Nụ hôn nồng nàn tình thương xót
(Trích dẫn từ ‘Nút Vòng Xoay’ – ĐGM. Giuse
Vũ Duy Thống)
Hôm qua có dịp
ra phố ghé ngang một sáp báo, tôi tình cờ nghe từ quán
cà phê đối diện vẳng ra một giọng hát trong
trẻo: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”.
Bài hát đã nghe dăm lần bảy lượt qua các
phương tiện truyền thông, có chăng chỉ là
một cảm nhận về mùa xuân hạnh phúc, thế mà
chiều nay bỗng thấy nôn nao khác lạ. Đó không
phải là thứ nôn nao của kẻ độc thân
bất chợt thấy mùa xuân bên cửa sổ, rồi
tự nhiên tủi về phận mình như Michel Quoist
đã ghi trong cuốn sách của ông; cũng chẳng
phải thứ nôn nao của những kẻ trên
đường phố đang hối hả về nhà
dịp nghỉ cuối tuần. Thứ nôn nao rất
lạ mà cũng rất đỗi thân quen.
Đang còn
vẩn vơ với cái nôn nao ấy thì cô chủ sạp
đã trao cho tôi tờ báo và vui miệng cô hát theo: “Thành
phố ơi hãy im lặng cho hai người hôn nhau”.
Tới lúc này, tôi mới vỡ lẽ. Thì ra
mình nôn nao là vì cái nụ hôn. Không phải của “anh lính
về thăm phố với cô gái vào ca ba” như bài hát
kể, mà là cái nụ hôn của một người cha dành
cho đứa con hoang đàng trở về của bài Phúc
Âm. Giai điệu ấy, nụ hôn ấy quyện lấy
nhau và tự nhiêm ngấm vào người tôi trở thành
một thứ nôn nao, để hôm nay, xin được
trang trải với cộng đoàn như suy nghĩ về
trang Tin Mừng. Đó là nụ hôn của lòng
thương xót.
1. Nụ hôn ấy vượt trên lý lẽ của
sự công bình.
Nếu để ý, người ta thấy
nếp nghĩ của những người con trong dụ
ngôn Tin Mừng là nếp nghĩ vượt trên lẽ công
bình. Làm sao người con thứ dám xin cha mình chia gia tài mà
anh gọi là “thuộc về anh” trong khi cha mình sờ sờ
còn sống? Làm sao người con cả lại vùng vằng
làm mày làm mặt với cha khi cả đời hầu hạ
mà chẳng có lương? Sẽ là hỗn nếu dựa
trên cái tình, nhưng cũng có thể quan niệm
được nếu dựa vào cái lý. Chính nhân danh sự
công bình đương nhiên nào đó mà tư cách của hai
người con trong dụ ngôn đã được hình
thành.
Nhất là việc người con thứ
trở về. Sau những ngày phung phá đến
bước đường cùng, đến độ khánh
kiệt gia tài, cạn kiệt sức khỏe, anh vẫn
còn đủ tỉnh táo để hạch toán nẻo
lối tìm về. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã
đốt cháy quyền làm con nên không thể
được gọi là con nữa. Bởi vì dựa trên
công bình, anh đã tự ý bỏ nhà ra đi ôm theo sản
nghiệp nên muốn tìm về phải được cha
chấp nhận. Bởi vì dựa trên công bình, anh chỉ dám
coi mình như “người cần việc” tìm đến
“việc cần người”. Nếu anh có gặp cảnh
then cài khóa ổ xua đuổi chối từ có lẽ anh
cũng phải công bình mà chấp nhận.
Lẽ công bình khó khăn là như thế
nhưng nụ hôn của người cha đã hóa giải
tất cả. Nó vượt
qua giới hạn của lẽ công bình để
rạng rỡ là một nụ hôn của lòng thương
xót. Người cha tha thứ hết. Không khóa trái
đời sống người con thứ vào quá khứ
tội lỗi, không niêm phong nhịp đời của anh
vào bước đường phóng đãng, nhưng
phục hồi quyền làm con như thuở ban
đầu. Người ta không biết ở đâu lẽ
công bình dừng lại và ở đâu lòng thương xót
khởi đầu, nhưng chỉ biết rằng,
bằng nụ hôn ấy sự tha thứ đã vượt
lên chiếm lĩnh tiếng nói của lẽ công bình
để trở nên nụ hôn của lòng thương xót.
2. Nụ hôn ấy vượt trên khuôn khổ của
nền giáo dục.
Vẫn biết rằng khuôn khổ của
tình yêu là một tình yêu không theo một khuôn khổ nào,
nhất là tình ấy lại là tình cha, lại là lòng mẹ,
cùng lắm chỉ dám ví von như núi cao biển rộng,
tựa lai láng của dòng sông và mênh mông của đồng
lúa. Nhưng trong trọng trách giáo dục, người ta
cũng phải mặc nhiên chấp nhận một thứ
khuôn khổ nào đó. Chả thế mà ca dao Việt Nam
bảo: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Yêu con
không phải là nuông chiều theo ý của con, nhưng là
biết cách cho con roi giọt giáo hóa, và ghét con đâu
phải chỉ là hằn học mắng la mà nhiều khi
lại là những ngọt ngào ghẻ lạnh của
một tình thương vắng bóng.
Một trong những châm ngôn nổi tiếng
trong bổn phận giáo dục con cái là câu: “Nếu hôm nay
không muốn con khóc vì được dạy dỗ, thì coi
chừng sẽ phải khóc vì con hư đốn mai ngày”.
Như trường hợp nóng hổi thời sự
tại phiên tòa, khi người cha nghe con mình, một thành
viên trong băng cướp “quý tử”, bị kết án chung
thân đã nhỏ lệ thốt lên: “Tôi đã thiếu trách
nhiệm làm cha”. Cũng là tình phụ tử, nhưng quá
muộn màng.
Tình phụ tử cũng cần theo một
khuôn khổ nào đó. Nhưng tình phụ tử trong dụ
ngôn đã vượt lên tất cả. Không có một
lời trách móc, không có một lời răn đe, cũng
chẳng có hình phạt để mà nhớ đời.
Chỉ có nụ hôn như một minh chứng: Với
bản lĩnh của lòng thương xót, người ta
vẫn có thể đi xa hơn để yêu con đích
thực bằng cách cho ngọt cho ngào.
3. Nụ hôn ấy không dừng lại nơi cá nhân mà
còn lây lan đến cả cộng đoàn.
Đây chính là đỉnh cao của trang Tin
Mừng. Nó mở ra một nhãn giới mới lạ.
Nơi nụ hôn ấy là rạng rỡ lên hình ảnh
của một Người Cha: chung cho người con
cả và người con thứ, chung hco dân Do Thái và Dân Ngoại,
chung cho cả người đã biết Chúa hay chưa
biết Chúa. Nếu “cha chung không ai khóc” theo lẽ
thường tình, thì ở đây lại khác, Cha chung này
không cần đến tiếng khóc của ai, nhưng
lại sẵn sàng cúi xuống với bất cứ
tiếng khóc sám hối nào để ban tặng nụ hôn
ntha thứ nồng nàn xót thương. Người Cha chung
ấy yêu thương hết mọi người và
chẳng bao giờ bỏ quên những trường hợp
tội lỗi đáng thưong và bởi đáng
thương nên Ngài cũng thương cho đáng với
tấm lòng không vơi cạn của mình.
Qua nụ hôn đầu ngõ, Người Cha
ấy biến nỗi buồn sám hối trở thành
niềm vui tha thứ. Ngài ban ơn rộng rãi cho những
kẻ tìm về với Ngài, rồi nhanh chóng gửi họ
về lại gia đình cộng đoàn xã hội trong
một nhịp sống mới nồng nàn tình xót
thương, để những kẻ được
ơn tha thứ hiểu rằng, từ nụ hôn ấy,
họ phải minh chứng bằng cả cuộc
đời biết phát triển ơn tha thứ và cũng
biết dìu đưa những kẻ còn sa chìm về
với lẽ xót thương. Đó là niềm vui của
lòng thương xót, không dừng lại nhưng triển
nở sinh sôi, không khép kín cá nhân nhưng mở ra cho hết
mọi người.
Tóm lại, ba lý do: vượt trên lẽ công
bình, vượt trên nền giáo dục và vượt trên
đời sống cá nhân khiến nụ hôn cha – con là
nụ hôn của lòng thương xót. Dẫu có kinh
nghiệm về nụ hôn như phần lớn cộng
đoàn hay chưa có kinh nghiệm ấy như một
số bạn nhỏ, thiết tưởng nụ hôn xót
thương của Tin Mừng cũng đọng lại
trong ta một thứ nôn nao lạ lạ quen quen.
Khi thấy quen quen, là khi ta đồng hóa mình
với người con phung phá tìm về và được
tha thứ, trong lời kinh, trong Thánh Lễ, nơi tòa
Giải Tội. tất cả đều là những nụ
hôn thương xót. Khi thấy là lạ, là khi ta chợt
nhận ra vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ta
một anh con cả vùng vằng: Chúa đã đối
xử với ta bằng tình thương xót còn ta chỉ
đối xử với Chúa theo sự công bình, ta không
đi hoang lang thang xa đạo, nhưng cách sống
của ta biết đâu còn tệ hơn cả chối Chúa
công khai.
Và khi thấy chen lẫn quen quen lạ lạ
ấy chính là khởi đầu cho một quyết
định: bởi tôi đã nhận được ơn
tha thứ của Chúa, tới phiên tôi phải sống ơn
tha thứ bằng cách bỏ qua lỗi lầm cho anh em; tôi đã
nhận lòng xót thương của Chúa, tôi phải phát
triển lòng thương xót ấy qua cách sống tốt
lành của mình. Hãy quên đi những phần đời
không đáng nhớ khi anh em có lỗi với mình, và hãy
nhớ lấy những phần đời không thể quên
khi mình đã được Thiên Chúa tha thứ xót
thương.
Làm được như thế cũng là lúc
ta có thể hát lên: “Thành phố ơi, hãy im lặng cho
mọi người hôn nhau”
|