nói: "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:
hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn
bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ
đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu"
(Lc 16, 9); mặt khác, Ngài cũng dạy chúng ta phải
biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của
ở đời này, làm sao tiền của trở thành nô
lệ, đày tớ cho chúng ta, chứ đừng biến
nó thành ông chủ của mình: "Các con không thể làm tôi
Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được"
(Lc 16,13).
2. Sứ
điệp Lời Chúa
Lời
Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta biết rằng: mọi sự
đều là của Chúa, và chúng ta chỉ là người
quản lý mà thôi. Mà nếu chỉ là quản lý, thì phải
biết giới hạn, phải biết được vai
trò của mình đến đâu và phải lo chu toàn trách
vụ mà ông chủ trao cho, vì thế, ta phải trung thành và
giữ chữ tín trong khi làm việc: "Không gia nhân nào có
thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà
yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà
khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên
Chúa, vừa làm tôi tiền của được"(Lc
16,16).
Cần
tránh những hình thức lạm quyền và sa đà vào tình
trạng tội lỗi. Hãy biết chia sẻ cho
người khác để làm giàu trước mặt Thiên
Chúa và có lợi cho phần hồn của mình. Chia sẻ bác
ái được ví như một sự cầu lần, nay
người, mai ta: "Người giàu giúp kẻ nghèo
ở đời này, nhưng người nghèo giúp kẻ
giầu trong đời sau". Thật thế,
"Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay
mượn, Người sẽ đáp trả xứng
đáng việc đã làm"(Cn 19,17).
Cuối
cùng, ta phải biết lo cho tương lai của chính mình
như người quản gia trong Tin Mừng hôm nay:
"Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy
bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ
sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh
cửu" (Lc 16,9). Hãy mua lấy Nước Trời và làm
giàu trước mặt Thiên Chúa là trách nhiệm hàng
đầu của chúng ta. Thật vậy, tiền của
vật chất rồi sẽ qua đi, nhưng chỉ có
Chúa là tồn tại, vì thế hãy tìm mọi cách mà xây
dựng, mua lấy Nước Trời cho cuộc sống
mai hậu. Hãy biết lo cho tương lai của mình cách
cẩn trọng.
3.
Sống Lời Chúa hôm nay
Thế
nhưng, trong xã hội hôm nay, nhiều người có
những tư tưởng tự cao và cho rằng: ta có
được như vậy là nhờ công khó của chính
chúng ta, mà họ quên mất một điều căn
bản rằng: "Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ
nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa
không phòng giữ, uổng công người trấn thủ
canh đêm" ( (Tv 127,1)). Vì vậy, hãy lo tìm kiếm
Nước Thiên Chúa khi ta còn có thể tìm được.
Hãy nhạy bén và biết hành xử khôn khéo như người
quản gia trong bài Tin Mừng hôm nay.
Câu
cảm thán của Chúa Giêsu hôm nay đáng làm cho chúng ta suy nghĩ:
"...Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi
xử sự với người đồng loại"
(Lc 16, 8). Đây là câu nói mang tính khiển trách của Chúa
Giêsu về thái độ nhạy bén với những giá
trị Nước Trời của mỗi chúng ta. Quả
thật, nhiều khi chúng ta gặp phải những cám
dỗ, thay vì tìm mọi cách để vượt ra
khỏi tình trạng tội lỗi, thì ta lại như
"thiêu thân", cứ muốn lao mình vào. Biết là
những tội đó nguy hại cho phần rỗi của
mình, nhưng vẫn cứ ung dung tiến đến và
muốn ở lại luôn trong đó, bởi vì nơi đó
là vũng lầy, nhưng lại là "vũng lầy êm
ái".
Lý
do: vì chúng ta không tha thiết gì đến cuộc sống
mai hậu, thậm chí lại còn tìm mọi cách để
thoát ra khỏi sự sống thần linh và thay vào đó là
một sự sống thể lý thuần túy. Nhưng dù
muốn dù không, chúng ta đều phải chân nhận
với nhau rằng: cuộc sống trên trần gian này là
cuộc sống tạm bợ, hữu hạn. Cuộc
sống mai sau mới là cuộc sống vĩnh cửu. Vì
thế, ngay lúc này, hãy biết làm giàu trước mặt
Thiên Chúa bằng những việc bác ái; đồng thời
biết sử dụng tiền của là những vật
hư nát để mua lấy Nước Trời, và,
"Trong mọi sự phải nhắm chắc cái cùng
đích" hầu chuẩn bị cho một tương
lai tốt đẹp.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra
sự yếu hèn của mình, hầu thoát ra khỏi
những sự chóng qua ở đời này mà biết lo tìm
phần rỗi cho mình trong cuộc sống mai hậu. Xin
cho chúng con biết chọn Chúa và những giá trị tốt
trong cuộc đời. Amen.
|